Một sạp đồ ăn bày bán tại hội chợ nhà tù
Nhà tù này mang tên Angola, với biệt danh "Nhà tù đẫm máu nhất miền Nam" do bạo lực đỉnh điểm hồi năm 60-70 giữa tù và quản giáo. Xây dựng từ 136 năm trước, cái tên Angola bắt đầu từ hồi chế độ nô lệ, mà đa số các nô lệ da đen tới từ đất nước cùng tên.
Vào ngày hội, tại đấu trường 10.000 chỗ, các tù nhân tham gia Angola Prison Rodeo để thử sức đấu bò hay cưỡi ngựa kiếm chút tiền. Đáng chú ý hơn là hội chợ thủ công mỹ nghệ. Các hoạt động này diễn ra 2 ngày cuối tháng 4 và mỗi chủ nhật tháng 10. Đây là truyền thống của Angola, với logo "Guts and Glory" in trên mọi vật phẩm từ chai lọ tới áo phông. 10.000 vé xem Rodeo bán hết trong một tuần, và 8.000 vé giá 20 USD cho hội chợ cũng hết nhẵn.
Logo trên áo một tù nhân
Các tù nhân sau đấu trường nhà tù Angola ở Mỹ
Nhà tù nghiêm ngặt rộng tới 72 triệu m2, bằng với thành phố Manhattan. Angola nằm trên dòng sông Missisipi và những cánh đồng hoa và gia súc. Khách vào đây bằng một con đường duy nhất đều bị lục soát toàn bộ tư trang, không được mang theo dao và vũ khí.
Dù vậy, bên trong hội chợ tấp nập y như ngoài đời thường. Trẻ em nô đùa trong những khu vui chơi, đu quay. Sạp hàng đồ ăn tự chế đầy ắp những món ăn đặc sản tại Lousiana như tôm hùm mini, cơm sốt tôn etouffee, gumbo, jambalaya, và bánh mì vuông beignets.
Một phạm nhân tên Lionel cho biết để được lựa chọn tham gia hội chợ không khác gì vận động chính trị, phải mất cả hàng năm trời cải tạo mà không gây thêm rắc rối. Đây là cơ hội lớn cho những người sống trong không gian tù túng được giao tiếp với xã hội bên ngoài.
Đấu trường bò tót
Các mặt hàng được bày bán vô cùng đa dạng như bát gỗ, đồ chơi Disney, thắt lưng da, vỏ bọc Kinh thánh hay bàn ghế nội thất. Ngoài ra có nhiều vật dụng "độc" như chiếc ghế ráp từ cửa gỗ cũ của nhà tù những năm 90 bởi tù nhân tên Calvin. Một người khác là Aaron cũng chế ra chiếc bàn với hình vẽ bò tót, các tay cao bồi dưới lớp kính. "Một người đã đặt tôi làm, nhưng anh ta chẳng thèm quay lại".
Vài người tù nhiệt tình thuyết minh về sản phẩm, số còn lại mải mê đoàn tụ ăn uống với gia đình và cho khách tự đánh giá lựa chọn. Họ tận dụng cơ hội này vì quy định thăm nuôi tù vô cùng nghiêm ngặt, chỉ khoảng 2 tiếng và không quá 5 người/lần. Còn tại đây, họ có 8 tiếng và không giới hạn số lượng.
Các tù nhân không được trao đổi mua bán trực tiếp, mà qua một dạng chi phiếu. Người mua sẽ cầm vé ra một ki ốt tổng hợp để trả tiền và cầm phiếu nhận hàng để lấy đồ. Các sạp hàng cũng bán vật phẩm hộ những tù nhân không được "thả" vào hội chợ do có hành vi bất ổn.
Dù đắt hàng, những người tù chỉ làm ra khoảng 2cent/giờ, và nhiều người tìm cơ hội trong trường đấu, cố gắng lấy con chip trên sừng chú bò hung dữ nhất để nhận 500USD. Các giải nhỏ hơn chỉ từ 15-100USD, nhưng đó là con số lớn trong tù. Đa số họ gặp nhiều vấn đề tài chính do phải chi trả trợ cấp cho con cái và y tế. Chờ đến khi ra tù, gần như họ chẳng còn gì. Có tiền án còn làm họ khó khăn hơn trong tìm việc.
Để tránh những suy nghĩ tiêu cực và sự nhàm chán, họ tận dụng các hoạt động thời gian trong tù để kiếm thêm. Quen việc, họ khai thác khả năng của mình và trở thành những doanh nhân hơn là nghệ sĩ. Tham gia các hoạt động xã hội còn giúp tinh thần họ khá hơn.
"Trong này chẳng có gì ngoài thời gian. Tôi dùng nó một cách khôn ngoan để tránh rắc rối", tù nhân Aaron nói.
Những tù nhân không được trực tiếp tham gia hội chợ ngã giá qua song sắt
"Tôi từng hoạt động trong ngành luật. Ngạc nhiên là những người bạn tù chẳng hề xấu như những tội ác họ làm. Nếu tạo điều kiện, họ sẽ sáng tạo theo cách rất tích cực", người quản lý Fontenot đã làm trong Angola 10 năm nhận xét.
Nhiều nghiên cứu chứng minh điều này. Thủ công mỹ thuật trong tù giúp những người tù cải tạo tốt hơn, khơi gợi lòng từ bi và khả năng kiểm soát.
Một sạp hàng mở vào ngày hội trong tù
Các hoạt động trong đấu trường rất đối lập: chứng minh sức mạnh, nghệ thuật, hàng thủ công, tất cả dường như không liên quan tới nhau, làm khách tham quan chắc chắn thấy ấn tượng hoặc kỳ cục. Tại Rodeo, những người tù không hơn khúc thịt mua vui cho công chúng ưa bạo lực.
Tại hội chợ, họ trở thành những doanh nhân với kế hoạch cho tương lai và ít nhất đã chạm tới được một chút tự do và riêng tư kể cả trong nhà tù kín cổng cao tường. Toàn bộ những điều này hé cánh cổng cho thấy ngành "công nghiệp" độc quyền của nhà tù, những câu chuyện cuộc đời mỗi người mà không mấy ai biết tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.