Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn phát biểu tại Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng nông nghiệp CNC".
Hội thảo có sự tham dự của ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch Trung ương Hội nông dân VN; ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Vũ Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN); ông Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch thưởng trực UBND tỉnh Tây Ninh; bà Nguyễn Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT. Ngoài ra còn có sự tham gia của các chuyên gia uy tín, đại diện các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp với các ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn lớn để bàn về việc triển khai chương trình. Các ngân hàng thương mại đều ủng hộ chủ trương của Chính phủ và đã đăng ký số tiền hơn 100.000 tỷ đồng để cho vay các dự án có hiệu quả với lãi suất ưu đãi ở mức phù hợp.
Đến nay có 8 ngân hàng thương mại đã đăng ký số vốn hơn 100.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt gần 32.339 tỷ đồng với 4.125 khách hàng còn dư nợ (3.957 khách hàng cá nhân, 168 doanh nghiệp). Hiện nay, chưa phát sinh nợ xấu với lĩnh vực này.
Hội thảo do Trung ương Hội Nông dân VN phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức.
Vừa qua, NHNN cũng đã ban hành Quyết định 813 ngày 24.4 trên cơ sở thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những điều kiện, quy định cho vay theo gói này để tránh việc lợi dụng do lãi suất vay thấp hơn thông thường từ 1 đến 1,5%/năm.
Đây là chương trình không có sự hỗ trợ của Nhà nước nên khi cho vay các ngân hàng phải đảm bảo đúng quy định, khách hàng có dự án hoạt động hiệu quả và có dự án/phương án sản xuất kinh doanh thuộc tiêu chí chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Khi cho vay, các ngân hàng đều phải tính đến hiệu quả, xem sản phẩm có tiêu thụ được, người vay có trả nợ được không. Ví dụ như vừa qua, thịt lợn khó tiêu thụ, lập tức nợ xấu xuất hiện. Nếu như sản xuất, đầu tư không phù hợp nhu cầu thị trường, nhu cầu của nền kinh tế thì không tiêu thụ được. Muốn thế phải tránh làm theo phong trào.
Vấn đề ngân hàng quan tâm là đầu tư ra sao để tránh sau này đầu tư nhiều quá, khiến cung vượt quá cầu, không tiêu thụ được hoặc suất đầu tư cao quá thì việc trả nợ sẽ khó khăn, khi đó dẫn đến nợ xấu, nợ khó đòi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng nhấn mạnh tinh thần trong thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao là phải tính toán cung cầu, phân công đầu tư phát triển, không làm ào ạt theo phong trào, giải quyết điểm nghẽn một cách tích cực hơn, tinh thần là xã hội hóa chứ không đầu tư bao cấp. Chính phủ cũng sẽ tập trung xử lý gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Vụ trưởng vụ KHCN& MT, Bộ NN&PTNT phát biểu tại buổi hội thảo.
Hiện nay mới có một số dự án bắt đầu triển khai, mà chủ yếu là các dự án vừa và nhỏ, ít dự án mới với quy mô lớn. Vì thế, chưa thể nói gói 100.000 tỷ đồng là đủ hay thiếu, thừa. Nếu sản phẩm có điều kiện xuất khẩu, mở rộng thị trường ra nước ngoài thì 100.000 tỷ đồng chưa chắc là lớn. Nhưng ngược lại, nếu chỉ giải quyết chuyện cung cấp sản phẩm sạch, công nghệ cao cho thị trường trong nước thì có thể chưa cần dùng hết gói 100.000 tỷ đồng trong 1 năm.
Ngoài ra, việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao thường có giá trị lớn, thời gian thu hồi vốn dài vì vậy cần phải có định hướng phát triển nông nghiêp công nghệ cao, đánh giá và dự báo về thị trường mục tiêu để việc đầu tư tín dụng hiệu quả.
Ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN): Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch là một hướng phát triển nông nghiệp mới, chưa có tiền lệ, vì vậy tiềm ẩn rủi ro khi triển khai dự án.
Mặt khác, vốn đầu tư cho dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch là rất lớn và giá thành trên một đơn vị sản phẩm khá cao. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm của nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch đang thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, chưa có đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm dạng này trên thị trường nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế.
Điều đặc biệt là các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC như nhà kính, nhà lưới... chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.