Kết quả đã đạt được
Mặc dù xã Đào Thịnh là một xã có xuất phát điểm thấp, người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. nhưng Đào Thịnh lại là một trong những điểm sáng xây dựng NTM của huyện Trấn Yên. Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền xã cùng với sự hưởng ứng của nhân dân và hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh, huyện, tháng 11.2016 xã được UBND tỉnh Yên Bái công nhận đạt chuẩn NTM.
Trong quá trình xây dựng NTM, việc tuyên truyền, vận động người dân phát huy tính chủ động, tích cực tham gia luôn được xã chú trọng. Đối với những tiêu chí mà sự tham gia, vào cuộc của người dân là nhân tố quyết định như tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm... việc vận động nhân dân tham gia hiến đất, đóng góp công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương được coi là kinh nghiệm quý trong việc huy động sức dân.
Với mong muốn người dân, các cháu học sinh đi lại thuận tiện hơn, góp phần xây dựng NTM, khi xã triển khai mở rộng đường giao thông nông thôn, gia đình chị Phạm Thị Lĩnh (thôn 5, xã Đào Thịnh) đã tự nguyện hiến 100m đường chiều dài và 5m chiều rộng. Chị Phạm Thị Lĩnh chia sẻ: “Hằng ngày thấy mọi người đi lại khó khăn, đặc biệt đoạn đường vào nghĩa trang của thôn nhỏ, hẹp, mỗi lần các gia đình trong thôn có việc hiếu gặp rất nhiều vất vả, nên tôi và gia đình đã bàn bạc và tự nguyện hiến đất để mở rộng con đường.”
Chị Phạm Thị Lĩnh bên con đường gia đình đã hiến đất. Ảnh: Hoàng Hữu
Bà Đoàn Thu Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh cho biết, kinh nghiệm xây dựng NTM của xã là được sự đồng thuận của nhân dân. Bên cạnh đó, phát huy được thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế như trồng dâu nuôi tằm và trồng quế kết hợp với phát triển công nghiệp chế biến tạo việc làm cho người dân nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 26 triệu đồng/người, đến năm 2018 đạt 31 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 7,4%, năm 2017 giảm còn 6,5%.
Các sản phẩm từ quế đã trở thành thu nhập chính của xã Đào Thịnh, Trấn Yên. Ảnh: Hoàng Hữu
Phát huy lợi thế, chính sách của địa phương, gia đình anh Nguyễn Trí Tuệ, thôn 5 xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên cùng với 6 hộ khác trong thôn đã trồng được 25ha quế. Năm 2017, sau khi thu hoạch, mỗi hộ cũng đã thu được 90 triệu đồng, góp phần tăng thu nhập cho các hộ cũng như giúp các hộ làm giàu chính đáng, cùng địa phương tăng dần thu nhập bình quân đầu người hằng năm. Duy trì bền vững tiêu chí số 10 về thu nhập trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM.
Anh Nguyễn Trí Tuệ phát dọn đồi quế của gia đinh. Ảnh: Hoàng Hữu
Vẫn còn những khó khăn
Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, do đó yêu cầu đặt ra phải có từng bước đi cụ thể, vững chắc, không chạy theo thành tích. Đặc biệt đối với huyện miền núi Trấn Yên, việc xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn, toàn huyện vẫn còn 4 xã là xã đặc biệt khó khăn, đời sống của nhân dân còn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội, cơ sở hạ tầng khu vực đồng bào người dân tộc Mông ở xã Hồng Ca và Kiên Thành còn nghèo nàn lạc hậu. Hiện trên địa bàn huyện còn 4 xã đạt từ 14-16 tiêu chí, 2 xã đạt từ 10-12 tiêu chí (xã Hồng Ca và Kiên Thành).
Ông Cháng A Sai, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều phong tục tập quán lạc hậu như chăn thả gia súc dưới sàn nhà, rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi… nên trong quá trình xây dựng NTM xã gặp nhiều khó khăn ở tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về hộ nghèo và đặc biệt ở tiêu chí số 17 về môi trường.
Người dân xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên phát triển kinh tế tăng thu nhập. Ảnh: Hoàng Hữu
Theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ, các xã trong huyện Trấn Yên chưa cán đích NTM chủ yếu gặp khó khăn khi thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng (giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế); các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất (thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo); tiêu chí về văn hóa, xã hội, môi trường…
Ông Nguyễn Đức Mầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên. Ảnh: Hoàng Hữu
Trao đổi với phóng viên Dân Viêt, ông Nguyễn Đức Mầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện Trấn Yên đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng NTM. Mục tiêu đến năm 2020, 100% số xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng 1-2 xã đạt xã nông thôn kiểu mẫu, đưa Trấn Yên là huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Yên Bái. Huyện tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với xã đã đạt chuẩn, chú trọng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho người dân”
Vui lòng nhập nội dung bình luận.