GS - TS Nguyễn Đình Cử-người có nhiều năm nghiên cứu về dân số và phát triển cho biết, năm 2011, dân số Việt Nam (VN) chính thức bước vào quá trình già hoá với tỷ lệ người cao tuổi chiếm gần 10% dân số. So với dự báo của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) năm 1999 qua cuộc tổng điều tra dân số, thì quá trình này đến sớm hơn tới 6 năm. Thông thường, quá trình già hoá dân số ở các quốc gia phát triển mất tới vài chục, thậm chí cả trăm năm, nhưng ở Việt Nam chỉ còn 10-20 năm...
|
Hội NDVN sẽ xúc tiến nhiều hoạt động hỗ trợ người già ở nông thôn. |
68% không có lương hưu
Từ khi các con lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng ông Nguyễn Tất Đô ở xã Quang Trung (Kinh Môn, Hải Dương) phải chăm sóc lẫn nhau. Tuổi khá cao, nhưng hai ông bà vẫn làm 3 sào ruộng, nuôi lợn, gà, trồng rau. Ông Đô chia sẻ: “Bình thường cũng đủ sống, nhưng những khi đau ốm bệnh tật thì không biết trông vào đâu. Các con cũng khó khăn, lại phải nuôi các cháu ăn học”.
Theo TS Nguyễn Thị Lan -Phó ban Truyền thông và Sức khoẻ (T.Ư Hội Người cao tuổi) thì người già vẫn phải làm việc như vợ chồng ông Đô ngày càng xuất hiện nhiều ở nông thôn. Nhà nước có nhiều chính sách cho người cao tuổi, nhưng vì nguồn lực, nhân lực thiếu và yếu nên chưa tổ chức thực hiện tốt, ví dụ như chính sách khám chữa bệnh định kỳ...
Theo nghiên cứu của GS - TS Nguyễn Đình Cử, trong số gần 10 triệu người cao tuổi hiện nay thì 72% sống ở nông thôn; 68% không có lương hưu, trợ cấp; 42% sức khoẻ yếu, trong đó chủ yếu ở nông thôn. Theo công bố của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại VN, tới 17% số người cao tuổi sống dưới mức nghèo khổ... Hầu hết người cao tuổi, nhất là ở khu vực nông thôn phải tự lao động để nuôi sống bản thân.
Để không là gánh nặng
“Việt Nam hiện có 9 triệu người cao tuổi, trong đó 72% sống ở nông thôn; 68% không có lương hưu, trợ cấp; chỉ có 5% người cao tuổi có sức khoẻ tốt; 17% người cao tuổi sống dưới mức nghèo khổ”. Ông Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) cho rằng, không nên hoang mang khi dân số bước vào quá trình già hoá, mà cần chủ động điều chỉnh chính sách phát triển cho phù hợp. Không nên coi người già là gánh nặng cho xã hội mà phải phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội. Ông Brucce Campell - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại VN khuyến nghị: “Tập trung đầu tư cho giáo dục, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là lo cho người già khi còn trẻ...”.
Ông Trần Ngọc Thanh - Trưởng ban Xã hội, Dân số và Gia đình (T.Ư Hội) cho biết: Nhiều năm qua, thông qua phong trào ND thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, các cấp hội trong cả nước đã tích cực hỗ trợ vốn, cây, con giống, tập huấn kỹ thuật cho hàng triệu hộ hội viên. Trong số hơn 4 triệu hộ ND đạt tiêu chuẩn SXKD giỏi các cấp thì nhiều chủ hộ là người cao tuổi.
Theo GS - TS Nguyễn Đình Cử: “Phải có nguồn lực, tức là phải có kinh phí để thực thi các chính sách đối với người cao tuổi. Người già ở nông thôn hầu hết không có lương hưu. Phải tuyên truyền, vận động và có chính sách hỗ trợ để lao động nông thôn tham gia BHYT, BHXH tự nguyện... Việc tuyên truyền, vận động tốt nhất vẫn là các đoàn thể chính trị, xã hội, trong đó có Hội NDVN”- ông Trọng kiến nghị.
Ông Trần Ngọc Thanh-Trưởng ban Xã hội, Dân số, Gia đình (T.Ư Hội NDVN) cho biết, tuyên truyền phát huy vai trò, chăm sóc người cao tuổi ở nông thôn là 1 trong 4 chương trình trọng tâm về dân số của Hội ND. Hội ND đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động chính sách đối với người cao tuổi; vận động hội viên, ND tham gia BHYT, BHXH. Thời gian tới, Hội sẽ xây dựng một số mô hình thí điểm về phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi...
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.