1 năm từ làn sóng dịch thứ 4: Hồi ức những nhà giáo trong tâm dịch Covid-19
Thứ ba, ngày 03/05/2022 06:32 AM (GMT+7)
1 năm đã trôi qua kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu tại Việt Nam, cuộc sống dần bình thường trở lại. Thế nhưng, “cuộc chiến” nơi tâm dịch COVID-19 - TP. Hồ Chí Minh - vẫn là hồi ức không thể nào quên với những nữ giáo viên tình nguyện lên đường chống dịch.
1 năm đã trôi qua kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu tại Việt Nam, cuộc sống dần bình thường trở lại. Thế nhưng, “cuộc chiến” nơi tâm dịch COVID-19 - TP. Hồ Chí Minh - vẫn là hồi ức không thể nào quên với những nữ giáo viên tình nguyện lên đường chống dịch.
Khăn gói từ Bắc vào Nam chống dịch
Tối 10.7.2021, cô Lê Ngân Hạnh - bác sĩ nội trú, giảng viên Bộ môn Nội, Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) - nhận được cuộc điện thoại từ cơ quan công tác về việc lên đường vào TP.Hồ Chí Minh chống dịch đúng vào những ngày tình hình COVID-19 căng thẳng nhất. Không một phút chần chừ, cô giáo Hạnh gật đầu tắp lự, nhưng trong lòng nữ giảng viên 9X chợt bồn chồn khó tả. Cô giáo trẻ này đã 2 lần đăng ký nhưng chưa được tham gia những chuyến tình nguyện vào tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang.
Lần này phải đi bằng được, cô tự nhủ, nhưng cũng không khỏi lo lắng khi Sài Gòn cũng thật xa, thật khác, bởi trong cô, Sài Gòn là nơi phố thị rộn rã, sôi động và lắm sắc màu. Thế rồi, ngày 20.7, cô Hạnh cùng 300 giảng viên, sinh viên khác của Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) lên đường vào Nam. Hành trang họ mang theo là nhiệt huyết của tuổi trẻ và khi có họ, Sài Gòn sẽ không đơn độc nữa… - họ nghĩ vậy.
“Lúc đi, tôi chỉ nghĩ nhân viên y tế ở TP.Hồ Chí Minh khổ quá rồi, không ngồi im được nữa” - Ngân Hạnh nói.
Có lẽ rất nhiều năm sau nữa, cô giáo trẻ này cũng sẽ không thể nào quên được ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ với sự ám ảnh, day dứt khôn nguôi. Bởi trong buổi đầu nhận nhiệm vụ tại huyện Bình Chánh, có người đến trạm y tế test COVID-19 trong trạng thái khó thở cần được cấp cứu ngay. Lúc ấy, chỉ mình Hạnh là bác sĩ có mặt nên cô đã bằng mọi cách có thể để giành giật sự sống cho người bệnh. Khi bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng cũng là lúc Ngân Hạnh bàng hoàng nhận ra sự khốc liệt của cuộc chiến này.
“Là bác sĩ nên việc nhìn thấy người chết không phải quá xa lạ với chúng tôi. Nhưng cho dù một trăm hay một nghìn lần thì khi chứng kiến bệnh nhân chết trước mặt mình mà không cứu được cũng là một sự đau xót không gì diễn tả được. Trong vòng tròn sinh tử đó, tôi đã không cứu được họ trở về cửa sinh” - Lê Ngân Hạnh chua xót.
Cô gái 26 tuổi ấy phải nhanh chóng xốc lại tinh thần bởi không chỉ lo cho bản thân mình, cô còn mang theo sứ mệnh dẫn dắt, sát cánh cùng những em sinh viên vốn còn nhiều bỡ ngỡ khi đi vào tâm dịch lúc tuổi mới đôi mươi. Cô giáo Hạnh nhận nhiệm vụ phụ trách 19 sinh viên tình nguyện tại nhiều xã thuộc huyện Bình Chánh.
Nhưng cho dù Ngân Hạnh có nỗ lực và mạnh mẽ đến đâu cũng không thể đứng vững khi hay tin những sinh viên của mình chẳng may phơi nhiễm. Cô đã chuẩn bị tâm lý kể cả khi mình là người nhiễm bệnh nhưng sao giây phút này với cô thật khó khăn. Đoàn của giảng viên Lê Ngân Hạnh có đến 3 sinh viên mắc COVID-19 khi tham gia vào chống dịch - cũng là đoàn có số người mắc cao nhất.
“May mắn thay có lẽ là những sinh viên y khoa cũng có ít nhiều kinh nghiệm nên các bạn đã chiến thắng được tử thần” - Ngân Hạnh nhớ lại nhưng giọng vẫn còn run run khi nghĩ về những ngày khó quên đó.
Cô giáo Hạnh kể, lúc đó, Sài Gòn đã đi qua những ngày mưa, mưa đến vội vã nhưng nhịp sống ở thành phố này thì chậm lại đến mức không ai hình dung nổi. Những con phố lác đác người qua, “mùi của xe cộ”, “mùi của tắc đường” như thành xưa cũ. Chỉ còn lại âm thanh ám ảnh của xe cứu thương - thứ âm thanh khiến người ta cảm nhận mồn một khung cảnh biết bao con người đang đối mặt với lằn ranh sự sống và cái chết trong cái vòng tròn sinh tử ấy.
“Thương lắm, rất thương, thật sự không thể diễn tả hết sự thương cảm được. Một người thân mất nhưng những người khác trong gia đình không ai được lo mai táng, hậu sự, thậm chí không thể đến gần. Chỉ biết dùng từ thương thôi” - Ngân Hạnh cứ lặp đi lặp lại mãi một chữ thương như vậy khi nhắc đến cảnh ngộ của những người đồng bào.
Sau chặng đường 2 tháng ròng rã giúp sức nơi tâm dịch, Ngân Hạnh chia tay TP.Hồ Chí Minh nhưng ám ảnh về lằn ranh sinh tử, ám ảnh khi những người ra đi mà người thân không thể lại gần. Tiếng nấc nghẹn của họ cứa vào tâm can Ngân Hạnh và đồng nghiệp. Và để những đau đớn khôn nguôi đó có thể vơi bớt đi, Ngân Hạnh và một lực lượng không nhỏ giảng viên ngành Y đang nỗ lực hết sức mình hỗ trợ các tuyến điều trị, cấp cứu và hồi sức.
Quên cả nỗi sợ để mai táng cho bệnh nhân COVID-19
Cô giáo Ngân Hạnh và nhiều nhà giáo khác đã chung tay cùng những bác sĩ để giành giật sự sống cho người bệnh. Nhưng trong cuộc chiến không khói súng này, sẽ có những người không thể trở về được nữa.
Và nếu chẳng may người bệnh qua đời, nhiều người đã tình nguyện mai táng, lo hậu sự cho họ. Trong những con người đặc biệt đó có cô giáo Nguyễn Thanh Thái Hà, 32 tuổi, Giảng viên Đại học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh. Vòng bánh xe của cô Thái Hà lăn bon bon trên đường phố Sài thành những ngày tháng 7 chở theo cả những hy vọng day dứt - hôm nay sẽ không có thêm người ra đi. Công việc mà nhóm thiện nguyện của Thái Hà thực hiện là mai táng, lo hậu sự cho người mất vì COVID-19.
Thái Hà đã quen với việc làm thiện nguyện nhưng điều mà cô thường nhìn thấy là ánh mắt ánh lên niềm vui của người được hỗ trợ. Còn giờ đây, những mà Thái Hà giúp đỡ đều đã giã từ cuộc sống. “Tôi chưa bao giờ nghĩ có một ngày sẽ làm công việc này. Thường thường, mọi người nghĩ thiện nguyện là đi nấu cơm, phát quà chứ không ai nghĩ đến đi làm mai táng.
Lúc đầu thú thực tôi sợ lắm, sợ những sự chia ly mất mát và có lẽ chưa bao giờ tôi nhìn thấy nhiều người mất trước mặt mình như vậy. Nhưng tình thương với đồng bào lấn át đi nỗi sợ mơ hồ ấy. Hồi mới làm, xong ca nào về, mọi người cũng khóc vì đau lòng quá. Chứng kiến biết bao cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, có nhà mất đi 2 - 3 người thân. Rồi dần dần, mọi người tự bảo nhau phải nén nỗi đau lại. Bởi mình đi hỗ trợ mà còn yếu đuối như vậy thì bà con không thể nào vượt qua được nỗi đau đó. Chúng tôi chỉ biết làm tốt nhất công việc của mình để người nhà cảm thấy được an ủi” - Thái Hà chia sẻ.
Trong những ngày u ám đó, cô giáo Thái Hà và đoàn thiện nguyện được an ủi phần nào khi gặp một trường hợp đặc biệt. Sau khi mai táng cho một người không có thân nhân và đưa thông tin của cô này lên Facebook của nhóm thiện nguyện thì con gái ruột của cô thất lạc nhiều năm đã nhận ra mẹ và đến chùa An Lạc nhận lại tro cốt để đưa về thờ phụng.
Khi mùa dịch cao điểm, Thái Hà tập trung 100% tâm sức cho công việc thiện nguyện. Nay khi năm học bắt đầu, cô giáo Hà vừa giảng dạy vừa hỗ trợ nhóm thiện nguyện. “Tôi cố gắng soạn giáo án đầy đủ và theo đuổi công việc của mình, còn việc thiện nguyện sẽ sắp xếp để thực hiện. Cố gắng ngày nào cũng làm 2 việc cùng một lúc như thế đó” - Thái Hà kể.
Những cô giáo thời dịch đã góp phần giúp thêm bao nhiêu cuộc đời được hồi sinh, đã khiến nghề giáo thêm bội phần cao quý. Rồi đây, hàng trăm hàng nghìn thầy cô giáo sẽ tiếp tục mang trên vai sứ mệnh cao cả trồng người, họ sẽ “trồng” thêm hàng triệu tấm lòng nhân ái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.