Nhạc sĩ Nguyễn Cường thắp hương trên bàn thờ bố mẹ trong một chiều cuối năm. Ảnh: Thanh Hà
Bận rộn trong những ngày cuối năm, không chỉ lo chạy show với nhiều chương trình, sự kiện, nhạc sĩ Nguyễn Cường còn bận rộn khi tự tay mua sắm, trang hoàng lại bàn thờ để chuẩn bị đón Tết.
PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện cởi mở với nhạc sĩ Nguyễn Cường tại nhà riêng trên phố Hàng Bạc để nói về Tết Hà Nội xưa trong ký ức tuổi thơ của anh.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ, đối với người Hà Nội thì mâm cơm tất niên của chiều 30 là điều quan trọng nhất, nhìn vào đó để thấy được nề nếp của người Hà Nội xưa.
Đặc biệt theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, dọn dẹp và bày biện bàn thờ cũng là việc rất quan trọng nhất trong những ngày Tết. Bàn thờ nhà anh, anh luôn tự tay làm. Mua đồ lễ, bày biện cũng một tay anh.
Nhạc sĩ cho hay, năm nào cũng vậy, cứ gần Tết là anh đi chợ hoa Hàng Lược mua một cành đào phai và một cây mai trắng nhỏ để lên bàn thờ. Bởi bố anh ngày còn sống rất thích đào phai và mẹ thì lại thích mai trắng.
“Tôi vẫn nghĩ những ngày Tết là những ngày nghỉ ngơi sum họp gia đình. Đó là ngày không chỉ sum họp với người còn sống mà theo tôi, Tết còn là dịp sum họp cả với người đã khuất, với ông bà, bố mẹ mình”, nhạc sĩ Nguyễn Cường tâm sự.
Khi hỏi anh, Tết Hà Nội xưa như thế nào, anh kể: "Ngày đó mọi người chuẩn bị Tết trước ít nhất 2 tháng, những đồ khô đã được tích trữ bằng tem phiếu, còn lá gói bánh chưng thì được đăng ký trước đó cả tháng.
Và sát Tết, mọi người lấy lá dong về là nhà nào nhà nấy rục rịch rửa lá, gói bánh rồi í ới gọi nhau mang bánh qua tổ hợp tác để luộc, vui lắm. Mỗi nhà được cắt cử một người ra trông bánh của nhà mình và tôi luôn được mẹ cắt cử ra trông bánh.
Tôi vẫn ấn tượng với chợ hoa Hàng Lược. Những năm còn bé, khoảng 3, đến 4 tuổi, tôi vẫn theo chân bố hoặc mẹ lên chợ hoa Hàng Lược để mua và được ngắm hoa. Giờ đây mỗi khi Tết đến là tôi phải đi mấy lần ra chợ hoa Hàng Lược, có nhiều khi đi theo thói quen muốn lên đó ngắm mọi người mua, bán, đứng để cảm nhận không khí Tết đang về chứ không hẳn là lên đó mua hoa.
Đêm 30 sau khi mẹ tôi làm mâm cơm cúng tổ tiên xong, cả nhà tôi thường đi ra Hồ Gươm và thắp hương ở đền Ngọc Sơn, sau đó hái lộc về nhà. Sáng mùng một bao giờ bố tôi cũng mừng tuổi. Bốn anh chị em cùng em gái út mấy tháng tuổi được mẹ bế, xếp hàng ngang háo hức đứng chờ bố lì xì".
Bồi hồi nhớ lại những ngày Tết song nhạc sĩ Nguyễn Cường vẫn tiếc nuối khi không được đốt pháo trong những ngày Tết.
"Tôi vẫn tiếc và hỏi tại sao người ta lại bỏ không cho đốt pháo, bởi đấy là phong tục, một nét văn hóa của ngày Tết. Mặc dù đốt pháo cũng có những bất cấp nào đó, nhưng so với ý nghĩa lớn, bao trùm lên đó là nét văn hóa, là phong tục của người Việt.
Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái háo hức, chờ đợi đêm giao thừa để đốt pháo, khi đồng hồ điểm con số 12, tất cả nhà nhà đều cùng làm một động tác đó là châm ngòi nổ cho pháo. Và ngay sau đó là tiếng pháo rộn ràng, râm ran, vang dội khắp cùng con phố, ngõ hẻm.
Trong mùi pháo thơm, khói bay bảng lảng của sương đêm là lời chúc Tết tới toàn dân của Bác Hồ được vang lên trang nghiêm nhưng cũng thật ấm áp và xúc động. Tôi không bao giờ quên được thời khắc thiêng liêng ấy, nó khiến tôi cảm động và làm bừng cháy trong tôi nhiệt huyết, tình yêu tổ quốc, yêu con người, đất nước Việt Nam", nhạc sĩ nói.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết, bố anh từng là phi công hãng máy bay Pháp, được trả lương khá cao nên nhà anh khá rủng rỉnh, không phải chạy vạy, hay quá thiếu thốn kinh tế. Bố anh đi làm và nuôi cả nhà.
Trên bàn thơ nhà nhạc sĩ Nguyễn Cường không chỉ có di ảnh của bố mẹ anh, mà còn có cả bức tượng phật khá lớn được anh đặt ngay chính giữa. Ảnh: Thanh Hà
Anh kể, nhà anh từng có vài ngôi nhà ở những con phố lớn như Quang Trung, Phan Chu Trinh... Còn mua sắm Tết nhà anh "không thiếu thứ gì".
"Tôi vẫn còn nhớ, bố tôi mừng tuổi cho tôi và tôi thường cùng chúng bạn cầm tiền lì xì ra cột đồng hồ, chỗ bưu điện bây giờ để chơi. Chúng tôi cùng nhau bắt xe điện lên chợ Đồng Xuân, mua đồ linh tinh rồi lại lộn về Hồ Gươm. Những ngày Tết là những ngày tôi được đi chơi xả hơi mà không lo bố mẹ mắng hay bắt về học bài.
Cuộc sống của tôi rủng rỉnh và an nhàn như thế cho đến năm 1953 bố tôi gặp nạn đâm vào núi Sơn Trà, Nha Trang, khi đang lái chuyến bay dân dụng. Bố tôi mất khi tôi vừa tròn 10 tuổi. Tôi vẫn không thể nào quên được cảm giác hôm bố tôi mất. Hôm đó không hiểu sao tôi không ngịch ngợm, chạy nhảy với chúng bạn như mọi khi, mà cứ đứng tần ngần ở một góc riêng, đứng đó lặng lẽ mà không hiểu hôm nay mình làm sao.
Tâm trạng không sao vui được, cho đến khi về đến nhà, thấy trong nhà rất đông các bác, cô, chú rồi mọi người báo tin bố đã mất khi đang lái máy bay. Năm bố tôi mất được cho là biến cố lớn trong gia đình, không chỉ đau buồn cho sự ra đi của bố, mẹ tôi còn rất sốc và ngơ ngác đến tội nghiệp vì không biết phải làm gì để nuôi 5 đứa con lít nhít, đứa lớn 10 tuổi, đứa bé mới 3 tuổi.
Kể từ đó không chỉ Tết, cuộc sống nhà tôi bước vào khó khăn, thiếu thốn. Tôi còn nhớ, cứ đến Tết tôi được mẹ giao cho mang một món đồ mang đi bán để lấy tiền sắm Tết. Có năm tôi mang chiếc đồng hồ đi bán. Chiếc đồng hồ đã được bố tôi mua từ bên Pháp về rất đẹp được mạ vàng, sáng bóng. Tôi cầm trên tay mang đi mà tiếc lắm, khi đến cửa hàng bán đồ, tôi cứ đứng tần ngần mãi mới vào bán", nhạc sĩ nhớ lại.
Sự khó khăn, vất vả đeo bám gia đình nhạc sĩ Nguyễn Cường, cho đến khi anh lớn, anh vào học tại trường Trung cấp Âm nhạc Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - Nhạc viện Hà Nội). Anh cũng có suất tem phiếu như một người trưởng thành, thậm chí còn được ưu tiên hơn vì học ở trường nhạc.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, Tết ngày xưa háo hức, nô nức bao nhiều thì giờ đây Tết đôi khi, thậm chí với nhiều người là gánh nặng, sự mệt mỏi hơn ngày thường. Không những thế, theo vị nhạc sĩ “Đôi mắt Pleiku” thì khoảng cách giữa Tết và ngày thường của bây giờ không khác nhau là mấy.
Nhạc sĩ bày tỏ: "Cuộc sống no đủ hơn khiến mọi người không phải dành dụm, dồn cho Tết. Không khí mua sắm Tết chỉ thể hiện những tuần cuối năm chứ không được chuẩn bị trước cả tháng, 2 tháng như trước. Hơn nữa, phong tục lì xì không còn mang ý nghĩa là mừng tuổi động viên trẻ học giỏi, ngoan ngoãn, lễ phép nữa mà nó đã bị biến tướng khiến trẻ con đôi khi cũng bị ảnh hưởng chuyện phong bì tiền ít và tiền nhiều. Trong khi ngày trước, tiền lì xì rất ít nhưng trẻ con chúng tôi vẫn rất vui và háo hức".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.