Hội tụ gương sáng của bản làng

Lê San Thứ sáu, ngày 03/10/2014 15:26 PM (GMT+7)
Ngày 2.10, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Bắc Giang lần thứ II đã diễn ra với sự tham gia của 273 đại biểu. Đây là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới và gìn giữ bản sắc văn hoá các dân tộc của tỉnh Bắc Giang.
Bình luận 0

Những người biết làm giàu từ rừng

Đại biểu về dự Đại hội Đại biểu các DTTS lần này chủ yếu là đồng bào DTTS sống ở những vùng rừng núi cao, vùng sâu vùng xa của tỉnh Bắc Giang. Từ chỗ đời sống khó khăn, thiếu thốn với sự nỗ lực hết mình, họ đã vươn lên trở thành những tấm gương sáng về sản xuất để thoát nghèo, làm giàu từ đồi rừng... 

Ông Bàn Vũ Quyền, dân tộc Dao ở thôn Mùng, xã Dương Hưu (Sơn Động) là một điển hình như vậy. Ông đã tận dụng những ưu thế từ rừng mà vươn lên làm giàu, với thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng. Ông Quyền kể: “Năm 1995, dự án trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc của Chương trình 327 và Dự án 661 đến với dân thôn Mùng. Thời đó các hộ trong thôn chưa quen với việc trồng rừng để phát triển kinh tế. Tôi đã bàn với gia đình quyết định nhận 25,5ha đất rừng từ Lâm trường Sơn Động 1 để trồng 19ha keo và 6,5ha thông lấy nhựa. Trong khi con cái còn nhỏ, mình phải nhờ anh em trong họ giúp cuốc hố, trồng cây và chăm sóc”.

Sau 3 năm, thấy ông Quyền kiên trì với việc trồng rừng và có thu nhập tốt, các hộ khác cũng lần lượt nhận đất bắt tay vào trồng rừng. Đến nay, nhiều hộ khác trong thôn như ông Đặng Văn Phú, Bàn Văn Đô, Lý Văn Chanh đều có thu nhập bình quân đạt 200 – 250 triệu đồng/năm.

Trước sự mai một các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình, ông Nguyễn Văn An (dân tộc Sán Dìu, thôn Bèo, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) đã đề nghị UBND xã ra quyết định thành lập các các câu lạc bộ dân ca. Từ năm 2009 – 2014, ông An đã cùng Đảng uỷ và UBND các xã vùng dân tộc và Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Lục Ngạn lập được 25 câu lạc bộ hát dân ca các dân tộc tại 21 xã, với hơn 800 người tham gia. “Thông qua những buổi giao lưu ca hát dân ca, chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ tình cảm và cùng nhau quyết tâm giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình hơn nữa”- ông An chia sẻ.

Người bắt vải thiều ra quả trên thân cây

Về dự đại hội, anh Trần Văn Hành, dân tộc Sán Dìu, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) đã báo cáo những kinh nghiệm mà mình học hỏi được để trở thành “chuyên gia” trong việc xử lý vải thiều ra quả trên thân cây cho năng suất cao. Mỗi năm anh có thu nhập 400 – 450 triệu đồng từ bán vải thiểu.

Anh Hành cho biết: “Trước đây gia đình tôi cũng như 80 hộ ở thôn Chão Cũ bị đói nghèo bủa vây. Mọi người suy nghĩ, trăn trở nhiều nhưng vẫn chưa tìm ra được cách nào để thoát nghèo. Năm 1999, gia đình anh nhận 2ha đất trống để trồng cây ăn quả. Nhận thấy cây vải thiều phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu ở huyện Lục Ngạn, năm 2002 tôi mở rộng trồng 1,7ha vải thiều và 0,3ha nhãn”.

Anh Hành đã tìm tòi nghiên cứu về cây vải và rất chăm chỉ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật tại địa phương vì thế năng suất cây vải của anh thường rất cao. Năm 2006 anh Hành bắt đầu ứng dụng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua tìm tòi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây vải thiều, anh phát hiện ra rằng, nếu để ra quả trên thân cây sẽ cho quả vải to đẹp, chất lượng và bán được giá cao. Nhờ phát hiện này mà năm 2012, anh được giải Nhì cấp tỉnh sáng tạo kỹ thuật nhà nông.

Tại đại hội lần này, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 1 tập thể và 2 cá nhân có thành tích xuất sắc. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hà Hùng cũng đã trao tặng bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho 6 tập thể và 9 cá nhân, cùng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc  cho 34 cá nhân.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem