Hồi chuông báo động từ vụ xả súng thảm kịch ở Thái Lan

Thứ bảy, ngày 08/10/2022 20:00 PM (GMT+7)
Các vụ bạo lực súng đạn ngày càng trở nên phổ biến ở Thái Lan - đất nước được coi là điểm nóng buôn lậu vũ khí tại khu vực Đông Nam Á.
Bình luận 0

Xả súng từng là điều hiếm khi xảy ra ở Thái Lan. Nhưng tại đất nước nơi hàng triệu người sở hữu súng, nhà chức trách xứ sở chùa vàng ngày càng lo ngại tình trạng bạo lực súng đạn sẽ chuyển biến xấu đi, mà vụ xả súng tại nhà trẻ hôm 6/10 là một ví dụ đáng báo động, theo New York Times.

Xã hội tràn ngập súng

Theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Gunpolicy, vào thời điểm năm 2017, số súng thuộc sở hữu tư nhân tại Thái Lan là hơn 10,3 triệu khẩu. Thế nhưng, chỉ khoảng 6 triệu khẩu súng được đăng ký hợp lệ.

Tỷ lệ sở hữu súng tư nhân tại Thái Lan vào khoảng 15 khẩu súng trên 100 dân, Gunpolicy cho biết. Nếu so với các quốc gia như Mỹ, Canada, tỷ lệ sở hữu súng tư nhân tại Thái Lan tương đối khiêm tốn.

Nhưng quốc gia 69 triệu dân nơi đa phần theo đạo Phật này lại dẫn đầu châu Á về tỷ lệ sở hữu súng cũng như tỷ lệ tội phạm giết người. Thái Lan cũng là thị trường chợ đen trọng điểm cho hoạt động buôn bán vũ khí tại Đông Nam Á.

Các chuyên gia cho biết lượng lớn súng không đăng ký được đưa tới Thái Lan từ các nước láng giềng như Myanmar và Campuchia.

"Thái Lan là thị trường vũ khí chợ đen chính của khu vực", Gunpolicy nhận định.

Hồi chuông báo động từ vụ xả súng thảm kịch ở Thái Lan - Ảnh 1.

Thân nhân người bị nạn trong thảm kịch ở nhà trẻ hôm 6/10. Ảnh: Reuters.

Luật pháp Thái Lan có quy định nghiêm ngặt về sở hữu súng. Người sở hữu trái phép súng có thể bị phạt tù tới 10 năm, phạt tiền khoảng 540 USD.

Để được cấp giấy phép sở hữu súng, người Thái phải trải qua kiểm tra lý lịch, gồm xem xét thu nhập và tiền án. Ngoài ra, người nộp đơn cũng phải có lý do chính đáng cho việc sở hữu súng như đi săn, bắn súng thể thao, hoặc tự vệ.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng nhà chức trách Thái Lan không nắm được số liệu về tình trạng súng đạn tại các tỉnh miền Nam giáp biên giới Malaysia. Đây là nơi lực lượng an ninh đã phải vất vả trấn áp các nhóm nổi dậy Hồi giáo suốt nhiều năm qua.

Khu vực miền Nam thường xảy ra các vụ tấn công như xả súng, phục kích các chốt kiểm soát của lực lượng an ninh, đánh bom mục tiêu quân sự, trung tâm thương mại, khách sạn, các địa điểm đông người.

Năm 2019, một tay súng Hồi giáo đã sát hại 15 người khi tấn công chốt kiểm soát an ninh ở tỉnh Yala. Đây là vụ bạo lực đẫm máu nhất trong khoảng thời gian đó.

Bạo lực súng đạn ngày càng phổ biến

Vụ xả súng tại nhà trẻ Uthaisawan hôm 6/10 đã là vụ bạo lực súng đạn thứ ba liên quan tới các sĩ quan an ninh Thái Lan chỉ trong vòng 3 năm.

Tháng 2/2020, một binh sĩ đã tiến hành vụ xả súng tại doanh trại quân đội, sau đó tấn công một trung tâm thương mại tại Nakhon Ratchasima. Vụ việc khiến 29 người thiệt mạng.

Tháng 9, thêm một vụ bạo lực súng đạn khác xảy ra khi một sĩ quan cảnh sát nổ súng tại trường quân sự ở thủ đô Bangkok khiến 2 người thiệt mạng.

"Chúng tôi từng nghĩ xả súng là điều chỉ xảy ra ở nơi rất xa xôi như Mỹ. Nhưng các vụ xả súng đang xảy ra hết lần này tới lần khác, đã đến lúc có biện pháp bảo vệ những người yếu thế, tại các trường học, trung tâm thương mại", trung tá cảnh sát Kritsanapong Phutrakul nói.

Hồi chuông báo động từ vụ xả súng thảm kịch ở Thái Lan - Ảnh 3.

Quan tài mang theo thi thể nạn nhân vụ xả súng hôm 6/10. Ảnh: New York Times.

Tại Thái Lan, lực lượng an ninh được trả lương rất thấp nên những người chỉ trích lo ngại điều này sẽ dẫn tới tham nhũng.

Ông Kritsanapong, hiện là trưởng khoa Tội phạm học và Hành chính tư pháp Đại học Rangsit, cho biết đã đến lúc tổ chức các chương trình huấn luyện để người dân biết cách phản ứng và sống sót khi xả súng xảy ra, theo Nation.

"Đã đến lúc thừa nhận xả súng không còn là điều xa lạ với xã hội Thái Lan. Chúng ta cần diễn tập thường xuyên để người dân sống sót khi có xả súng. Các tổ chức, doanh nghiệp cần có chính sách riêng về vấn đề này", ông Kritsanapong nói.

Các chuyên gia tội phạm học đề nghị giới chức an ninh cần tước vũ khí của các sĩ quan khi sa thải họ, nếu lý do việc loại ngũ là hành vi bạo lực. Những người này cũng cần bị hạn chế quyền sở hữu vũ khí.

Tháng 8 vừa qua, Đại học Chulalongkorn tổ chức một khóa đào tạo có tên "Đối mặt, lẩn trốn, tháo chạy: Cách phản ứng khi gặp kẻ xả súng". Khóa học hướng dẫn các học viên nhận biết những đe dọa tiềm tàng từ xả súng và cách ứng phó.

Các chuyên gia khuyến cáo cần chạy xa khỏi hiện trường khi phát hiện dấu hiệu xả súng. Nếu không thể chạy, cần trốn tại nơi an toàn nhất có thể. Và trong trường hợp cần thiết, để có thể sống sót, thậm chí phải đánh lại kẻ xả súng.

Duy Anh (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem