Hôm nay Quốc hội quyết việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương

PV Thứ bảy, ngày 30/11/2024 07:16 AM (GMT+7)
Trong ngày làm việc cuối của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Quốc hội sẽ quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Bình luận 0

Theo chương trình làm việc, sáng nay 30/11/2024: Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Tư pháp người chưa thành niên; Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng.

Hôm nay Quốc hội quyết việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; thành lập TP Huế trực thuộc T.Ư - Ảnh 1.

Hôm nay Quốc hội quyết định đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương. Ảnh Media Quốc hội

Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. 

Từ 11 giờ 20, Quốc hội họp riêng biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng. 

Buổi chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. 

Từ 15 giờ 30, Quốc hội họp phiên bế mạc.

Liên quan đến dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam, Chính phủ đã có báo cáo giải trình thêm gửi các đại biểu Quốc hội.

Trong báo cáo, Chính phủ khẳng định việc lựa chọn tốc độ đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện, tổng hợp kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới.

Về lựa chọn tốc độ chạy tàu, Chính phủ cho biết, đối với tốc độ chạy tàu 200-250 km/h phát triển cách đây khoảng 50 năm và phổ biến trong giai đoạn khoảng 25 năm trở về trước, phù hợp với các tuyến ngắn và trung bình. Tốc độ 350 km/h và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới, phù hợp với các tuyến dài từ 800 km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của nước ta.

Chính phủ cũng nêu kinh nghiệm thế giới cho thấy với chiều dài tuyến lớn hơn 800 km thì tốc độ 350 km/h hấp dẫn hơn và có khả năng thu hút lượng hành khách cao hơn so với tốc độ 250 km/h. Theo tính toán của tư vấn, trên chặng Hà Nội - TP.HCM, tốc độ 350 km/h có khả năng thu hút hành khách cao hơn khoảng 12,5% so với tốc độ 250 km/h.

Hôm nay Quốc hội quyết việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; thành lập TP Huế trực thuộc T.Ư - Ảnh 2.

Ảnh mang tính minh hoạ.

Về chi phí đầu tư tốc độ 350 km/h cao hơn tốc độ 250 km/h khoảng 8-9%. Tuy nhiên, nếu đầu tư với tốc độ 250 km/h, việc nâng cấp lên tốc độ 350 km/h là khó khả thi và không hiệu quả. Vì vậy, kiến nghị trong nước lựa chọn tốc độ thiết kế 350 km/h để đáp ứng tiêu chí hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa kinh tế nước ta.

Với ý kiến đại biểu lo lắng dự án hoàn thành không vận tải hàng hóa nặng sẽ dẫn đến lỗ lớn, khó giải quyết được nút thắt về chi phí logistic và không liên vận được với đường sắt quốc tế, Chính phủ cho rằng đường thuỷ và đường sắt hiện hữu sẽ đảm nhận vai trò vận chuyển hàng hoá.

Theo dự báo nhu cầu vận tải đến năm 2050, trên hành lang Bắc - Nam đối với phương thức vận tải đường sắt có nhu cầu vận tải 18,2 triệu tấn/năm. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu sau khi hoàn thành cải tạo nâng cấp và giải phóng năng lực vận tải hành khách thì "nhu cầu trên hoàn toàn đáp ứng được".

Về hiệu quả tài chính, Chính phủ thừa nhận những năm đầu vận hành dự án sẽ thua lỗ. Dự án cũng không thể thu hồi được chi phí đầu tư hạ tầng, nhưng sẽ thu hồi được vốn đầu tư mua sắm tàu với thời gian hoàn vốn 33,61 năm trong điều kiện bình thường.

Chính phủ cho biết thêm, trong quá trình xây dựng dự án sẽ góp phần tăng GDP bình quân của cả nước khoảng 0,97 điểm phần trăm mỗi năm so với kịch bản không đầu tư dự án, trong đó tác động tích cực, trực tiếp đến một số ngành như: xây dựng, sản xuất sản phẩm kim loại...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem