Hơn 2.000 tỷ xóa khoảng cách giáo dục giữa ngoại thành - nội thành

Quốc Hải Thứ tư, ngày 11/06/2014 10:35 AM (GMT+7)
Các giải pháp mà TP.HCM đã triển khai nhằm đưa ngành giáo dục đào tạo khu vực ngoại thành đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, thu ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa khu vực nội và ngoại thành đã bắt đầu thu quả ngọt. 
Bình luận 0

Nhiệm vụ chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo (GDĐT) trên địa bàn TP.HCM trong những năm qua được lãnh đạo và các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Trước hết được thể hiện từ con số tổng chi kinh phí cho công tác GDĐT hàng năm khoảng 21% từ ngân sách thành phố; số chi tuyệt đối hằng năm cho ngành giáo dục cũng tăng cao, đặc biệt là các huyện khu vực ngoại thành.

Hơn 2.000 tỷ cho giáo dục

Quay ngược thời gian trở lại 5 năm trước, trên địa bàn 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ), trường lớp hầu hết chỉ là kết cấu cấp 4, quy mô nhỏ, xuống cấp, nhiều cơ sở phụ; số trường đạt chuẩn quốc gia tổng cộng chỉ có 27 trường từ bậc mầm non đến trung học cơ sở. Thế nhưng, chỉ sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, số trường đạt chuẩn quốc gia tăng lên 89 trường, số trường được xây mới là 60 với quy mô hiện đại, được trang bị đầy đủ thiết bị học tập đạt chuẩn với tổng kinh phí hơn 2.171 tỷ đồng.

Do có sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở vật chất nên số lượng và chất lượng giáo dục tăng đáng kể ở tất cả các bậc học. Chẳng hạn, về phát triển số lượng học sinh: Ở bậc học mầm non tăng 122%, tiểu học tăng 128% và THCS tăng 120%. Về chất lượng đào tạo, các huyện đều có tỷ lệ học sinh khá giỏi bậc trung học đạt trên 85%, bậc THCS đạt trên 75%. Đặc biệt, tỷ lệ tốt nghiệp THPT các huyện hàng năm đều duy trì ở mức 97 - 99%; tỷ lệ đậu ĐH, CĐ hàng năm của các huyện cũng đạt hàng nghìn em; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn từng bậc học cũng đạt trên 65% ở tất cả các huyện.

Được biết, ngoài việc đầu tư xây dựng thêm trường lớp, trong thời gian tới, UBND TP.HCM tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa giáo dục, xây dựng hệ thống trường lớp của nhiều cấp học, ngành học để bảo đảm nhu cầu học tập của con em thành phố.
Đánh giá về những thành quả trên, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết: “Giáo dục vùng ven có được thành quả trên là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, UBND TP.HCM, Ban chỉ đạo nông thôn mới thành phố và các quận huyện. Mục tiêu của xây dựng phát triển giáo dục vùng ven không chỉ để rút ngắn khoảng cách giữa chất lượng giáo dục khu vực nội và ngoại thành mà bên cạnh đó còn nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân khu vực này”.

 

Để giáo dục vùng ven“được học” và “học được”

Theo quyết tâm của ngành giáo dục vùng ven, trong thời gian tới ngành giáo dục các huyện sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, chọn việc căn bản để đổi mới GDĐT là quan tâm đầu tư đến đội ngũ cán bộ, giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, phương pháp tốt, trình độ chuyên môn tốt. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng học tập, xây dựng mô hình đào tạo chất lượng cao, xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ nhu cầu học tập.

Ông Nguyễn Trung Khánh - Trưởng phòng GDĐT huyện Nhà Bè cho biết: “Hàng năm, có khoảng 400 học sinh tốt nghiệp THCS ở thị trấn Nhà Bè và xã Phú Xuân, do không có trường THPT nên các em phải qua Trường THPT Ngô Quyền (quận 7), hoặc một số em phải đi xa hơn đến Trường THPT Phước Kiểng để học. Với mục tiêu phát triển nông thôn mới, huyện đã xây mới Trường THPT Nhà Bè, tháng 8 này sẽ đi vào hoạt động”. Người dân cũng rất hân hoan trước sự đổi mới của nền giáo dục huyện nhà. Chị Nguyễn Thị Lan (ở xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè), vui mừng: “So với 5 năm về trước, trường lớp ở trên địa bàn đã nhiều hơn, khang trang hơn như: Trường THCS Lê Văn Hưu, THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS Hai Bà Trưng và sắp tới có thêm Trường THPT Nhà Bè. Mấy đứa cháu của tôi có điều kiện học hành đàng hoàng, lại gần nhà, chúng tôi phấn khởi lắm...”.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết: “Lãnh đạo thành phố đã đặt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở các huyện ngoại thành, nhằm tạo sự đồng đều về chất lượng giữa các khu vực trên địa bàn thành phố.

Giáo dục vùng ven phải phấn đấu đạt mục tiêu: Không chỉ giúp cho con em trên địa bàn tất cả đều “được học” mà còn đạt chất lượng “học được” như những quận trung tâm của khu vực nội thành”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem