Học sinh nông thôn du học: Khó vì thiếu thông tin, định hướng

Nguyễn Thiêm - Thanh Thu Thứ sáu, ngày 20/06/2014 10:03 AM (GMT+7)
Trong khi rất nhiều học sinh THPT ở các thành phố lớn, việc “săn” học bổng của các trường đại học danh tiếng trên thế giới khá dễ dàng thì đối với học sinh nông thôn, cơ hội tiếp cận với các học bổng này là rất hiếm hoi. Chỉ một số ít học sinh nông thôn thuộc diện “có điều kiện” mới có thể đi du học nhưng thông tin tư vấn rất ít khiến các em không hề có định hướng khi muốn đi.
Bình luận 0

Tìm cánh cửa mới…

Trên chuyến tàu điện MRT từ ga Clementi Choa Chu Kang (Singapore), tôi gặp Nguyễn Văn Ng là sinh viên của một trường cao đẳng công nghệ tại nước này. Ng giới thiệu quê em ở làng thép Đa Hội (xã Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh). Gặp lại Ng và các bạn ở khu chung cư thuộc khu vực Jurong West, chúng tôi mới biết hiện số sinh viên xuất thân là con em nông dân Việt Nam ở đây khá nhiều. Căn hộ Ngọc ở thuộc một chung cư cao cấp có 4 phòng ngủ, đang có 5 người ở. Ng cho biết, ngay khi học xong THPT, gia đình đã tính cho em đi du học: “Thông tin về du học ở quê rất ít dù em ở Từ Sơn, chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 30km. Em phải ra Hà Nội làm toàn bộ thủ tục du học”.

img
Bùi Ngọc Tú (đứng giữa) cùng bạn bè tại Osaka - Nhật Bản. Hồng Hiếu.

 

Trước đó, Ng đã học ngành công nghệ thông tin ở Trường APTECH và hiện đang học liên thông năm cuối tại Singapore. Chi phí học 1 năm của em khoảng 300-400 triệu đồng, bao gồm học phí 15.000 USD/năm, tiền ở khoảng 7-8 triệu/tháng và tiền ăn, tiêu vặt. Ng bảo: “Ở quê em chỉ có 2 trường THPT mà 1 trường ở xa, 1 trường là trường điểm thi khó đỗ nên hầu như thanh niên không thi được vào cấp 3 là bỏ học ở nhà phụ bố mẹ làm ăn”. Ng được coi là “của hiếm” khi tiếp tục đi học, và tìm kiếm cánh cửa mới là du học. Ngdự tính là sau khi kết thúc năm cuối ở Sigapore đi học tiếp thạc sĩ ở Mỹ, Úc.

Cùng phòng Ng có một sinh viên nữa cũng ở Đa Hội nhưng hôm đó vắng mặt. Ng tiết lộ: “Bố mẹ nó có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ngày nên nó có điều kiện về Việt Nam thăm người yêu thường xuyên”. Ng cũng cho biết thêm: “Trường em đang học có khá nhiều học sinh tới từ Tuyên Quang, Phú Thọ, phần vì du học ở Singapore không mấy đắt đỏ, phần vì đi học không phải chứng minh tài chính”.

Tuy nhiên, xét về nhược điểm, Ng cũng không ngần ngại khi chia sẻ, khá nhiều du học sinh xuất thân nông thôn khi du học tại Singapore sống co cụm với nhau, ở cùng một chỗ và nói chuyện với nhau hoàn toàn bằng tiếng Việt. Khi tới trường học cũng sinh hoạt chung cùng một nhóm nên khả năng nói tiếng Anh không được cải thiện. Vì thế, một số du học sinh khi về nước, trình độ tiếng Anh thậm chí còn kém cả sinh viên học tiếng Anh tại Việt Nam.

Sống ở nơi “khỉ ho cò gáy”, Bùi Ngọc Tú (SN 1990, ở thôn Làng Mới, xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, Bắc Giang) cũng có quyết định “đột phá” là đi du học Nhật Bản. Trước đó, em đã tốt nghiệp trường trung cấp y, đang công tác tại Bệnh viện C (Thái Nguyên). Qua thông tin “mách nước” từ một người bạn, em biết về chương trình du học ngành y (hệ bác sĩ) Học viện Quốc tế J ở tỉnh Osaka, Nhật Bản, nên quyết tâm lên đường.

Để có thể đi du học, Tú dành 7 tháng liền chỉ học ngoại ngữ. Toàn bộ chi phí trước khi du học em phải nộp là 200 triệu đồng. “Đó là số tiền quá lớn với gia đình em”- Tú nói. Tuy nhiên, với quyết tâm “học hành cho đàng hoàng”, Tú động viên cha mẹ tạo điều kiện lên đường. Do Tú có vốn tiếng Nhật tốt, Học viện Quốc tế J đã giới thiệu em tới làm thêm tại công ty sản xuất bánh mỳ. Vậy là hằng tuần, từ thứ 2 đến thứ 6 Tú lên lớp học ngoại ngữ các buổi chiều, còn 3 đêm cuối tuần thì đi làm thêm. Công việc này cho thu nhập 20 triệu đồng/tháng, vừa đủ trang trải chi phí học tập, sinh hoạt hằng tháng. Sau đó Tú nhận làm thêm tiếp một công việc khác.

