Học trò là... thượng đế

Thứ tư, ngày 30/03/2011 06:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Học trò là... thượng đế” nhưng để không bị “tiền mất, tật mang” các “thượng đế” cần lưu ý tìm hiểu các thông tin liên quan trước khi đăng ký những chương trình đào tạo liên kết có yếu tố nước ngoài.
Bình luận 0

Công cuộc xã hội hoá giáo dục đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho giới trẻ vào đời bằng con đường học vấn. Không kể đến sự ra đời, nâng cấp “không mệt mỏi” của hơn 400 trường ĐH-CĐ trong cả nước mà chỉ cần nói đến vô số các “chiêu thức” làm hài lòng sĩ tử cũng đủ thấy sống ở thời đại “học trò là thượng đế” sung sướng đến mức nào.

img
Học sinh Trường THPT Hoằng Hoá (Thanh Hoá) thảo luận về các điểm mới trong Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2011.

Không cần phải đạt thủ khoa, chỉ cần có tổng điểm đầu vào đạt 20, thí sinh thi vào Trường ĐH Yersin Đà Lạt sẽ được miễn học phí năm đầu tiên; Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, thí sinh đạt 21 – 24 điểm trở lên sẽ được hưởng học bổng tương đương 80 - 100% học phí của trường trong suốt 4 năm học nếu thành tích học tập vẫn đạt khá giỏi…

Còn đối với thí sinh lỡ “trượt vỏ chuối” NV1 vào trường, chỉ cần điểm thi bằng điểm sàn của Bộ GDĐT, các em vẫn có thể đường hoàng đỗ vào các trường “top” đầu bằng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài rất hấp dẫn của các trường ĐH.

Năm 2011, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chiêu sinh vào các ngành liên kết đào tạo với các trường nổi tiếng nước ngoài như ĐH Troy (TROY) - Mỹ, Viện ĐHQG Bách khoa Grenoble (INPG)- Pháp, ĐH Leibniz Hannover (LUH)- Đức, ĐH Công nghệ Nagaoka (NUT)- Nhật, ĐH Victoria Wellington (VUW)- New Zealand… yêu cầu chỉ cần thí sinh đạt điểm sàn. Thậm chí nếu không có điểm thi ĐH, nhưng đã tốt nghiệp THPT, thí sinh chỉ cần tham gia đợt kiểm tra đầu vào 3 môn: Toán, Lý, Hoá do trường tổ chức vào tháng 9.2011 cũng có cơ hội học ĐH như thường…

Tuy nhiên, chỉ cần “liếc” đến học phí đào tạo liên kết của các chương trình này, nhiều phụ huynh và học sinh phải… lắc đầu lè lưỡi. Không tính bằng tiền Việt Nam, các chương trình liên kết đào tạo đều tính theo USD với giá gấp 10, thậm chí 50 lần học phí của các trường công lập trong nước.

Nhiều người cho rằng đây chỉ là những chương trình đào tạo dành cho con nhà giàu “thừa tiền nhưng thiếu điểm”. Số khác lại nghĩ: “Sẽ có nhiều gia đình phải thắt lưng buộc bụng cho con học ĐH theo kiểu này để… lấy cái danh”.

Thời buổi kinh tế thị trường, giáo dục cũng được thương mại hoá, các trường phần lớn phải tự cân đối thu chi. Thế mới có chuyện “Học trò là... thượng đế” nhưng để không bị “tiền mất, tật mang” các “thượng đế” cần lưu ý tìm hiểu các thông tin liên quan trước khi đăng ký những chương trình đào tạo liên kết có yếu tố nước ngoài. Bởi, không phải chương trình nào cũng được Bộ GDĐT phê duyệt và không phải trường đối tác nước ngoài nào cũng đảm bảo chất lượng đào tạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem