Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris: Thế giới chờ đợi sự đột phá

Đức Hoàng-TTXVN Thứ ba, ngày 01/12/2015 06:29 AM (GMT+7)
Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu (COP 21) khai mạc ngày 30.11, tại Paris (Pháp) với sự kỳ vọng sẽ đạt được thoả thuận hiệu quả. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị.
Bình luận 0

Biến đổi khí hậu đáng sợ hơn khủng bố

Paris vừa trải qua cơn ác mộng khủng bố khủng khiếp, nhưng không vì thế, mối quan tâm về sự nguy hiểm từ biến đổi khí hậu (BĐKH) lại bị lu mờ trong những ngày này. Thậm chí các nhà hoạt động môi trường ở Paris khi xuống đường vẫn nói rằng, BĐKH đôi khi còn khủng khiếp và đáng sợ hơn khủng bố.

img

Người dân xuống đường ở Sydney (Australia) kêu gọi Hội nghị COP21 Paris đạt được thoả thuận chung để hành động vì biến đổi khí hậu.  Ảnh:   Reuters

Cùng với 40.000 đại biểu đại diện cho gần 200 quốc gia tụ hội tại Paris để tìm một đồng thuận toàn cầu nhằm giảm khí thải cacbon, ngăn chặn tốc độ Trái đất  nóng lên, với mục tiêu chung không để nhiệt độ tăng quá 2 độ C, hàng ngàn người dân đã xuống đường để kêu gọi sự cần thiết phải có một thoả thuận sau gần nửa thế kỷ cả thế giới đã cố tình không thừa nhận hiện tượng Trái đất nóng lên.

Hội nghị COP21 là một trong những hội nghị toàn cầu lớn nhất trong năm 2015. Mục tiêu chính của COP21 là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về BĐKH cho giai đoạn sau năm 2020 (gọi là Thỏa thuận Paris 2015). Theo đó, các nước cam kết cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1990. Đây được coi là cơ hội cuối cùng để các nước đi tới một thỏa thuận ràng buộc pháp lý nhằm ngăn chặn nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Trước đó, các nước đã không thể đi tới thỏa thuận do mâu thuẫn về mức độ cắt giảm khí thải cũng như trách nhiệm đóng góp tài chính trong việc giúp các nước nghèo và các nước đang phát triển thích ứng với BĐKH.

Việc chính quyền các nước cuối cùng chấp nhận ngồi vào bàn thương lượng về mục tiêu chung nói trên là kết quả của những nỗ lực vô cùng bền bỉ. Điều làm cho hội nghị này khác biệt hơn tất cả những lần trước là hơn 180 quốc gia đã đệ trình kế hoạch giảm phát thải độc hại góp phần gây ra tình trạng BĐKH.

1.000 tỷ USD để cứu thế giới nghèo

Theo một báo cáo mới nhất được công bố trong ngày diễn ra hội nghị, 48 nước nghèo nhất trên thế giới cần có 1.000 tỷ USD trong khoảng từ năm 2020 - 2030 để có thể thực hiện kế hoạch chống BĐKH. Theo ước tính của Viện Môi trường và Phát triển quốc tế (IIED), mỗi năm các nước nghèo này này sẽ cần có 93 tỷ USD, bao gồm 53,8 tỷ USD cho giảm khí phát thải và 39,9 tỷ USD đối phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan và tình trạng nước biển dâng cao cao. 

IIED cho biết hiện các nước kém phát triển mới chỉ được tiếp cận với 1/3 quỹ khí hậu quốc tế do các nước giàu có cung cấp. Dù các nước nghèo đang rất cần nguồn lực để đấu tranh chống BĐKH, song phần lớn tiền hỗ trợ lại được chi cho các nước có điều kiện kinh tế khá hơn. Chỉ tính riêng một số nước như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Maroc, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ, số tiền các nước này được nhận đã ngang bằng với tổng tiền tài trợ cho toàn bộ 48 nước nghèo. Một tỷ lệ phân bố tiền không cân đối cũng được các nhà nghiên cứu chỉ ra giữa lĩnh vực đối phó với BĐKH và hỗ trợ người dân thích ứng với các cú sốc khí hậu. Trong 11,8 tỷ USD được chi cho các nước nghèo trong năm 2013-2014, tới 10 tỷ USD được dành để hỗ trợ cắt giảm khí thải, và chỉ còn 1,8 tỷ USD dành cho công tác thích ứng với BĐKH.

Chính vì vậy, COP 21 tại Paris cần phải phải được một thỏa thuận công bằng và hiệu quả theo hướng ưu tiên cho đầu tư từ khu vực tài chính công quốc tế cho nhóm các nước nghèo, để giúp họ thực hiện được kế hoạch chống BĐKH của mình và thu hút được nguồn tài chính tư cho lĩnh vực khí hậu.

Theo kế hoạch mà 48 nước nghèo nhất trên thế giới đề ra, bắt đầu từ năm 2020, nhóm này sẽ cắt giảm lượng khí phát thải thông qua các biện pháp sử dụng năng lượng tái tạo, chế tạo các loạt phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch hơn.

Việt Nam cam kết cùng quốc tế ứng phó

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị COP21 nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH, đồng thời nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với BĐKH của Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem