Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt” sẽ diễn ra vào ngày 1/12
Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt” sẽ diễn ra vào sáng 1/12
Huyền Anh
Thứ tư, ngày 24/11/2021 12:21 PM (GMT+7)
Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt” sẽ diễn ra vào ngày 1/12 tới đây. Thông tin này được Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt chia sẻ tại buổi họp báo Lễ Tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021" diễn ra sáng nay 24/11 tại Hà Nội.
Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt" nằm trong khuôn khổ Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức vào 8h ngày 1/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội.
Hội thảo này có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Hội Nông dân Việt Nam, các Bộ ngành, đại diện các ngân hàng thương mại, các đơn vị hoạt động dịch vụ cổng thanh toán, nông dân, chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021.
Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt" sẽ diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt khi cả nước đang thực hiện chiến lược "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19" và Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg với những mục tiêu, định hướng cụ thể để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong 5 năm tới.
Tại buổi họp báo Lễ Tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 do báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức sáng nay, Nhà báo Lưu Quang Định chia sẻ, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 như một cú hích giúp thanh toán không dùng tiền mặt phát triển nhanh và mạnh mẽ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam bởi ưu thế về tính an toàn, hạn chế sự tiếp xúc, lây lan trong các hoạt động giao dịch thương mại.
Tuy nhiên, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn không hề dễ dàng do nhiều khó khăn về điểm thanh toán, rào cản về nhận thức và thói quen sử dụng tiền mặt của bà con nông dân - chiếm hơn 65% dân số cả nước.
Do đó, đến tháng 8/2021 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đạt 11,36%, trong khi mục tiêu của Chính phủ là đưa tỷ trọng này xuống dưới 10%.
Vì vậy, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn Việt Nam là rất cần thiết, là yếu tố quyết định thành công của chiến lược chuyển đổi số, chiến lược tài chính toàn diện của quốc gia.
Giải đáp câu hỏi của PV về việc làm thế nào để bà con nông dân – chiếm 65% dân số cả nước sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn nữa trong thời gian tới, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/ điện tử Dân Việt đề cập tới 3 "chìa khóa".
Thứ nhất, các chính sách thể chế của Nhà nước phải liên tục được cập nhật, được cụ thể hóa và gần gũi với đời sống hơn nữa.
Hai là, các ngân hàng và các trung gian tài chính, doanh nghiệp viễn thông,… phải đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ để đáp ứng mọi nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, thanh toán tiền điện, tiền nước,… phải thuận tiện hơn nữa, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn.
Ba là, đẩy mạnh truyền thông. "Hội Nông dân Việt Nam cũng như các cơ quan phương tiện đại chúng phải tuyên truyền nhiều hơn. Việc chúng tôi tổ chức hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt" và trong nhiều năm qua chúng tôi theo đổi đề tài này cũng là nỗ lực của một cơ quan truyền thông nhằm tuyên truyền cho người dân khu vực nông thôn hiểu hơn về các phương thức thanh toán hiện đại", Nhà báo Lưu Quang Định nhấn mạnh.
Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt" là nơi để các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tín dụng (TCTD), trung gian thanh toán, các doanh nghiệp, các chuyên gia cùng thảo luận những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt; vai trò của phương thức thanh toán hiện đại, cơ hội, lợi ích cũng như thách thức, khó khăn khi nông dân tham gia thanh toán không dùng tiền mặt; những khuyến nghị, đề xuất của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp và nông dân nhằm thúc đẩy nông dân chuyển đổi mạnh mẽ sang phương thức thanh toán, giao dịch từ truyền thống sang hiện đại.
Một số nội dung cụ thể:
- Vai trò của thanh toán không dùng tiền mặt với nông dân và nông nghiệp trong kinh tế hội nhập
- Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại
+ Thanh toán qua thẻ, thanh toán bằng phương thức mobile banking: Đây là phương thức truyền thống của các ngân hàng, phù hợp để nông dân tham gia thanh toán khi giao dịch hàng hoá, giá trị giao dịch lớn hơn 10 triệu đồng.
+ Thanh toán bằng phương thức mobile money: Đây là phương thức mới và sắp tới đây sẽ đưa vào thực hiện thí điểm. Phù hợp với nông dân khi sử dụng thanh toán hàng ngày như đi chợ, mua những món hàng có giá trị nhỏ.
- Sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.