Ký ức kinh hoàng
Trận lũ quét lịch sử ập tới vào đêm 19 rạng sáng ngày 20.7.2018 khiến bản Lùng bị tàn phá, gần 50 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 15 hộ bị mất toàn bộ nhà cửa và tài sản, 22 nhà bị mất tài sản.
Cảnh hoang tàn sau trận lũ. (Ảnh: P.V)
Kể lại câu chuyện về trận lũ kinh hoàng cách đây nửa năm, nét âu lo vẫn còn vương lại trên khuôn mặt ông La Tiến Sâm (trú tại bản Lùng).
Đêm hôm đó, vào khoảng 1h ngày 20.7.2018, khi cả nhà đang say giấc ngủ, nhận thấy trời mưa to, mỗi lúc một dày hạt, ông Sâm dậy kiểm tra thì thấy nước lớn đã bắt đầu ngập đến chân cột nhà và liên tục dâng cao. Sau khi đưa vợ sang nhà hàng xóm tránh, nước dâng cao nên ông cùng hai cậu con trai trèo lên mái nhà. Tuy nhiên, nước lũ quá lớn và dâng nhanh, ngôi nhà của ông bị cuốn trôi theo dòng nước. May thay, ba bố con ông Sâm kịp bám vào dây và trèo lên cột điện trước cửa nhà.
"Hai thằng con thì ngồi trên xà sứ, còn tôi bám dọc theo cột, bám thì bám vậy chứ khi đó 3 bố con xác định chắc chắn sẽ bỏ mạng", giọng ông Sâm nghẹn ngào như cơn lũ kinh hoàng lại vừa quét qua trong đầu óc của ông.
Ba bố con ông Sâm thoát khỏi dòng nước "tử thần" sau 4 tiếng đồng hồ đu bám trên cột điện, chống chọi với cái rét, cái mệt. Ông Sâm rưng rưng: “Trời vẫn thương bố con tôi, chú ạ".
"Bám thì bám vậy chứ khi đó 3 bố con xác định chắc chắn sẽ bỏ mạng", ông La Tiến Sâm (bản Lùng) nhớ lại. (Ảnh: Hoàng Hữu)
Còn đối với anh Siều Văn Vạn (cùng trú tại bản Lùng), đêm kinh hoàng ấy không chỉ là toàn bộ tài sản, nhà cửa của cả gia đình bị trôi theo dòng nước lũ mà còn là cuộc đối mặt giữa sự sống và cái chết. "Trong 25 người già trẻ, lớn bé chạy lũ đêm ấy, có đến 10 người trong gia đình tôi. Đêm tối, xung quanh chỉ toàn nước lũ, đất đá, tiếng kêu thét, gào khóc, những khuôn mặt mệt mỏi, tất cả chỉ biết dắt díu nhau chạy lên chỗ cao hơn để tìm nơi an toàn".
An cư mới lạc nghiệp
Thế nhưng, trong lúc hoạn nạn, tình người, tình xóm làng lại được khơi dậy, giúp đỡ những hộ dân có nơi ăn nghỉ tạm thời. Không những vậy, nhờ sự chia sẻ đùm bọc cũng như sự tuyên truyền vận động mà có tới 19 hộ gia đình hiến đất để lập khu tái định cư mới.
Chỉ trong vòng 5 tháng, một khu tái định cư mới với quy mô gần 3ha được xây dựng để người dân bản Lùng có nơi ở mới. Giờ đây, 50 hộ gia đình này đều đã xây dựng xong nhà cửa và ổn định cuộc sống mới. Bà con cũng đang tiếp tục hỗ trợ nhau cải tạo những diện tích đất do mưa lũ vùi lấp để chuẩn bị cho sản xuất một vụ mùa mới.
50 hộ dân đã xây xong nhà và chuyển về nơi ở mới. (Ảnh: Hoàng Hữu)
Những công trình nhà văn hóa, đường giao thông, điện thắp sáng cũng sẽ hoàn thành trong nay mai để cho bà con đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Bản Lùng mới trở nên đông vui hơn, cuộc sống nơi ở mới trở nên an toàn hơn và tình làng nghĩa xóm của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông cũng giúp cho người dân có thêm động lực mới.
Nhà văn hóa bản Lùng được đầu tư xây mới trị giá 300 triệu đồng. (Ảnh: Hoàng Hữu)
Dẫu cuộc sống trên mảnh đất mới vẫn còn ngổn ngang, bộn bề, dẫu lũ dữ có cuốn đi tài sản, nhà cửa, nhưng tình người luôn tỏa sáng. Nhờ sự chung tay giúp sức của cộng đồng, cùng với sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước, những vùng đất lũ thực sự đã hồi sinh trở lại.
Ông Lò Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền mặt các đơn vị hỗ trợ bản Lùng thông qua xã là gần 2,1 tỷ đồng, chưa kể quà của các đoàn thiện nguyện, các nhà tài trợ khác”.
Đón Tết vui tươi
Tuy chưa hoàn thiện, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, của những nhà hảo tâm và anh em làng xóm, căn nhà mới trị giá gần 200 triệu đồng đã giúp cho gia đình ông La Tiến Sâm có nơi ở mới khang trang và an toàn hơn. Ông Sâm tâm sự: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng nên hiện nay chúng tôi đã có nơi ở mới, có nhà mới. Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Tết này gia đình vẫn sắm sửa đầy đủ, niềm vui được nhân đôi, chú ạ”.
Còn anh Siều Văn Vạn cũng chia sẻ: “Dù khó khăn nhưng theo phong tục tập quán, Tết đến vẫn phải sắm sửa thịt gà, thịt lợn để còn cúng tổ tiên chứ”.
Tết này gia đình anh Siều Văn Vạn đã được ở trong ngôi nhà mới. Ảnh: Hoàng Hữu
Nhờ việc nhiều hộ dân tình nguyện hiến đất để giải phóng mặt bằng và sự giúp đỡ của các cấp ủy chính quyền, các hộ các gia đình đồng bào Dao, Mông, Tày ở bản Lùng có đời sống ổn định và hân hoan đón Tết. Đặc biệt, trong những ngày cuối năm, bà con nơi đây luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước khi đón các đoàn công tác của lãnh đạo từ Trung ương, tỉnh đến huyện, xã tới thăm và chia sẻ.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà chia vui với chị Tráng Thị Mang ở Bản Lùng vừa có ngội nhà mới. (Ảnh: BYB)
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao và mong muốn bản Lùng sau lũ sẽ trở thành một bản tiêu biểu trong đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Ảnh: Hoàng Hữu
Những ngày Tết đến xuân về, vùng lũ bản Lùng cũng trở nên rực rỡ trong cái nắng hanh vàng, bản mới trở nên đông vui nhộn nhịp. Tết này, nhiều gia đình được đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang, ai cũng cảm thấy phấn khởi vô cùng.
Ông Lê Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên. (Ảnh: Hoàng Hữu)
Ông Lê Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Với sự vào cuộc chỉ đạo kịp thời, sát sao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng, nhiều gia đình đã dần hồi sinh trên các vùng đất lũ. Với phương châm “không để người dân vùng lũ nào không có Tết”, huyện đã tổ chức 15 đoàn tới thăm hỏi, động viên các gia đình vùng lũ, với những hộ không có gạo ăn sẽ được hỗ trợ 15kg/người, ngoài ra còn có các phần quà, nhu yếu phẩm cần thiết sử dụng trong Tết Nguyên đán".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.