Tú cho biết, em luôn quan niệm dù vừa học vừa làm nhưng việc học vẫn quan trọng nhất và em dành rất nhiều thời gian học ngoại ngữ và chuyên môn. “Một số bạn, do sức ép kiếm tiền, đã bỏ bê việc học và kết quả là không thể tốt nghiệp, phải đi làm chui các công việc chân tay”- Tú nói.

Khó kiếm cơ hội giành học bổng

Tuy nhiên, câu chuyện của Ng và của Tú cho thấy, nhiều học sinh nông thôn chọn con đường du học tự túc. Với các em có điều kiện gia đình khá giả như Ng thì không phải đi làm thêm. Còn phần lớn rơi vào trường hợp như Tú là phải đi làm thêm; thậm chí thời gian làm thêm còn nhiều hơn thời gian học rất nhiều- để có thể chi trả chi phí học tập và trả nợ cho bố mẹ. Rất ít em tiếp cận được các cơ hội du học bằng học bổng.


"Đối tượng học sinh nông thôn từng theo học ở trung tâm ngoại ngữ với mục đích đi du học chủ yếu là các sinh viên xuất sắc (thường là thủ khoa đầu vào hoặc đầu ra) của các trường đại học trong nước. Các em nhận được học bổng du học của trường, đi nước ngoài học với cam kết sau này về phục vụ cho chính trường đó”.
Cô Nguyễn Thanh Vân - giáo viên tại Trung tâm Ngoại ngữ ACET (Hà Nội)

Theo chuyên viên tư vấn du học của Trung tâm Anh ngữ quốc tế Apollo (Hà Nội): Để “săn” được các học bbổng toàn phần và những ưu đãi vào các trường đại học danh tiếng trên thế giới, ngoài một bảng điểm “đẹp”, trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, thuyết trình bằng ngoại ngữ thì học sinh cần có năng lực lãnh đạo, khả năng tham gia, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đoàn, đội trong và ngoài trường học. Bên cạnh đó, học sinh phải biết thường xuyên cập nhật các thông tin học bổng của các trường trên mạng Internet.

 

Chuyên viên này cho biết, tất cả lợi thế đều thuộc về học sinh khu vực thành phố, còn học sinh khu vực nông thôn hầu như không có những điều kiện này: “Rất nhiều em ở khu vực nông thôn học rất giỏi, bảng điểm rất đẹp, lực học ngoại ngữ rất tốt nhưng thiếu khả năng nghe nói, đặc biệt là cơ hội tiếp cận các thông tin học bổng gần như bằng… 0”.

"Ở nông thôn, thông tin về du học rất ít, định hướng của cha mẹ cũng không có. Điều cần nhất là ngoại ngữ. Bản thân em được gia đình đầu tư học tiếng Pháp ngay từ những năm học tiểu học. Và từ khi học tiểu học, em đã phải xa gia đình, khăn gói lên thành phố học tiếng Pháp”.
Võ Túc Ngân - sinh viên phân ngành Truyền thông của Đại học Nice Sophia Antipolis (Pháp).

Cô Nguyễn Thanh Vân – giáo viên tại Trung tâm Ngoại ngữ ACET (Hà Nội) cũng thừa nhận, học sinh khu vực nông thôn không nằm trong nhóm đối tượng mà các trung tâm tư vấn du học, các trường đại học nhắm tới. Bởi nếu là du học tự túc thì ít gia đình ở nông thôn có điều kiện theo đuổi, chi phí quá đắt so với mặt bằng chung kinh tế của các gia đình này. “Nếu có gia đình nào khá giả ở nông thôn muốn cho con đi du học thì hầu như toàn phải mò mẫm thông tin hoặc có người quen hỗ trợ chứ các dịch vụ tư vấn du học rất hiếm có những chương trình hướng tới khu vực nông thôn”- cô Vân nói.

 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tư vấn du học, với lợi thế về công nghệ thông tin, học sinh nông thôn- nếu có hoài bão- đều có thể tự học ngoại ngữ, tự tìm kiếm các cơ hội du học trên mạng Internet. Con đường xa hơn có thể đi, đó là thi đỗ vào một trường đại học và tìm kiếm cơ hội “săn” học bổng từ ngành học đó.


Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện nay Việt Nam hiện có trên 100.000 du học sinh đang theo học tại 49 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có khoảng 90% học sinh đi học bằng kinh phí tự túc. Xu hướng đi học tự túc tập trung chủ yếu là đi học đại học, còn chương trình du học theo học bổng thì phần lớn dành cho đào tạo sau đại học.

Xet về thị trường, số lượng du học sinh tập trung học nhiều nhất ở Australia (25%), Mỹ (16%), Trung Quốc (13%), còn lại là các nước khác như Canada, New Zeland, Anh, Nhật… Theo số liệu mới nhất của báo cáo trao đổi giáo dục quốc tế Open Doors, trong năm học 2012 - 2013, số lượng sinh viên Việt Nam đang học tại các trường cao đẳng, đại học của Mỹ tăng thêm 3,4% với 16.098 người, đứng thứ 8 trong số các nước có đông sinh viên học tại nước này.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem