Hội Nông dân TP Hà Nội xây dựng hơn 600 mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả
Hội Nông dân TP Hà Nội xây dựng hơn 600 mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả
Phạm Hải Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội
Thứ tư, ngày 22/11/2023 18:41 PM (GMT+7)
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết: Các cấp Hội Nông dân TP Hà Nội đã vận động, hướng dẫn xây dựng được 832 mô hình kinh tế có hiệu quả với 25.126 hộ tham gia; vận động, hướng dẫn thành lập được 25 Hợp tác xã, 611 Tổ hợp tác hoạt động hiệu quả.
Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân TP Hà Nội đã tích cực thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới", Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW, ngày 27/7/2020 của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025"; Chương trình số 11-CTr/HNDT ngày 16/4/2019 của Ban Chấp hành Hội Nông dân Thành phố về "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Nông dân Thành phố Hà Nội trong phát triển kinh tế- xã hội và tích cực xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2019-2023" .
Các cấp Hội Nông dân Thành phố đã tập trung tuyên truyền vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành Thành phố tổ chức nhiều hội nghị tọa đàm, diễn đàn, hội thảo về phương pháp vận động nông dân tham gia phát triển mô hinh kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã; xây dựng mô hình chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung; xây dựng các sản phẩm OCOP.
Hội Nông dân các huyện, thị xã đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng về kỹ năng xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã; công tác quản lý, tổ chức sản xuất cho 24.694 cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác, hội viên nông dân.
Từ năm 2019 đến nay, mặc dù dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên cả nước và thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân và việc sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên các cấp Hội nông dân của Thủ đô dưới sự chỉ đạo của Trung ương và thành phố thực hiện nhiệm vụ kép vừa tham gia sản xuất vừa phòng chống dịch, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn xây dựng được 832 mô hình kinh tế có hiệu quả với 25.126 hộ tham gia; vận động, hướng dẫn thành lập được 25 Hợp tác xã, 611 Tổ hợp tác trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản và kinh doanh dịch vụ với trên 9.500 thành viên tham gia.
Một số hợp tác xã tiêu biểu như: HTX sản xuất mộc dân dụng tại xã Liên Hồng, Tân Lập, huyện Đan Phượng; Hợp tác xã chăn nuôi gà đẻ trứng sạch tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh; sản xuất các giống cây có múi và trồng bưởi đường Quế Dương, huyện Hoài Đức; trồng rau sạch, rau an toàn ở các huyện Phúc Thọ, Gia Lâm, Đan phượng, Chương Mỹ…
Một số Hợp tác xã nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững như HTX rau quả sạch Chúc Sơn huyện Chương Mỹ, HTX rau Cuối Quý huyện Đan Phượng….
Nhiều hợp tác xã được củng cố, đổi mới về tổ chức, hoạt động và đã xuất hiện nhiều mô hình kiểu mới hiệu quả. Qua đó, đã hỗ trợ cho các mô hình kinh tế tạo nhiều việc làm, thu nhập thường xuyên cho người lao động và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Khắc phục được tình trạng sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phân tán và góp phần tích cực trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Các tổ hợp tác, hợp tác xã đã đẩy mạnh liên kết, hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý mới hiệu quả trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện cùng có lợi. Đồng thời, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia.
Các cấp Hội đã tuyên truyền vận động, hướng dẫn nông dân xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP.
Tiêu biểu như mô hình trồng cây ăn quả, rau an toàn tại các xã Đại Thịnh, Tráng Việt của huyện Mê Linh; xã Văn Đức, Yên Viên của huyện Gia Lâm; xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì; trồng dưa chuột Ba Lăng, huyện Thường Tín; trồng hành lá tại xã Võng Xuyên, chăn nuôi vịt thương phẩm tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; nuôi gà lấy trứng tại các xã Khai Thái, Hồng Thái, huyện Phú Xuyên; trồng dưa lưới tại các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Thường Tín…
Để tạo điều kiện cho các mô hình phát triển sản xuất từ năm 2019 đến nay, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố đã chỉ đạo các cấp Hội Nông dân trên địa bàn Thành phố triển khai cho vay 499 dự án từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân xây dựng các Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp và 157 dự án vay vốn xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã với số tiền 336.207 triệu đồng cho 7.891 hộ vay.
Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về kỹ năng thông tin, thị trường, khoa học, kỹ thuật công nghệ cao trong trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến. Tổ chức các hoạt động tín chấp, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy nông nghiêp... hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất đạt kết quả tốt.
Đồng thời hướng dẫn các huyện, thị Hội xây dựng được 25 gian hàng giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn. Tổ chức 7 gian hàng quảng bá, giới thiệu nông sản tại các hội chợ, triển lãm do các tỉnh, thành phố và Hà Nội; 62 gian hàng tham gia trình diễn, giới thiệu tại các diễn đàn, hội thảo, toạ đàm về sản xuất nông nghiệp an toàn, xây dựng mô hình chuỗi liên kết, xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm do Hội Nông dân Thành phố tổ chức.
Qua công tác tuyên truyền vận động cán bộ hội viên nông dân đã nhận thức rõ việc phát triển kinh tế tập thể nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động. Mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết với các loại hình kinh tế khác, từ đó khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của Hội Nông dân trong phát triển kinh tế tập thể góp phần quan trọng trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, phát triển kinh tế tập thể gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và khuyến khích hợp tác xã lựa chọn phương thức chuyển đổi số phù hợp.
Để đạt được những kết quả trên là do sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp giữa các ban ngành chức năng của thành phố, các cấp Hội Nông dân đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và thành phố về phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là "Phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểm mẫu", tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện công tác dồn điền đổi thửa; tập trung tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng,vật nuôi có giá trị và hiệu quả kinh tế cao; xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Tại diễn đàn hôm nay, tôi xin có một số kiến nghị đề xuất với Trung ương, Thành phố một số nội dung sau:
1.Thành phố quan tâm đầu tư tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho các mô hình có quy mô lớn về ứng dụng chuyển đổi số, xúc tiến thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, quản lý và điều hành trong các trang trại, gia trại để nông dân có cơ sở quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình làm ra trên nền tảng số sau phục hồi đại dịch Covid-19.
2. Đề nghị Quốc Hội sớm ban hành Luật đất đai sửa đổi và có chính sách, giải pháp tạo điều kiện về cơ chế để nông dân tham gia sản xuất nông nghiêp. Vì hiện nay việc tích tụ ruộng đất, thuê lại diện tích đã được chia theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ còn gặp nhiều bất cập, việc giao cho người dân đấu thấu để sử dụng vườn ao chuồng thời hạn là 5 năm. Vì vậy một số hộ nông dân mặc dù không muốn làm nông nghiệp, rời bỏ nông thôn những vẫn không muốn cho thuê lại để đầu tư sản xuất, tình hình bỏ ruộng hoang hóa vẫn còn nhiều, gây lãng phí tài nguyên đất.
3. Nhà nước cần có chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từ đó thúc đẩy sự liên kết giữa nhà nông- nhà doanh nghiệp- nhà khoa học và nên tổ chức hội nghị đánh giá lại mô hình HTX kiểu mới theo luật HTX 2012 để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế ở khu vực nông thôn, nhất là vùng chuyên canh cấy lúa nước, diện tích nhỏ, manh mún. (Vì hiện nay nông dân không mặn mà với cây lúa).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.