Hội nghị APEC: Kết nối để cùng nhau thịnh vượng

Thứ tư, ngày 09/10/2013 08:08 AM (GMT+7)
Ngày 8.10, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã bế mạc với việc thông qua tuyên bố tổng kết về các vấn đề phát triển nền kinh tế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự kết nối để cùng nhau thịnh vượng.
Bình luận 0
Hội nghị thống nhất sẽ thúc đẩy việc thực hiện các cam kết đến cuối năm 2015 giảm 5% thuế hoặc hơn nữa với những đề mục có trong danh sách hàng hóa sinh thái. Ngoài ra, các đại biểu khẳng định sẵn sàng tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động của APEC về tạo thuận lợi cho đầu tư, đặc biệt thông qua các công cụ thúc đẩy đối thoại Nhà nước - tư nhân, kích thích sự hợp tác của quan chức với khu vực tư, nâng cấp những điển hình về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Một số quy định của tuyên bố đề cập vấn đề phát triển y tế, bảo vệ động vật hoang dã, tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch và tái tạo...

Kết nối để thịnh vượng

Phát biểu tại phiên họp về “Tầm nhìn APEC về kết nối trong cấu trúc quốc tế và khu vực đang định hình”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Với những thành tựu nổi bật mà liên kết kinh tế APEC đạt được trong gần 25 năm qua, thúc đẩy kết nối khu vực trở thành nhu cầu tất yếu của hợp tác APEC trong những thập niên tới”. Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng, kết nối còn là nhu cầu khách quan của sự phát triển trong thế kỷ 21, đặc biệt do xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sáng tạo, công nghệ số và sự mở rộng nhanh chóng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, sáng kiến của nước chủ nhà Indonesia đưa kết nối trở thành một trọng tâm lớn của APEC năm 2013 là rất đúng thời điểm và hết sức thiết thực.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại một phiên họp của Diễn đàn APEC.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại một phiên họp của Diễn đàn APEC.

Chủ tịch Trương Tấn Sang cho biết, Việt Nam cũng đang tích cực cùng các thành viên ASEAN triển khai “Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN”. Việt Nam đang cùng nhiều đối tác quan trọng và các tổ chức quốc tế thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kết nối trong khuôn khổ tiểu vùng Mekong, nổi bật là xây dựng các tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế phía Nam và Hành lang kinh tế Bắc - Nam. Các chương trình kết nối này đang góp phần thúc đẩy tiềm năng của Đông Nam Á trở thành cầu nối giữa các liên kết kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương.

Chủ tịch khẳng định: “Việc chúng ta xác định và quyết tâm triển khai mạnh mẽ hơn tầm nhìn dài hạn về kết nối có ý nghĩa hết sức then chốt đối với APEC sau gần 25 năm hình thành và phát triển. Đó chính là xung lực mới để APEC thực hiện thành công các Mục tiêu Bogo và cùng các tầng nấc liên kết khu vực khác đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành một cộng đồng ngày càng gắn kết”.

Tăng trưởng gắn với an ninh lương thực

Cũng tại phiên làm việc thứ hai của hội nghị APEC, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu về “Tăng trưởng bền vững gắn liền với an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng”. Chủ tịch nước cho rằng, hơn bao giờ hết, an ninh về lương thực, nguồn nước và năng lượng và đặc biệt là sự tương tác giữa chúng đang đặt ra nhiều thách thức phức tạp, trở thành một vấn đề cốt lõi của tăng trưởng kinh tế bền vững trong thế kỷ 21.

Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh, là dân tộc mà quá trình hình thành và phát triển luôn gắn liền với văn minh lúa nước và hiện trở thành một trong những quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực chủ yếu trên thế giới, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của an ninh lương thực– nguồn nước– năng lượng, đã và đang tích cực tham gia hợp tác ở mọi cấp độ toàn cầu, liên khu vực và khu vực cũng như song phương. Việt Nam mong muốn và sẽ tiếp tục đóng góp hết sức mình vào các nỗ lực chung của APEC.


Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khu vực châu Á- Thái Bình Dương là một khu vực điển hình phải đối phó với các thách thức trên. Tuy chiếm tới 60% dân số thế giới và có tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa cao nhất thế giới, song khu vực này chỉ có 35% lượng tài nguyên nước toàn cầu trong khi phải hứng chịu 70% thiên tai trên thế giới. Do đó, gia tăng hợp tác khu vực để ứng phó với các thách thức trên trở thành ưu tiên của đối thoại và các chương trình của APEC.

Chủ tịch cho rằng: Trong bối cảnh các hệ lụy kinh tế- xã hội của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn còn tác động sâu sắc, tôi chia sẻ nhận thức rằng đã đến lúc chúng ta phải có tư duy phát triển và cách tiếp cận mới về an ninh lương thực - nước - năng lượng trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, đa ngành, đổi mới và sáng tạo. Đó là cơ sở quan trọng để chúng ta phục hồi kinh tế vững chắc, thu hẹp khoảng cách phát triển, hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ và hướng tới Chương trình nghị sự phát triển bền vững sau năm 2015...
Quang Minh (Quang Minh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem