NSƯT Trần Lực nói lời tiễn biệt cha - GS. NSND Trần Bảng, cả tang trường nghẹn ngào

Hà Tùng Long Thứ hai, ngày 24/07/2023 13:40 PM (GMT+7)
Chiều 24/7, lễ tang Giáo sư, NSND Trần Bảng đã diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). NSƯT Trần Lực xúc động nói lời xin lỗi và tiễn biệt cha khiến cả tang trường nghẹn ngào theo.
Bình luận 0

Giáo sư, NSND Trần Bảng - một nghệ sĩ tài năng, một nhà nghiên cứu lỗi lạc và uyên bác của làng chèo trút hơi thở cuối cùng vào 6h ngày 19/7 sau một thời gian lâm bệnh nặng. Sự ra đi của ông khiến gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò rất thương tiếc. Chia sẻ với Dân Việt, các nghệ sĩ Thanh Ngoan, Minh Thu, Quốc Anh, Hồng Ngát... đều bày tỏ sự đau buồn và hụt hẫng khi hay tin thầy mình ra đi. Với họ, việc Giáo sư, NSND Trần Bảng ra đi như mất đi một chỗ dựa vững chãi về tinh thần.

Thắt lòng cảnh nghệ sĩ làng chèo khóc ngằn ngặt tiễn đưa Giáo sư, NSND Trần Bảng - Ảnh 1.

NSND Trần Bảng rời cõi tạm ở tuổi 97. Ảnh: GĐCC.

Theo chia sẻ của đạo diễn Trần Lực - con trai của Giáo sư, NSND Trần Bảng với Dân Việt thì lễ tang của ông sẽ diễn ra từ 13h30 đến 15h15. Lễ an táng sẽ diễn ra vào 11h ngày 25/7, tại nghĩa trang xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng - quê hương của NSND Trần Bảng. Lễ tang của Giáo sư, NSND Trần Bảng do Gia đình, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Nhà hát chèo Việt Nam cùng phối hợp tổ chức.

Trong điếu văn tiễn đưa, NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đại diện BTC lễ tang đọc có đoạn viết: "Trong lĩnh vực sân khấu, Giáo sư, NSND Trần Bảng là một trí tuệ uyên thâm, một tài năng xuất sắc và là một nhân cách nghệ sĩ lớn. Ông đã để lại cho các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam một tấm gương sáng mẫu mực về tinh thần hiếu học, đức tính khiêm tốn, giản dị và nhất là lòng say mê đầy nhiệt huyết đối với nghệ thuật sân khấu chèo. Niềm hạnh phúc, nỗi khổ đau và sự trăn trở của ông luôn gắn liền với những bước đi thăng trầm của nghệ thuật chèo truyền thống, trong quá trình tìm tòi, xác định hướng đi đúng đắn nhất cho việc kế thừa và phát triển chèo...

Thắt lòng cảnh nghệ sĩ làng chèo nghẹn ngào tiễn đưa Giáo sư, NSND Trần Bảng - Ảnh 2.

Học trò các thế hệ của Giáo sư, NSND Trần Bảng túc trực bên linh cữu thầy. Ảnh: Viết Niệm.

Giáo sư, NSND Trần Bảng là người có những đóng góp lớn lao trong việc đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ cho sân khấu Cách mạng và sân khấu chèo đương đại. Nhiều thế hệ học trò của ông đã trở thành những nghệ sĩ xuất sắc trong nghệ thuật chèo, được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, là lực lượng nòng cốt và chủ yếu giữ nhưng vai trò quan trọng trong các chương trình biểu diễn, vở diễn của các đoàn nghệ thuật Chèo.

Giáo sư Trần Bảng cũng tham gia đào tạo nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ nghệ thuật học, sân khấu học tại Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia và Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Nhiều học trò của ông đã thừa kế và phát triển những luận điểm khoa học của ông về sân khấu nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của công tác nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu ở nước ta".

Thắt lòng cảnh nghệ sĩ làng chèo nghẹn ngào tiễn đưa Giáo sư, NSND Trần Bảng - Ảnh 3.

Con cháu, gia đình, dòng tộc, bằng hữu trong lễ viếng Giáo sư, NSND Trần Bảng. Ảnh: Viết Niệm.

Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, Giáo sư, NSND Trần Bảng là một người chồng son sắt thuỷ chung, một người cha, người ông, người cụ... giàu lòng thương yêu con cháu, là người thầy khả kính luôn quan tâm dìu dắt, động viên khích lệ các thế hệ học trò với tình cảm yêu thương nồng hậu. Giáo sư, NSND Trần Bảng mất đi là một tổn thất to lớn cho sân khấu Việt Nam đương đại. Nhưng những cống hiến của ông sẽ đi vào lịch sử sân khấu Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI như là một ngôi sao sáng, một nghệ sĩ tiêu biểu cho sân khấu cách mạng Việt Nam, cho sân khấu dân tộc Việt Nam. Ông sẽ sống mãi trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển nền nghệ thuật sân khấu dân tộc nước nhà.

Thay mặt gia đình nói lời tiễn biệt cha trong tang lễ, NSƯT Trần Lực nghẹn ngào nói, trước khi mất, Giáo sư, NSND Trần Bảng có nói với con cháu rằng, ông đã gần 100 tuổi, thân xác cũng đã già nua, mệt mỏi... vì thế, nếu có về với tổ tiên thì con cháu cũng đừng quá đau lòng, khóc than khi tiễn biệt ông. 

NSƯT Trần Lực nghẹn ngào nói lời tiễn biệt bố - GS.NSD Trần Bảng. Clip: Hà Tùng Long

"Với chúng con, bố chưa bao giờ chết cả. Bố tồn tại mãi mãi trong chúng con. Bố ở trong chúng con, chúng con ở trong bố. Cả cuộc đời bố đã dành hết tình yêu thương cho con cháu, truyền dạy mọi lẽ sống cho chúng con. Bố là chỗ dựa tinh thần của gia đình mình. Với các bạn bè, đồng nghiệp, học trò của bố... họ cũng nhìn thấy sự hiện diện của bố trong họ thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Bố đã dành hết mọi nhiệt huyết và thanh xuân cho môn nghệ thuật mà bố đam mê... Tạm biệt bố kính yêu. Tạm biệt những năm tháng đẹp của bố con mình, của gia đình mình. Bố ơi, con xin lỗi bố... Bố bảo chúng con không được khóc trong đám tang bởi vì bố đã sống một cuộc đời viên mãn nhưng con xin lỗi, con không thể. Bố ơi, chúng con yêu yêu bố... chúng con mãi yêu bố", NSƯT Trần Lực nghẹn ngào.

Giáo sư, NSND Trần Bảng có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn hóa - nghệ thuật Việt Nam

Giáo sư, NSND Trần Bảng sinh ngày 26/6/1926 tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương, nay thuộc TP. Hải Phòng, trong một gia đình có truyền thống Nho học. Trước Cách mạng tháng Tám ông theo học ở các trường tiểu học, trung học đương thời; đồng thời theo học Hán văn theo truyền thống của gia đình. Ông sớm giác ngộ cách mạng và tham gia giành chính quyền tại huyện Vĩnh Bảo. Năm 1945, ông được giao làm chủ nhiệm Việt minh xã Cổ Am; năm 1946 làm Phó chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện Vĩnh Bảo. Năm 1947, ông thành lập và làm trưởng đoàn Kịch lưu động thông tin huyện Vĩnh Bảo. 

img
img

NSƯT Trần Lực và Họa sĩ Trần Thị Mây nhìn mặt cha mình lần cuối. Ảnh: Viết Niệm.

Năm 1949 - 1950 ông là Thư ký chi hội văn hoá, Trưởng ban tuyên truyền xung phong - Ty thông tin tỉnh Hải Dương. Từ năm 1950 đến năm 1952, làm cán bộ nghiên cứu Nha Thông tin của chính phủ kháng chiến. Năm 1953 - 1954 ông làm Trưởng đoàn văn công tiền phương phục vụ chiến dịch Điện Biên. Năm 1955 cho đến năm 1958 là Trưởng đoàn Đoàn Chèo Trung ương thuộc Bộ Văn hoá. 

Năm 1958 đến năm 1964 ông được giao thêm nhiệm vụ làm Trưởng ban nghiên cứu nghệ thuật Chèo thuộc Bộ Văn hoá. Từ năm 1964 đến năm 1966 ông làm Giám đốc đầu tiên của Nhà hát Chèo Việt Nam. Từ năm 1966 đến năm 1971 ông là Vụ phó Vụ nghệ thuật kiêm Viện trưởng Viện Sân khấu. Từ năm 1971 đến năm 1985 ông làm Vụ trưởng Vụ nghệ thuật sân khấu thuộc Bộ Văn hoá. Từ năm 1986 ông về nghỉ hưu và tiếp tục tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam cho tới tuổi 90 mới chịu ngừng nghỉ.

Thắt lòng cảnh nghệ sĩ làng chèo nghẹn ngào tiễn đưa Giáo sư, NSND Trần Bảng - Ảnh 5.

Nghệ sĩ Ngọc Thoa khóc nghẹn bên linh cữu Giáo sư, NSND Trần Bảng. Ảnh: Viết Niệm.

Giáo sư, NSND Trần Bảng là một nhà hoạt động sân khấu lão thành có nhiều đóng góp, cống hiến lớn cho nền sân khấu Việt Nam trên nhiều phương diện. Trước hết, là một cán bộ quản lý nghệ thuật, ở các cương vị giám đốc Nhà hát hay Vụ trưởng Vụ nghệ thuật sân khấu, ông đã vận dụng sáng tạo đường lối văn nghệ của Đảng, chỉ đạo nghệ thuật giúp cho việc định hướng đúng đắn cho sự nghiệp phát triển nền sân khấu Việt Nam nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng. Những đóng góp của ông trong công tác quản lý nghệ thuật, đã góp phần tạo nên một nền sân khấu cách mạng Việt Nam trên nửa thế kỷ qua, với định hướng đúng đắn theo đường lối văn nghệ của Đảng, để xây dựng một nền sân khấu Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Với cương vị là Trưởng ban Nghiên cứu Chèo trung ương rồi Viện trưởng Viện sân khấu, ông đã tổ chức tập hợp các nghệ sĩ dân gian tiêu biểu của ngành chèo và một số cán bộ nghiên cứu, để sưu tầm, khai thác vốn cổ của chèo truyền thống qua các nghệ nhân, tạo nên được một kho tàng vô giá về các làn điệu Chèo cổ và các vở diễn tiêu biểu của sân khấu chèo truyền thống. Ông tổ chức việc giới thiệu các tinh hoa sân khấu chèo ra nước ngoài, góp phần xác định vị trí xứng đáng của sân khấu dân tộc Việt Nam trong nền sân khấu thế giới.

Thắt lòng cảnh nghệ sĩ làng chèo nghẹn ngào tiễn đưa Giáo sư, NSND Trần Bảng - Ảnh 6.

NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, trưởng BTC lễ tang viếng Giáo sư Trần Bảng. Ảnh: Viết Niệm.

Ông là người tổ chức và đích thân thực hiện các công trình nghiên cứu lý luận cơ bản về nghệ thuật chèo, để tìm ra những nguyên tắc cơ bản trong phương pháp nghệ thuật chèo truyền thống, làm cơ sở lý luận cho việc kế thừa và phát triển chèo. Những luận điểm khoa học của ông đã trở thành những luận điểm cơ bản, là cơ sở khoa học cho các nhà nghiên cứu và các học trò của ông kế thừa và phát triển ngày càng hoàn chỉnh hệ thống lý luận cho nghệ thuật chèo.

Ông chỉ đạo việc chỉnh lý và cải biên một số vở chèo cổ để trở thành những tác phẩm kinh điển, mẫu mực, làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo trong thời đại mới. Ông trực tiếp chỉ đạo nhiều công trình thực nghiệm nghệ thuật, đưa chèo vào đề tài hiện đại, trực tiếp là tác giả, đạo diễn và thông qua những công trình nghệ thuật là các vở diễn đó để rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng đúng đắn trong việc kế thừa và phát triển chèo truyền thống trong đề tài hiện đại. Những tìm tòi khám phá và sự xác định của ông về phương hướng đúng đắn cho sự kế thừa và phát triển nghệ thuật chèo, đã trở thành định hướng cho các đoàn nghệ thuật chèo trong cả nước. 

Thắt lòng cảnh nghệ sĩ làng chèo nghẹn ngào tiễn đưa Giáo sư, NSND Trần Bảng - Ảnh 7.

Thắt lòng cảnh nghệ sĩ làng chèo nghẹn ngào tiễn đưa Giáo sư, NSND Trần Bảng - Ảnh 8.

Báo Nông thôn Ngày nay do Tổng Biên tập Lưu Quang Định dẫn đầu đoàn viếng Giáo sư, NSND Trần Bảng. Ảnh: Viết Niệm.

Với cương vị là Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khoá I, khoá II, từ năm 1957 tới năm 1990, Giáo sư, NSND Trần Bảng đã cùng với các nhà lãnh đạo Hội luôn luôn quan tâm, khích lệ các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sáng tạo nghệ thuật, để có được những tác phẩm sân khấu có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, đồng thời khẳng định vai trò của người nghệ sĩ sân khấu trong xã hội, trong việc xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo chủ trương, nghị quyết của Đảng. Giáo sư, NSND Trần Bảng còn tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam - Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Với những đóng góp, cống hiến to lớn của ông cho sự nghiệp văn hoá nước nhà, ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần phưởng cao quý. Đó là: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng Nhất, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Huy chương vì sự nghiệp sân khấu, Huy chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam. 

Ông được tổ chức UNESCO trao tặng Bằng danh dự về thành tích bảo tồn nghệ thuật sân khấu chèo. Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư đợt đầu tiên và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt đầu tiên. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Năm 2017, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Ông còn nhận được một phần thưởng cao quý đó là lòng kính trọng, tin yêu của các đồng nghiệp, của các học trò qua nhiều thế hệ và các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

NSND Đoàn Thanh Bình tiễn thầy mình bằngđiệu chèo "Sử rầu ba than". Clip: Hà Tùng Long

Kết thúc lễ truy điệu, NSND Đoàn Thanh Bình - một trong những học trò ưu tú của Giáo sư, NSND Trần Bảng đã đại diện cho các thế hệ học trò tiễn biệt thầy mình bằng điệu chèo "Sử rầu ba than" do soạn giả Châu Hải Đường cảm tác, khiến ai cũng xúc động nghẹn ngào. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem