|
Năm nay tỉ lệ thí sinh đăng kí vào ngành sư phạm thấp. |
Nhiều năm qua, sinh viên ngành Sư phạm không phải đóng học phí trong quá trình học tập, được hưởng mức phụ cấp từ 30-70% theo từng vùng, từng cấp khi ra trường giảng dạy. Đây là chính sách hợp lý của nhà nước để thu hút thật nhiều học sinh giỏi đến với ngành giáo dục, để các thầy cô giáo khi ra trường có thu nhập ổn định, yên tâm, gắn bó dài lâu với nghề nghiệp mà mình đã chọn.
Tuy nhiên, với tỷ lệ thí sinh thi vào thấp như năm nay, điều đó chứng tỏ chính sách ấy vẫn chưa có một sức hút mạnh mẽ. Kết quả, điểm trúng tuyển vào các trường sư phạm những năm qua cũng chỉ ở tốp dưới hoặc mức "thường thường bậc trung".
Tại sao lại như vậy? Nhìn vào thực tế những người làm công ăn lương, tôi thấy thu nhập và mức sống của nhà giáo vẫn thấp hơn nhiều.
Mặt khác, theo xu hướng của thời đại, nhiều phụ huynh, học sinh không muốn học sư phạm, bởi vì ngành nghề này quá lặng lẽ, gò bó, công việc cứ đều đều, lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán, rồi thu nhập cũng bình bình, chẳng khấm khá lên được.
Kể cả gia đình giáo viên, nhiều người cũng không có ý định hướng cho con em mình nối nghiệp bố, mẹ, vì thấy nghề này vất vả, nhọc nhằn mà xã hội lại luôn yêu cầu, đòi hỏi cao.
Có một xu hướng khác, ngành giáo dục chỉ thích hợp với giới nữ. Thành ra, số nữ giáo viên ngày càng đông đảo, hùng hậu. Như ở cấp tiểu học, giáo viên nữ chiếm trên 80%, có nhiều trường đã mất hẳn bóng dáng nam giáo viên.
Mỗi giới có thế mạnh, ưu điểm riêng, nó bổ sung cho nhau. Sự mất cân bằng về giới trong ngành giáo dục hiện nay, tất nhiên là điều không tốt. Các nhà quản lý giáo dục cần nhận thấy rõ vấn đề này và có cách điều chỉnh.
Giáo dục đang "khát" những thầy cô có đủ tâm và tài. Họ có giỏi thì mới đào tạo, giáo dục nên những thế hệ học trò giỏi được. Thầy và trò là quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau. Nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cần có thêm những quyết sách đúng đắn, thực tiễn, hấp dẫn hơn nữa để ngành giáo dục, trường sư phạm luôn là "mảnh đất hứa" cho tất cả học sinh, phụ huynh.
Đỗ Tất Ngọc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.