NSND Minh Thu: “Tình yêu và hôn nhân của thầy Trần Bảng với cô Xuân tuyệt vời lắm!”

Hà Tùng Long Thứ hai, ngày 24/07/2023 11:42 AM (GMT+7)
Gắn bó với gia đình Giáo sư, NSND Trần Bảng từ bé, NSND Minh Thu đã có rất nhiều kỷ niệm về người thầy đáng kính của mình. Bà đã chia sẻ với Dân Việt về tình yêu của NSND Trần Bảng với cố nghệ sĩ Trần Thị Xuân.
Bình luận 0

Lúc sinh thời, Giáo sư, NSND Trần Bảng rất tự hào mỗi khi nhắc về NSND Minh Thu – một trong những học trò xuất sắc được ông trực tiếp dạy dỗ từ năm 1973 – 1977. Với bà, NSND Trần Bảng có ảnh hưởng như thế nào đến mình?

- Mặc dù vẫn biết "sinh, lão, bệnh, tử" là quy luật không ai có thể tránh được nhưng việc thầy tôi ra đi đã để lại trong tôi một khoảng trống rất lớn. Cảm giác như mất đi một điểm tựa về tinh thần mà không gì có thể bù lấp nổi. Tôi thương tiếc thầy tôi vô cùng.

Điều chúng tôi ân hận nhất đó là cả khóa đã lên lịch đến thăm thầy nhưng chưa kịp thực hiện thì thầy đã mất. Vì nhiều người ở xa nên mỗi khi tập hợp được đủ đầy đều phải có thời gian. Nghe tin thầy mất, chính tôi là người đầu tiên thông báo trên nhóm chung của khóa 73-77: "Thầy Bảng mất rồi, thầy đi lúc 6 giờ sáng hôm nay các bạn ơi!". Vừa soạn tin nhắn tôi vừa rưng rưng nước mắt vì ân hận. Chúng tôi đã không kịp đến thăm thầy. Nhưng dù sao cũng được an ủi là thầy mình đã sống một cuộc đời rất trọn vẹn. Suốt 98 năm, thầy hiện hữu giữa cuộc đời là đều dành trọn tâm huyết cho nghệ thuật chèo nói chung và cho Nhà hát Chèo Việt Nam nói riêng.

NSND Minh Thu: “Tình yêu và hôn nhân của thầy Trần Bảng với cô Xuân tuyệt vời lắm!” - Ảnh 1.

NSND Trần Bảng và vợ - cố NSƯT Trần Thị Xuân. (Ảnh: NVCC)

Với tôi, thầy Trần Bảng là một nghệ sĩ đại tài và uyên bác của nghệ thuật chèo. Khóa diễn viên chèo được đào tạo tại Nhà hát Chèo Việt Nam năm 1973 – 1977 như chúng tôi được thầy yêu mến và dồn nhiều tâm huyết nhất. Đúng như lời thầy nói đó là khóa chúng tôi được thầy đào tạo chính quy, đầu tư bài bản nhất. Có lẽ nhờ thế mà trong khóa chúng tôi ngày ấy, bây giờ toàn nghệ sĩ lớn, nhà quản lý lớn.

Tôi nghĩ rằng, với những gì thầy đã chỉ bảo, truyền dạy… chúng tôi sẽ mãi ghi nhớ lời thầy. Chúng tôi cũng xin hứa với thầy rằng: "Chúng con sẽ mang hết tình yêu, tâm huyết, đam mê để cố gắng không phụ lòng thầy cũng như các nghệ nhân hàng đầu làng chèo Việt Nam".

Những năm 1973-1977 là thời điểm đất nước đang có nhiều khó khăn và nghệ thuật truyền thống đang đứng trước bờ vực. Việc cả thầy và trò cùng vượt qua nhiều khó khăn như thế chắc hẳn cũng để lại trong bà nhiều kỷ niệm?

- Thầy trò chúng tôi có nhiều kỷ niệm lắm, vui có, buồn có, hạnh phúc có, đắng cay có… Có những lúc khó khăn tới mức ai cũng có ý định bỏ nghề để kiếm công việc khác đảm bảo cuộc sống tốt hơn nhưng chính các thầy, các cô là những người đã giữ chúng tôi ở lại. Khóa diễn viên chèo 73-77 chúng tôi thời đó ra trường, đa số đều ở lại Nhà hát Chèo Việt Nam công tác. Năm 1975, khi miền Nam vừa giải phóng thì chúng tôi được thầy Trần Bảng cho đi cùng với các nghệ sĩ lớn như: NSND Minh Lý, NSND Diễm Lộc, NSND Bùi Trọng Đang... vào Sài Gòn biểu diễn. Chúng tôi được trải nghiệm rất nhiều trong những lần đi diễn cùng các thầy, các cô, các nghệ sĩ đi trước.

Tôi may mắn vì sinh ra trong cái nôi của nghệ thuật chèo khi có bố là NSND Mạnh Tuấn. Khi còn nằm trong bụng mẹ tôi đã được nghe chèo và khi sinh ra đã được sống cùng chèo. Nhà tôi ở ngay trước cửa hội trường tập của Nhà hát Chèo Việt Nam không có một buổi tập chèo nào, không có một vở chèo nào mà tôi vắng mặt. Đối với tôi đó là sự may mắn không mấy ai có được. Và cũng chính nhờ thế mà tôi được tiếp thêm tình yêu nghệ thuật chèo tiếp nối từ bố, mẹ đến các thầy cô và các anh chị đi trước.

Ngày xưa, nhà tôi và nhà thầy Trần Bảng đều ở khu Văn công Mai Dịch (Hà Nội). Nhà tôi ở tầng 1, nhà thầy ở tầng 2. Vì thế, hai gia đình rất gắn bó, thân thiết và thầy Trần Bảng rất hiểu về tôi. Từ khi còn là sinh viên năm 2, thầy đã tạo điều kiện cho tôi được tham gia các vở diễn do thầy dàn dựng. Tôi nhớ, tôi được thầy cho giao vai Tùng con trong vở "Tình rừng". Bố tôi đóng vai ông bố nuôi cậu Tùng con. Khi bố tôi thoại câu: "Tùng con, như con đã biết, ta không phải là bố đẻ của con" thì tất cả các cô chú đều bật cười, chính thầy Trần Bảng cũng cười.

NSND Minh Thu: “Tình yêu và hôn nhân của thầy Trần Bảng với cô Xuân tuyệt vời lắm!” - Ảnh 2.

Nhan sắc xinh đẹp của NSND Minh Thu thời trẻ. (Ảnh: NVCC)

Trước đó, khi còn bé, tôi được chứng kiến bố tôi tham gia các vở của thầy Trần Bảng, có đoạn bố tôi diễn cảnh bị bắn, tôi ở dưới sân khấu gào thét lên: "Sao lại bắn chết bố cháu?". Đó là những kỷ niệm ăn sâu vào ký ức của tôi.

Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao các bậc tiền bối của mình ngày xưa làm nghề vô tư, nhiệt huyết, đam mê đến thế. Bởi lẽ đó mà tôi tiếp nhận được rất nhiều nhiệt huyết từ bố mình, từ thầy Trần Bảng, từ cô Minh Lý mà không tính toán gì. Những năm 70, khi đất nước vẫn còn chiến tranh, chúng tôi đi sơ tán về các vùng quê, nghệ thuật chèo cũng trải qua thời kỳ khủng hoảng, khó khăn vô cùng. Nhưng tất cả các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam lúc bấy giờ không một ai bỏ rơi chèo vì chuyện cơm áo gạo tiền. Đi diễn chúng tôi mang theo gạo để có cái ăn. Thời ấy làm gì có bồi dưỡng, chúng tôi toàn đi diễn phục vụ bà con. Có những hôm trời đổ mưa, ánh đèn sân khấu sáng rồi mà phía dưới chỉ có lác đác vài khán giả. Nhưng cả thầy, cả trò chúng tôi vẫn diễn hết mình. Có lẽ do ngọn lửa đam mê từ các thầy cô đã hun đúc tình yêu chèo cho chúng tôi. Không ai biết nghệ thuật chèo ngày mai rồi sẽ như thế nào, chỉ biết rằng hôm nay, chúng tôi được sống hết mình với chèo, với đam mê là hạnh phúc lắm rồi.

Lúc sinh thời, NSND Trần Bảng nhắn nhủ bà điều gì khiến bà luôn khắc cốt ghi tâm?

- Thầy luôn răn dạy chúng tôi nhiều điều lắm. Tôi may mắn được đích thân thầy chỉ dạy về kỹ thuật biểu diễn, lý luận sân khấu. Tôi còn được học trực tiếp cô Trần Thị Xuân – vợ của thầy Trần Bảng. Cô là người dạy cho tôi vai diễn đầu tiên trong đời, đó là vai Thị Kính. Lúc ấy, có tới 9 người học vai Thị Kính nhưng thầy Trần Bảng đã chọn tôi biểu diễn. Sau đấy tôi cũng được thay cô Xuân để truyền đạt, đào tạo cho các thế hệ sau của Nhà hát Chèo Việt Nam vai Thị Kính này. Thầy Bảng có nói với tôi rằng: "Làm vai Thị Mầu rất dễ nổi vì đó là vai đào lệch, những vai dạng này thường sẽ dễ nổi hơn, nhưng thể hiện những vai đào chín mới là khó". Những lời dạy của thầy Trần Bảng và cô Xuân dạy tôi không bao giờ quên được. Cha mẹ tôi cũng là người động viên cổ vũ cho tôi rất nhiều để tôi theo đuổi đam mê và toả sáng trên sân khấu chèo.

Sống gần gia đình NSND Trần Bảng và nghệ sĩ Trần Thị Xuân từ bé, bà đã chứng kiến tình yêu và hôn nhân của họ như thế nào?

- Tình yêu của vợ chồng thầy tuyệt vời lắm! Có thể nói, trong các nghệ sĩ bậc thầy của làng chèo rất hiếm cặp đôi trong cùng một nhà hát như thầy Bảng - cô Xuân, thầy Thức - cô Kim Dung. Họ cũng là những cặp đôi gắn bó với nhau bằng nghề, họ không chỉ là bạn đời mà còn là tri âm, tri kỷ.

Tôi đã chứng kiến tình yêu rất đẹp giữa thầy Trần Bảng và cô Xuân. Cô diễn trên sân khấu, thầy ở dưới làm đạo diễn, góp ý từng động tác, từng lời ca. Chúng tôi nhìn thấy và ngưỡng mộ vô cùng. Cô Xuân là một người phụ nữ rất đẹp, hát rất hay - một nữ nghệ sĩ mà tôi vô cùng trân trọng và kính yêu. Cả cô và thầy không chỉ là người yêu nghề mà còn là những người nhân hậu.

NSND Minh Thu: “Tình yêu và hôn nhân của thầy Trần Bảng với cô Xuân tuyệt vời lắm!” - Ảnh 3.

NSND Minh Thu đã có rất nhiều kỷ niệm về người thầy đáng kính của mình. (Ảnh: NVCC)

Tôi không chỉ gắn bó với một mình thầy mà cả gia đình thầy, với Trần Lực, với anh Trí (con trai đã mất của NSND Trần Bảng), bạn Mây. Tôi và Mây là đồng niên, sống cùng khu tập thể nên chúng tôi gắn bó với nhau từ bé. Mọi người cứ nói thầy Bảng cưng tôi vì tôi là con của bạn đồng nghiệp nhưng không phải đâu, thầy cưng tôi vì tôi thực sự nỗ lực hết mình.

Tôi vào đoàn từ lúc 15 tuổi bằng niềm đam mê và yêu nghệ thuật chèo. Tôi chỉ muốn hát chèo, không muốn làm gì khác ngoài chèo nên được thầy yêu quý. Trong những vở của thầy tôi được thầy giao rất nhiều vai. Ví như vở "Tình rừng" của thầy Trần Bảng tôi được đóng mấy vai liền. Vai đầu tiên tôi đóng chị Nhạn, sau chuyển sang đóng vai Hoa Nèng. Tôi được trải nghiệm rất nhiều vở diễn kinh điển của thầy. Tôi cảm nhận giữa tôi và thầy Bảng có sự gắn kết không chỉ là tình thầy trò, tình đồng nghiệp, thầy còn như người cha, như ruột thịt của tôi. Bởi lẽ đó mà tôi vô cùng kính yêu thầy. Thực sự cho đến hôm nay, tôi vẫn luyến tiếc thầy vô cùng dù thầy ra đi khi đã đến tuổi thượng thọ.

Bà nhìn nhận như thế nào về cách cải biên chèo của NSND Trần Bảng?

- Thầy Trần Bảng làm chèo rất chỉn chu, vở nào cũng thế và lúc nào cũng thế. Thầy có công lớn trong việc bảo tồn nghệ thuật chèo, nếu có sự cải biên cũng đều rất gần gũi với chèo truyền thống. Những đóng góp để đời của NSND Trần Bảng là kho tàng quý giá cho nghệ thuật chèo Việt Nam. Những tác phẩm của thầy sẽ luôn được đón nhận và yêu quý dù ở bất cứ thời kỳ nào. Công lao của thầy với nghệ thuật chèo lớn lắm, trong thời điểm chèo lao đao nhất, thầy và thế hệ nghệ sĩ chèo thời ấy vẫn duy trì, bảo tồn.

Cảm ơn NSND Minh Thu đã chia sẻ thông tin!



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem