Hơn 126.000 F0 đang điều trị, số ca nguy kịch tăng, Hà Nội đang làm gì?

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 17/02/2022 16:25 PM (GMT+7)
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Hà Nội có hơn 126.000 F0 đang điều trị, trong đó có 4.000 ca nhập viện, số ca nặng, nguy kịch đang tăng.
Bình luận 0

Hà Nội có hơn 126.000 F0 đang điều trị, theo dõi

Ngày 17/2, theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tới hết ngày 16/2, Hà Nội có hơn 126.000 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, có gần 121.400 F0 điều trị tại nhà và 853 ca điều trị tại khu cách ly. Trong số này có 97% bệnh nhân thể nhẹ hoặc không triệu chứng. Hiện có gần 4.000 ca nhập viện, số ca nặng, nguy kịch đang tăng. 

Khoảng 2 tháng qua, Thủ đô luôn dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm trong ngày. Trong số các bệnh nhân nhập viện, có hơn 2.500 ca mức độ trung bình (tăng gần 30% so với trung bình 7 ngày trước); gần 700 ca mức độ nặng, nguy kịch tăng gần 15%; 608 ca thở oxy (tăng 18%); 44 ca phải thở máy xâm lấn (tăng 13%). Số còn lại là bệnh nhân thở HFNC, lọc máu, ECMO...

Hơn 126.000 F0 đang điều trị, Hà Nội có thay đổi chiến dịch chống dịch? - Ảnh 1.

Cụ bà hơn 90 tuổi ở quận Hà Đông, Hà Nội được đội thiện nguyện Nhất Tâm đưa đi bệnh viện sau khi nhiễm Covid-19. Ảnh: Phạm Chiểu

Sở Y tế Hà Nội cho biết, số bệnh nhân chuyển tầng được hạn chế tối đa trong nhiều tuần qua. Nhiều ngày gần đây, Hà Nội ghi nhận 15 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày. Lãnh đạo Sở Y tế cho hay, các F0 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ và chưa tiêm vaccine Covid-19.

Hiện nay, tỷ lệ bao phủ vaccine đủ 2 mũi của thành phố với người trên 12 tuổi đã đạt trên 99,5% và đã tiêm bao phủ mũi nhắc lại (mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên) đạt gần 55%. Hà Nội phấn đấu hoàn thành việc tiêm phủ mũi bổ sung, mũi nhắc lại trong quý I/2022.

Hơn 126.000 F0 đang điều trị, Hà Nội có thay đổi chiến dịch chống dịch? - Ảnh 2.

Bệnh nhân Covid-19 được đưa ra xe cứu thương đưa đến bệnh viện điều trị. Ảnh: Phạm Chiểu

Suốt một tháng qua, số ca mắc của Hà Nội chỉ xấp xỉ 3.000 ca/ngày. Tuy nhiên, vài ngày gần đây số ca tăng đột biến từ 3.500 đến xấp xỉ 4.000 ca mỗi ngày. Sở Y tế Hà Nội trước đó cho biết, trong Tết số ca mắc Covid-19 giảm nhẹ, tuy nhiên đây là mức giảm "giả tạo". Số ca mắc tăng cao sau kỳ nghỉ Tết do người dân di chuyển, giao thương nhiều nơi. 

Song, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỉ lệ bệnh nhân nặng, tỉ lệ tử vong vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Hà Nội còn đối mặt nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập khi thời gian tới mở lại một số dịch vụ, ngành nghề như vận tải, du lịch, giao thương quốc tế,... 

Do đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các địa phương phải theo dõi sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để phục hồi, phát triển kinh tế nhưng đảm bảo an ninh y tế. Đặc biệt, theo các chuyên gia, Hà Nội còn nhiều trường hợp xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không khai báo y tế, tự điều trị cách ly tại nhà. 

Tập trung rà soát, Hà Nội tăng cường tiêm vaccine cho đối tượng nguy cơ cao

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã cảnh báo nguy cơ dịch bệnh khi thành phố dần mở cửa trở lại các hoạt động thiết yếu sau Tết. Ông yêu cầu các địa phương, đơn vị phải rà soát kỹ nguyên nhân dịch bệnh gia tăng, đề xuất giải pháp cụ thể để kiềm chế giảm dần số ca từng ngày. Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Phong yêu cầu các địa phương, đơn vị cần thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. 

Hơn 126.000 F0 đang điều trị, Hà Nội có thay đổi chiến dịch chống dịch? - Ảnh 3.

Bình oxy hỗ trợ F0 trở nặng. Ảnh: Phạm Chiểu

Các quận/huyện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phù hợp với tình hình thực tiễn để nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch, đặc biệt công tác tiêm chủng, hạn chế tập trung đông người sau dịp Tết. 

Ngoài ra, qua theo dõi tình hình điều trị trên địa bàn thành phố cho thấy, người bệnh Covid-19 phần lớn là các trường hợp nhẹ và không triệu chứng, các trường hợp tử vong chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ và chưa tiêm vaccine phòng Covid-19. 

Trước tình hình này, Hà Nội đã ban hành văn bản về việc rà soát, tăng cường tiêm vaccine cho đối tượng nguy cơ mắc Covid-19, đặc biệt nhóm người trên 50 tuổi, nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng, tỷ lệ tử vong. UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo các lực lượng tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm vaccine. 

Hơn 126.000 F0 đang điều trị, Hà Nội có thay đổi chiến dịch chống dịch? - Ảnh 4.

Đội thiện nguyện Nhất Tâm hỗ trợ đưa F0 đi bệnh viện sau khi nhiễm Covid-19 chuyển biến nặng. Ảnh: Phạm Chiểu

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc này rất quan trọng nhằm giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ bệnh nặng, giảm tỷ lệ chuyển tầng. Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, theo người đứng đầu ngành Y tế Thủ đô, phải có kế hoạch và thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch của Hà Nội hiện nay.

Trong bối cảnh số ca mới liên tục tăng nhanh và mạnh trong khi gần 97% không triệu chứng/nhẹ được quản lý theo dõi sức khoẻ tại nhà và gần 100% dân số tiêm 2 mũi vaccine, ưu tiên trọng tâm của TP là bảo vệ, quản lý người nguy cơ cao (cao tuổi, bệnh nền, chưa được tiêm vaccine) mắc Covid-19, rà soát người nguy cơ cao chưa tiêm vaccine là cần thiết.

Ngày 17/2, trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết, thời gian qua, đơn vị thông báo tuyên truyền với mong muốn 100% người dân đực tiêm vaccine, thực hiện tiêm cho người có nguy cơ cao ngay tại nhà. Hiện còn khoảng 130 trường hợp trên địa bàn quận gia đình không tiêm bởi có cụ già yếu, thứ 2 có trường hợp không muốn tiêm. 

"Dịch Covid-19 trên địa bàn quận Đống Đa cơ bản được kiểm soát, chúng ta thực hiện mở cửa nên số ca mắc có tăng cao, trung bình ngày quận Đống Đa có gần 200 ca. Hiện cơ sở thu dung hơn 600 giường bệnh tại Ký túc xá Đại học Thuỷ Lợi sắp phải trả lại để sinh viên lưu trú. Chúng tôi đang tính liên hệ, chuyển số bệnh nhân tại đây xuống cơ sở điều trị, khu thu dung Đền Lừ, quận Hoàng Mai", lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Đống Đa thông tin.

Tại quận Hai Bà Trưng, chính quyền đã yêu cầu 18 phường trên địa bàn lập danh sách nhóm người cao tuổi, bệnh nền có nguy cơ cao để thường xuyên theo dõi và thăm khám thường xuyên. Trung bình mỗi phường có từ 300 - 500 người có nguy cơ cao. 

Tương tự, tại quận Nam Từ Liêm, lãnh đạo Trung tâmy tế quận cho biết, qua rà soát có gần 500 người nguy cơ cao chưa tiêm vaccine. Các lực lượng từng phường đã đến tận nhà tiêm vaccine cho người dân, đến nay còn hơn 50 trường hợp không thể tiêm được do tuổi quá cao (trên 90 tuổi), bệnh nền quá nặng…

Sở Y tế Hà Nội tiếp tục khuyến cáo người dân khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm Covid-19 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19, hoặc liên hệ với CDC Hà Nội qua số điện thoại (0969.082.115 hoặc 0949.396.115) để được tư vấn.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem