Học sinh nông thôn vẫn chuộng ngành... dễ thất nghiệp

Thứ ba, ngày 01/04/2014 11:10 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, kinh tế, tài chính, ngân hàng… được cho là khối ngành đã “bão hòa” về nhân lực và bị cảnh báo rất khó xin việc khi ra trường.
Bình luận 0
Tuy nhiên, khối lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào khối ngành này hàng năm - và cả năm nay vẫn không hề giảm, trong đó có không ít hồ sơ từ học sinh các vùng nông thôn.

Chọn ngành theo… cảm tính

Ở vùng núi bán sơn địa nhưng quá nửa số học sinh của Trường THPT Ba Vì (Hà Nội) có xu hướng chọn khối ngành kinh tế - kỹ thuật, tài chính – kế toán. Trường này chưa có số liệu chính xác về hồ sơ tuyển sinh của học sinh, nhưng phân tích qua các đợt thi thử ĐH được trường tổ chức và quá trình đăng ký thi tốt nghiệp có thể thấy rõ xu hướng chọn ngành của đa số học sinh là khối ngành kinh tế

Tư vấn hướng nghiệp là hoạt động rất quan trọng để tránh học sinh chọn nghề theo cảm tính.
Tư vấn hướng nghiệp là hoạt động rất quan trọng để tránh học sinh chọn nghề theo cảm tính.

Thầy Nguyễn Văn Hợp- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các trường ĐH như Ngân hàng, Tài chính, Ngoại thương, Bách khoa, Công nghiệp, Giao thông Vận tải… năm nào cũng là những trường chiếm lượng hồ sơ đăng ký dự thi nhiều nhất. Khối sư phạm – nông lâm thì rất hiếm hoi. Dù nhà trường đã tổ chức nhiều buổi tư vấn nghề nghiệp nhưng vẫn có nhiều học sinh chọn nghề theo… cảm tính”.

Tương tự, tại Trường THPT Định Hóa (Thái Nguyên), lượng học sinh chọn khối ngành kinh tế - tài chính – ngân hàng hàng năm cũng khá cao. Hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyễn Huy Hoàng cho biết: Không chỉ quan tâm mấy ngành “hot”, tâm lý phải có bằng ĐH trong khi để vào một trường ĐH hiện nay không mấy khó, đã khiến việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh gặp không ít khó khăn. “Nhiều trường dạy nghề trên địa bàn đã liên hệ với trường và đến tận nơi tư vấn, tuy nhiên chỉ có những học sinh học lực trung bình tỏ ra quan tâm, còn hầu hết học sinh không mặn mà” – thầy Hoàng nói.

Cô Nguyễn Phương Trà – giáo viên một trường THPT tại Quỳnh Phụ (Thái Bình) thì cho rằng: “Học sinh nông thôn thường có tâm lý muốn thoát ly khỏi đồng ruộng và vào một ngành gì đó có thể phát triển kinh tế để thoát nghèo, vì vậy ngay cả phụ huynh cũng rất chuộng mấy ngành nghề có vẻ rất “oai” này”. Cô Trà cũng thừa nhận, cứ nói đến nghề giáo viên hay nông – lâm – ngư… là học sinh tỏ vẻ e ngại vì lương thấp, phải “chân lấm, tay bùn”, phải đi vùng sâu vùng xa… mà chưa cần tìm hiểu kỹ thực ra ngành nghề ấy như thế nào.

Chọn nghề trước khi chọn trường

“Chọn nghề trước khi chọn trường” là lời khuyên mà các thầy giáo, cô giáo và các chuyên gia giáo dục tư vấn cho học sinh của mình trong quá trình làm hồ sơ thi ĐH - CĐ năm nay.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, tổng số hồ sơ dự thi ĐH, CĐ năm 2013 là hơn 1,7 triệu bộ hồ sơ. Trong đó, đăng ký dự thi ĐH trên 1,34 triệu bộ hồ sơ (chiếm 79%), CĐ trên 367.000 bộ hồ sơ (chiếm 21%). Hồ sơ đăng ký dự thi nhóm ngành kinh tế và quản lý chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số hồ sơ đăng ký dự thi, với 19,9%. Theo dự báo, khối ngành kinh tế sẽ tiếp tục giữ vị trí số 1 trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.

Thầy La Thế Thượng – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 1, Bắc Giang chia sẻ: “Không có ngành nào hot hay trường nào hot mà chủ yếu dựa vào thực lực của chính học sinh, làm sao để ở mỗi ngành nghề các em chọn, các em có trình độ thực sự cao thì không phải lo đi xin việc khi ra trường”.

Thầy Thượng cho biết thêm, vẫn biết lựa chọn ngành nghề cần phải bám sát nhu cầu nhân lực của xã hội, nhưng xã hội luôn biến đổi, ngành nghề này có thể ở thời điểm hiện tại là “hot”, nhưng mấy năm nữa lại thừa lao động. Bài học về các ngành kinh tế trong những năm vừa qua là một kinh nghiệm quý giá cho cả các chuyên gia hoạch định giáo dục và các thí sinh chuẩn bị thi ĐH.

Còn theo GS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): “Giáo dục phổ thông ở ta hiện nay vẫn chưa có sự phân luồng rõ ràng. Chẳng hạn như ở Đức, họ có sự phân luồng ngay từ những năm đầu phổ thông, em nào có khả năng thì mới học nâng cao để thi ĐH, còn đa số học sinh lựa chọn các trường nghề sau khi học một, hai năm là có thể ra trường đi làm”. Hệ lụy của việc cố học ĐH là thất nghiệp.

GS Văn Như Cương cho rằng Bộ GDĐT cần có những dự đoán về nhu cầu các nhóm ngành để làm định hướng cho thí sinh thi ĐH, CĐ. Trong những năm qua, Bộ GDĐT đã nhận định rất chính xác về khả năng thừa nhân lực trong ngành sư phạm, đây là một cách định hướng tốt nhất cho học sinh phổ thông. Tuy nhiên, với khoảng thời gian lâu dài từ 5 năm trở lên thì vẫn chưa có sự dự đoán nào đáng kể.

“Khối ngành nông - lâm - ngư năm nào cũng thiếu nguồn đào tạo trong khi nhu cầu sử dụng nhân lực khối ngành này tại các địa phương lại rất lớn. Đối tượng học sinh xuất thân từ những vùng nông thôn rất phù hợp để đào tạo, tuy nhiên các em vẫn không hiểu rõ bản chất ngành nghề mà chọn nghề theo xu thế và số đông. Điều này cũng giải thích hiện tượng cử nhân ra trường thất nghiệp nhiều một phần cũng là do chọn sai nghề, sai trường”.
PGS - TS Đặng Kim Vui - Giám đốc ĐH Thái Nguyên

“Các bạn học giỏi thường có tâm lý thích thi những trường ĐH “oai” như Ngoại thương, Dược… để chứng minh khả năng; còn những bạn học khá thì chọn thi khối ngành kinh tế. Em học lực ở mức trung bình nhưng chắc cũng sẽ thi trường ĐH nào đó có ngành kế toán, sau này đi làm cho nhàn!”.
Nguyễn Hà Anh - học sinh lớp 12, Trường THPT Quảng Oai (Ba Vì, Hà Nội)


Tùng Anh - Đỗ Thịnh (Tùng Anh - Đỗ Thịnh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem