Hối lộ tiền tỷ cho lãnh đạo PVTEX để thuận lợi kinh doanh

PV Thứ tư, ngày 29/08/2018 13:01 PM (GMT+7)
Bị cáo Đỗ Văn Hồng – nguyên Chủ tịch kiêm TGĐ Cty CP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC) đã khai như vậy tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX).
Bình luận 0

PVTEX Kinh Bắc sẽ không được thành lập nếu không “hối lộ”?

Ngày 28.8, Tòa án nhân dân (TAND) TP.Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại PVTEX. Các bị cáo trong vụ án gồm Trần Trung Chí Hiếu - nguyên Chủ tịch PVTEX; Đào Ngọ Hoàng - nguyên Trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVTEX, Vũ Phương Nam - nguyên Kế toán trưởng PVTEX và Đỗ Văn Hồng - nguyên Chủ tịch kiêm TGĐ Cty CP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC).

Theo cáo trạng, từ năm 2009 đến 2012, trong quá trình xây dựng dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên PVTEX, Trần Trung Chí Hiếu và Vũ Đình Duy - nguyên Tổng giám đốc (TGĐ) PVTEX đã quyết định lựa chọn, ký hợp đồng với PVC.KBC là nhà thầu không đủ năng lực; tự ý thay đổi thiết kế và tổ chức thi công trái với phê duyệt của UBND TP.Hải Phòng.

Trong việc tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng, Trần Trung Chí Hiếu, Vũ Đình Duy, Đào Ngọ Hoàng, Vũ Phương Nam, Đỗ Văn Hồng đã có hành vi cố ý làm trái các quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 19 tỷ đồng. Hành vi của các bị cáo còn khiến toàn bộ dự án dừng thi công từ năm 2012, hiện xuống cấp nghiêm trọng và buộc UBND TP.Hải Phòng phải thu hồi hàng chục héc ta đất.

img

Đỗ Văn Hồng khai hối lộ cho các sếp PVTEX để được thuận lợi trong kinh doanh.

Cáo trạng cũng xác định, khi PVTEX liên kết góp vốn thành lập PVTEX Kinh Bắc, Vũ Đình Duy và Trần Trung Chí Hiếu còn có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn buộc nguyên Chủ tịch kiêm TGĐ PVC.KBC Đỗ Văn Hồng phải chi cho mỗi người 3 tỷ đồng. Bị cáo Hồng cũng được Trịnh Xuân Thanh cho ứng tiền sai quy định khi thực hiện dự án Polyester Đình Vũ. Số tiền này được dùng để mua đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), hiện khu đất và biệt thự thuộc sở hữu của công ty gia đình ông Thanh.

Tại tòa, Đỗ Văn Hồng khai để thực hiện dự án nhà ở cho cán bộ PVTEX, Hồng thường xuyên gặp gỡ Vũ Đình Duy, trao đổi việc muốn thành lập công ty sản xuất ống cuốn sợi để bán cho PVTEX và PVTEX sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra. Bị cáo Hồng muốn thành lập công ty này, Vũ Đình Duy nêu điều kiện, ông Hồng phải chi tiền, nộp cho Duy và bị cáo Trần Trung Chí Hiếu mỗi người 10% cổ phần, tương đương 3 tỷ đồng/người.

“Nếu không nộp 10% vốn góp cho ông Duy và ông Hiếu, tôi nghĩ mình sẽ không được thành lập công ty PVTEX Kinh Bắc” - Đỗ Văn Hồng nói trước tòa. Cũng theo bị cáo này, sau khi nộp tiền cổ phần cho Duy và Hiếu, cả hai đã để người nhà đứng tên cổ phần thay mình. Sau đó, Duy ép bị cáo Hồng phải giảm tỷ lệ vốn của PVTEX Kinh Bắc xuống và PVTEX sẽ mua lại cả số cổ phần của Hiếu và Duy nhờ đứng tên.

Cũng nói tại tòa, Đỗ Văn Hồng cũng khẳng định không bàn bạc với Trần Trung Chí Hiếu trong quá trình thành lập PVTEX Kinh Bắc. Người này phải bỏ tiền túi ra góp vốn cho ông Hiếu vì bị can đang trốn nã Vũ Đình Duy yêu cầu. Ngoài ra, bị cáo cho rằng khi góp vốn cho ông Hiếu, công việc liên quan sẽ thuận lợi nên đồng ý chi tiền và thực tế, PVTEX Kinh Bắc đã được tạo điều kiện trong kinh doanh.    

Đề xuất tạm ứng tiền tỷ theo “chỉ đạo của sếp”

Sáng ngày 29.8, phiên sơ thẩm tiếp tục làm việc ngày thứ 2. Tại tòa hôm nay, Trần Trung Chí Hiếu được hỏi về vấn đề liên quan đến việc Vũ Đình Duy và Đỗ Văn Hồng sau trao đổi về góp 10% cổ phần.

Trả lời cho câu hỏi ký công văn thành lập hay làm gì sau thỏa thuận của Duy và Hồng, bị cáo Trần Trung Chí Hiếu trả lời "tôi không nhớ". Cựu lãnh đạo PVTEX trần tình rằng, số tiền Duy nói góp vốn 10% lúc đó được bị cáo hiểu là cho mượn tiền để góp vốn.

img

Trần Trung Chí Hiếu (thứ 3 từ trái sang) khẳng định không biết việc giữa Duy và Hồng có thỏa thuận.

Đáng chú ý, tại tòa bị cáo Hiếu đã thừa nhận việc chỉ định thầu về sau đánh giá lại cho thấy không đủ điều kiện, việc dự án thi công không đúng quy định như vậy là trái pháp luật.

Tuy nhiên, Trần Trung Chí Hiếu cho biết, không được báo cáo về vấn đề thi công trái với phê duyệt, đề nghị HĐXX xem xét nhưng Hiếu lại thừa nhận  ký quyết định phê duyệt chủ trương ứng vốn.

"Với trách nhiệm người đứng đầu tôi phải chịu trách nhiệm về việc ứng vốn đã xảy ra. Tuy nhiên, tôi xin HĐXX xem xét cho tôi. Ngay trong quyết định số 13, trong điều 3 có ghi là giao cho ban điều hành giám sát việc sử dụng vốn và báo cáo HĐQT xem việc sử dụng vốn có đúng không. Về số tiền 3 tỷ góp vốn, bị cáo không biết về việc này. Bị cáo cũng không bàn bạc với Hồng về việc tạm ứng 20 tỷ đồng cũng như việc thành lập PVTEX Kinh Bắc" – nguyên Chủ tịch PVTEX nói. Ông Hiếu khẳng định một lần nữa rằng không hề biết việc Vũ Đình Duy có thỏa thuận như thế nào với ông Hồng.

Với bị cáo Đào Ngọ Hoàng - cựu Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX, trả lời cho câu hỏi căn cứ vào đâu đề xuất tạm ứng 20 tỷ, bị cáo này cho biết thấy không đủ điều kiện nhưng “bị cáo thực hiện theo chỉ đạo của các sếp”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem