Học sinh mầm non Hà Nội bao giờ đi học?

Tào Nga Thứ ba, ngày 05/04/2022 13:16 PM (GMT+7)
Ngay sau khi Hà Nội có quyết định cho học sinh lớp 1-6 đi học từ ngày 6/4, nhiều phụ huynh và chủ trường mầm non bày tỏ sự sốt ruột vì không biết học sinh mầm non bao giờ đi học lại?
Bình luận 0

Phụ huynh mong ngóng

Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là tròn 1 năm học sinh cấp mầm non nghỉ học ở nhà mà chưa được lần nào đến trường. Mới đây, Sở GDĐT Hà Nội quyết định cho học sinh lớp 1-6 được đến trường vào ngày 6/4, tuy nhiên học sinh mầm non vẫn nghỉ học ở nhà lại khiến cho phụ huynh càng thêm nóng lòng, sốt ruột.

Chia sẻ với PV, chị Hoàng Thị Thủy, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có con trai là bé Tôm (tên ở nhà) bày tỏ: "Con trai mình đã 3,5 tuổi rồi mà chưa được đến lớp ngày nào. Hai năm qua, cứ mỗi lần mình có quyết định đăng ký cho con đi học thì dịch Covid-19 lại bùng phát. Từ năm ngoái đến nay, trường mầm non đóng cửa hoàn toàn khiến cho mong ước con "đi bộ đội" càng khó khăn hơn.

Vậy là từ lúc sinh ra đến nay, bé Tôm chỉ quanh quẩn trong nhà ăn, ngủ, chơi với ông nội. Con hoạt bát, hiếu động nhưng bị kìm kẹp, chạy nhảy vòng quanh chỉ trong khoảng không gian nhỏ bé của 4 bức tường. Những bài hát, con vật, đồ chơi... con thuộc đều từ ông nội dạy hoặc xem trên Youtube. Cuối tuần mình cho con xuống sân chơi là con thích lắm. Thương con nhưng không biết phải làm thế nào", chị Thủy cho hay.

Học sinh mầm non Hà Nội bao giờ đi học lại? - Ảnh 1.

Bé Tôm hiện tại 3,5 tuổi nhưng chưa biết đến trường lớp. Ảnh: NVCC

Tại cuộc họp trực tuyến về việc triển khai công tác cho học sinh tiểu học, lớp 6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã trở lại trường học trực tiếp diễn ra sáng 5/4, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương chính thức đề nghị phòng GDĐT 30 quận huyện, thị xã sẵn sàng tâm thế, tâm lý, nhân lực, nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất thích hợp, phù hợp để khi có đủ điều kiện sẽ cho học sinh bậc mầm non đi học trực tiếp.

Nhiều lần chị Thủy có ý định đăng ký cho con học tại một nhóm lớp của một giáo viên mầm non mở tại nhà. Tuy nhiên, sau khi đến xem tận nơi thì chị Thủy thấy không yên tâm vì môi trường sư phạm không đảm bảo. Vì vậy chị quyết định cho con ở nhà đến tận bây giờ.

"Mong muốn lớn nhất của mình là các trường mầm non được mở cửa trở lại. Mình sẽ xin cho con vào học một ngôi trường có sân chơi rộng rãi. Con được tiếp xúc với thầy cô, bạn bè, được dạy dỗ và sinh hoạt theo nếp, được giải phóng năng lượng mà lâu nay con bị tích tụ", chị Thủy cho hay.

Còn với chị Trần Thanh Xuân, quận Cầu Giấy thì sốt ruột vì con gái 5 tuổi đang phải gửi ở quê với ông bà suốt 1 năm qua. Chị Xuân nói: "Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm học. Năm sau con tôi vào lớp 1 rồi mà chưa được đến trường ngày nào. Kỹ năng sống, kiến thức cũng như nề nếp cần có để con sẵn sàng bước vào năm học đầu cấp quan trọng sắp tới thì bị đứt gãy. Tôi lo lắng vô cùng. Không biết con có đáp ứng được khi vào lớp 1 không khi không được học mẫu giáo lớn mà giờ chỉ toàn làm quen với cây rau, ngọn cỏ, con gà... ở quê".

Học sinh mầm non Hà Nội bao giờ đi học lại?

Chia sẻ về việc học sinh mầm non vẫn chưa được đến trường, Thạc sĩ Giáo dục Ngô Thanh Huyền, tốt nghiệp tại trường Đại học Sư phạm Bansomdej Chaopraya, Bangkok, Thái Lan, hiện là hiệu trưởng Trường Mầm non Ong Việt, quận Hà Đông, Hà Nội cho hay: "Đó là sự chậm trễ không đáng có. Mọi người không nhận ra được mặt trái của việc để trẻ mầm non ở nhà 1 năm qua sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu cực kỳ lớn như trầm cảm, tăng động giảm chú ý, chậm nói, chậm phát triển trí tuệ, nhút nhát trong giao tiếp, hạn chế ngôn ngữ...

Về mặt thể chất, tình trạng nhiều em bị cận thị, béo phì tăng lên do không được vận động. Các em bị nhốt quá lâu, không được tương tác, không có sự chia sẻ, áp lực học hành, bố mẹ không thấu hiểu, không chia sẻ với con có thể dẫn đến hậu quả nặng nề về sau".

Ngoài việc lo ngại cho học sinh bị ảnh hưởng khi phải ở nhà lâu, chính giáo viên và nhà trường, đặc biệt là nhóm trường tư thục bị ảnh hưởng nặng nề. Cô Đinh Phương Lan, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Thăng Long Academy cho biết, trong điều kiện bình thường mới khi mà chủ trương của chính phủ mở cửa toàn bộ nền kinh tế, giáo dục mầm non là bậc học cần được xem xét ưu tiên để tạo điều kiện cha mẹ đi làm. Mới đây, nhóm chủ trường tư thục cũng đã gửi đơn kiến nghị về việc mở cửa trường.

"Chúng tôi đã gánh chịu ảnh hưởng trầm trọng của dịch Covid-19 trong suốt hơn hai năm qua. Xét đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã bị đóng cửa tròn một năm và điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp hoàn toàn không có dòng tiền vào. Tổn thất mà chúng tôi phải gánh chịu quá lớn và gần như các hệ thống đang rơi vào tình trạng phá sản hàng loạt. Tổn thất tài chính theo từng quy mô nhưng phổ biến là quy mô trường học với 50 nhân sự trên một điểm trường, ước tính tổn thất hơn 10 tỷ đồng/năm/địa điểm trong suốt thời gian qua.

Với 650 trường tư thục và hàng nghìn nhóm trẻ tư thục trên địa bàn thành phố, thiệt hại của hệ thống mầm non tư thục thành phố lên tới hàng ngàn tỷ đồng trong những năm vừa qua dẫn tới sự kiệt quệ về mặt tài chính và phá sản hàng loạt trường mầm non như báo chí đã và đang tiếp tục đưa tin. Ngoài ra chúng tôi còn rất nhiều các vấn đề tài chính với phụ huynh mà năm học cũ chưa quyết toán được do nghỉ đột ngột và không có kế hoạch.

Ngoài những tổn thất về tài chính dễ nhìn thấy, chúng tôi còn những tổn thất trầm trọng về vấn đề giáo viên và nhân sự. Các giáo viên đã phải tìm kiếm những công việc khác để mưu sinh, sinh viên không còn thiết tha với ngành Giáo dục mầm non do công việc vất vả áp lực cao giờ đây còn kèm theo những bấp bênh không ổn định. Đây là những đứt gãy với những hệ lụy lâu dài có thể nhìn thấy được".

Theo thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội, hiện Hà Nội có tổng cộng hơn 500.000 học sinh mầm non. Ngay sau khi học sinh lớp 1-6 các quận nội thành đi học trực tiếp, Sở sẽ tiếp tục tính lộ trình cho trẻ mầm non trở lại trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem