Theo số liệu thống kê từ Bộ GDĐT, số thí sinh có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn ở mọi tổ hợp từ 27 điểm trở lên chiếm 4,7%/tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi.
Trong đó, cả nước có tất cả 130 thí sinh có điểm xét tuyển từ 29,5 trở lên trượt nguyện vọng 1: Có 69 thí sinh trượt nhưng đã đỗ nguyện vọng khác và 61 thí sinh không đỗ nguyện vọng nào.
Học viện Chính trị CAND có số lượng thí sinh trên 29,5 điểm nhưng trượt nguyện vọng 1 nhiều nhất với 17 thí sinh đã đỗ vào nguyện vọng khác và 50 thí sinh không đỗ nguyện vọng nào.
Theo Bộ GDĐT, các trường công an, quân đội có cách tính điểm xét khá phức tạp (kết hợp cả điểm học bạ), cùng với nhiều tiêu chí, điều kiện khác nên việc phân tích dữ liệu và việc đỗ hay trượt ở đây không có nhiều ý nghĩa.
Trong 61 em không trúng tuyển nguyện vọng nào: Có 60 em đặt duy nhất 1 nguyện vọng, 1 em đặt 2 nguyện vọng. 59 em có nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội và đều chỉ có 1 nguyện vọng, trong đó 57 em tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước (có lẽ thuộc đối tượng đã đi nghĩa vụ nay được cử đi thi).
Học viện Chính trị CAND có 800 thí sinh đăng ký, trong khi chỉ tiêu là 50.
Trường ĐH Hồng Đức có 2 ngành điểm chuẩn ≥ 29,5 đều là Sư phạm chất lượng cao (Ngữ văn: 30,5 và Lịch sử: 29,75), tỉnh Thanh Hóa có chế độ ưu đãi đặc biệt, chỉ tiêu mỗi ngành này 15 em.
Trường ĐH KHXH&NV có 2 ngành điểm chuẩn ≥ 29,5 là Hàn Quốc học (30,0 khối C00 với 10/40 chỉ tiêu các khối thi tốt nghiệp THPT) và Đông Phương học (29,8 khối C00 với 15/40 chỉ tiêu các khối thi tốt nghiệp THPT); 2 ngành này cũng tuyển các khối khác nhưng điểm chuẩn không quá cao (25,6 đến 27,9 điểm).
Trường ĐH Ngoại thương có ngành Ngôn ngữ Trung quốc điểm chuẩn 39,35/40 (môn tiếng Trung nhân hệ số 2), chỉ tiêu còn 30 cho điểm thi tốt nghiệp THPT trên tổng số 90 chỉ tiêu (60 chỉ tiêu xét theo phương thức khác).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.