Học trò tuổi ngoài 70, chít khăn tang trắng, nghẹn ngào kể về Giáo sư, NSND Trần Bảng

Hà Tùng Long Thứ hai, ngày 24/07/2023 19:17 PM (GMT+7)
Trong tang lễ của Giáo sư, NSND Trần Bảng chiều nay (24/7), nhiều học trò của ông như: NSND Đoàn Thanh Bình, Nhà biên kịch Hồng Ngát… đều chít khăn chịu tang thầy và kể về thầy với bao điều trìu mến.
Bình luận 0

NSND Đoàn Thanh Bình chia sẻ với Dân Việt rằng: "Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bà nội của tôi là cụ Cả Tam (tức NSND Trịnh Thị Lan) – một trong những cây đa cây đề của làng chèo, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt đầu tiên nên tôi theo nghệ thuật từ năm 15 tuổi. 

Học trò tuổi ngoài 70, chít khăn tang trắng, nghẹn ngào kể về Giáo sư, NSND Trần Bảng - Ảnh 1.

NSND Đoàn Thanh Bình tiễn Giáo sư, NSND Trần Bảng bằng điệu chèo Sử rầu ba than do soạn giả Châu Hải Đường cảm tác. Ảnh: Viết Niệm.

Tuy nhiên, do hồi đó bố mẹ tôi theo cải lương nên tôi cũng theo nghiệp bố mẹ chứ không theo nghiệp chèo của bà nội. Trước khi mất, bà nội tôi cứ đau đáu mãi vì không có con cháu nào nối nghiệp của mình. Ngày cụ bà nội tôi mất, thầy Trần Bảng lên viếng đám tang và khuyên tôi nên nối nghiệp chèo của bà. Lúc đó, thầy Trần Bảng đang giữ chức Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu (Bộ Văn hóa - Thông tin) kiêm Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam.

Năm 1971, tôi theo học chèo tại Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (Nay là Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội). Khóa của tôi là diễn viên Chèo A năm 71 – 75, có tới 30 học viên, đến từ rất nhiều tỉnh thành ở miền Bắc, miền Trung. Năm 1975, khi vừa tốt nghiệp thì tôi được thầy Trần Bảng lúc đó đang làm Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam nhận về. Sau này, tôi tiếp tục theo học lớp Đạo diễn, Biên kịch kịch hát dân tộc khóa II do thầy Trần Bảng làm Chủ nhiệm. Với tôi, thầy Trần Bảng hơn cả một người thầy, hơn cả một người cha. Vì lẽ đó nên hôm nay tôi mới chít khăn để chịu tang thầy mình.

Thời còn công tác ở Nhà hát Chèo Việt Nam, tôi được tham gia một số vở của thầy như: Đôi ngọc truyền kỳ, Từ Thức gặp tiên, Sông Trà Khúc, Quan Âm Thị Kính… Vở Sông Trà Khúc được thầy Trần Bảng dàn dựng năm 1985, tôi đóng vai chính, vở diễn và tôi đều đoạt Huy chương vàng trong Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc. Thầy Trần Bảng không chỉ là một cây đa cây đề của làng chèo mà còn là vị Phật sống của bao thế hệ học trò. Thầy hiền lành, tốt tính, vị tha, thương học trò lắm.

Năm 1984, vợ chồng tôi (chồng NSND Đoàn Thanh Bình là NSƯT Vũ Ngọc – PV) được cử đi thi cuộc thi về các trích đoạn nghệ thuật truyền thống xuất sắc để chọn ra các tiết mục xuất sắc nhất mang đi dự thi ở 5 nước Tây Âu. Khi chúng tôi được cử đi thì có một số đơn kiện gửi lên bảo nếu cho chúng tôi đi cả thì sẽ ở lại chứ không về nước. Lúc đó, chính thầy Trần Bảng là người đứng ra bảo lãnh cho chúng tôi để chúng tôi được đi. Chính thầy làm Trưởng đoàn đưa chúng tôi qua dự thi ở Tây Âu. Đợt đi đó thầy trò chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm.

Học trò tuổi ngoài 70, chít khăn tang trắng, nghẹn ngào kể về Giáo sư, NSND Trần Bảng - Ảnh 2.

Bức ảnh kỷ niệm của NSND Đoàn Thanh Bình cùng các diễn viên chèo với Giáo sư, NSND Trần Bảng. Ảnh: FBNV.

Cách đây khoảng 1 tháng, tôi với học trò Lại Thanh Minh có đến thăm thầy ở nhà riêng, lúc đó thầy vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, hoạt bát lắm. Lúc nào thầy cũng dặn chúng tôi rằng chèo không thể mất được. Thầy bảo vợ chồng tôi cố gắng giảng dạy, truyền nghề cho thế hệ trẻ để đưa chèo phát triển xa hơn".

Xem thầy Trần Bảng như cha, chưa bao giờ rời xa thầy

Nhà thơ, nhà biên kịch Hồng Ngát cũng tâm sự với Dân Việt: "Tôi xem thầy Trần Bảng như người cha của mình, người thân thiết nhất với tôi trong làng chèo từ khi tôi mới 15 tuổi, mới chân ướt chân ráo từ Hưng Yên lên Hà Nội theo học chèo.

Ngoài ra, gia đình thầy Trần Bảng với gia đình nhà chồng tôi cũng có mối quan hệ rất mật thiết. Thời còn ở Việt Bắc, bố mẹ chồng tôi (nhà phê bình văn học Hoài Thanh – nhà báo Phan Thị Nga) chính là chủ hôn của thầy Trần Bảng và cô Trần Thị Xuân. Thời Trần Lực lấy vợ, chính thầy Trần Bảng cũng nhờ chồng tôi là nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang làm chủ hôn.

Học trò tuổi ngoài 70, chít khăn tang trắng, nghẹn ngào kể về Giáo sư, NSND Trần Bảng - Ảnh 3.

Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chít khăn tang để chịu tang thầy Trần Bảng. Ảnh: Viết Niệm.

15 năm làm diễn viên chèo, tôi được thầy Trần Bảng dìu dắt rất nhiều. Thầy không hát chèo được nhưng thầy dạy về lý luận và diễn xuất rất giỏi. Bù lại, cô Xuân lại hát rất hay nên dạy hát mẫu là học trò nào cũng mê.

Lúc thầy còn khỏe mạnh, tôi vẫn thường xuyên lên thăm thầy. Tôi gần ông từ năm 15 tuổi và bây giờ đã 73 tuổi, tôi chưa bao giờ xa ông hết. Trên Facebook của tôi, có hai người chăm tương tác với tôi nhất đó là thầy Trần Bảng và ông xã nhà tôi. Vì lẽ đó mà   

Thầy lúc nào cũng chuẩn bị tinh thần cho việc đi xa, về với cô Xuân, về với các cụ. Thầy bảo, nhiều lúc thấy mình sống lâu quá cũng buồn vì bạn bè đồng niên, đồng khóa đều đã đi xa hết rồi. Cách đây mấy tháng, thầy cũng phải đi cấp cứu vì sức khỏe có vấn đề. Tôi lên thăm thầy thì thầy tếu táo bảo: "Tao tưởng tao đi trận này nên có đồng nào chia cho chúng nó hết, giờ vẫn sống thế là phải gây quỹ lại". Ông là người rất vui vẻ, lạc quan, thương người. Học trò cứ khó khăn gì mà nhờ thầy giúp đỡ là thầy đều sẵn lòng".

Trao đổi với Dân Việt, NSND Vân Quyền cho biết: "Thầy Trần Bảng mất đi là một mất mát rất lớn đối với làng chèo. Thầy để lại cho chúng tôi rất nhiều tài liệu, sách vở, kiến thức, kinh nghiệm… hết sức quý báu. Những tài liệu nghiên cứu của thầy vẫn được khoa Kịch hát dân tộc của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh truyền dạy cho các thế hệ sinh viên.

Trích đoạn "Thị Mầu lên chùa" do NSND Vân Quyền và NSND Thúy Ngần thể hiện. Clip: Mai Văn Lạng

Ngày xưa, tôi được học vai Thị Mầu lên chùa trong trích đoạn Thị Mầu lên chùa từ cụ Dịu Hương. Khi ra trường, tôi được thầy Trần Bảng trực tiếp giảng dạy khi thầy bắt tay dàn dựng lại các trích đoạn này. Bây giờ học một vai chỉ khoảng vài ba tháng là xong chứ ngày xưa chúng tôi tập một vai như vai Thị Màu là mất tròn 1 năm. Thầy cứ phân tích từng li từng tí một cho tôi thấm dần, thấm dần. Thầy Trần Bảng là người dạy không bao giờ minh họa nhưng phân tích rất kỹ. Thầy phân tích cái là chúng tôi nghĩ ra động tác của nhân vật luôn. Tôi thành công với vai Thị Mầu lên chùa là nhờ công rất lớn của thầy Trần Bảng.

Sau này, những lần chúng tôi lên nhà riêng thăm thầy, thầy có dặn chồng tôi là đạo diễn Đoàn Vinh rằng "Ở nhà hát có việc gì là chúng mày phải lên đây thông báo cho thầy biết". Dù đã nghỉ hưu lâu năm, dù đã có tuổi nhưng thầy vẫn luôn đau đáu với sự phát triển của Nhà hát Chèo Việt Nam. Thầy vẫn chỉ đạo từ xa và đưa ra rất nhiều lời tư vấn tâm huyết. Vì thế mà lãnh đạo rồi diễn viên nhà hát rất hay lên thăm thầy Trần Bảng để lĩnh hội những ý kiến đóng góp quý báu của thầy. 

Dựng vở mới cũng lên, truyền vai cho ai cũng lên gặp thầy để xin ý kiến thầy. Năm 2019, Thanh Ngoan, Vân Quyền, Thúy Ngần được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân thì chúng tôi cũng lên báo cáo với thầy. Thầy vui và tự hào lắm.

Thầy Trần Bảng là người có kiến thức rất rộng, từng giữ nhiều vị trí cao nhưng thầy lại là người bao dung, độ lượng. Nếu ai chưa làm được thầy cũng chỉ nhẹ nhàng góp ý. Tôi nhớ, có lần thầy xem chúng tôi biểu diễn, thầy xem rất say sưa khiến chúng tôi diễn rất thăng hoa nhưng khi xuống sân khấu thầy mới bảo "chỗ này con diễn chưa đạt nhé, chỗ này phải làm thế này nhé". Với một người diễn viên mà được đạo diễn góp ý nhẹ nhàng và sâu sắc như thế thì quả là niềm hạnh phúc không gì bằng. Nó giúp cho người diễn viên có cảm hứng sáng tạo rất mạnh mẽ".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem