Báo cáo của quận 7 và huyện Nhà Bè, địa phương này có hàng chục dự án nhà ở thương mại với hàng chục ngàn căn hộ chưa được cấp sổ hồng. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân tại các chung cư.
Theo đó, tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM tại UBND quận 7, UBND huyện Nhà Bè và các đơn vị liên quan về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) ngày 23/3 vừa qua, ông Lê Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND quận 7 cho biết địa phương có 114 dự án chung cư nhà ở thương mại.
Trong đó, 75 dự án (hơn 30.000 căn hộ) đã được cấp giấy chứng nhận. Số còn lại là 32 dự án (hơn 17.000 căn hộ) chưa được cấp. Đa phần các dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đều được xây dựng từ sau thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến nay.
Ngoài ra, 7 chung cư còn lại (gần 4.400 căn hộ) đã được cấp giấy chứng nhận một phần (1.786 căn hộ). Ông Thành cho biết hiện nay số căn hộ chưa được cấp (2.586 căn hộ) là do đang thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận do chủ đầu tư chia hồ sơ cấp theo đợt.
Về phía huyện Nhà Bè, ông Võ Phan Lê Nguyễn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết từ ngày 1/7/2014 đến nay, huyện này có 21 dự án nhà ở thương mại (căn hộ và nhà ở riêng lẻ) với hơn 12.600 căn. Tính đến thời điểm này đã có hơn 8.800 căn được cấp giấy chứng nhận, còn lại hơn 3.800 căn còn nợ sổ hồng.
Nguyên nhân của việc chậm cấp giấy chứng nhận theo lý giải của lãnh đạo 2 địa phương này chủ yếu là do Nhà nước chưa tính được tiền sử dụng đất để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính. Cạnh đó, một số dự án phát triển nhà ở hiện đang bị điều tra, thanh tra, kiểm tra nên tạm dừng giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai do rà soát quá trình giao đất, chuyển nhượng, góp vốn thực hiện dự án, chuyển mục đích sử dụng đất nên ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy chứng nhận. Điều này cũng khiến cho người dân mua căn hộ tại các dự án này cũng bị "vạ lây".
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân như dự án xây sai thiết kế, chủ đầu tư chậm nộp tiền sử dụng đất hoặc chậm thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận cho cư dân. Cùng với đó, một số dự án đang bị kiểm tra, đề nghị tạm dừng giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai.
Riêng huyện Nhà Bè tồn tại nhiều dự án sử dụng vào mục đích hỗn hợp như làm căn hộ lưu trú (căn hộ cho thuê) hoặc văn phòng kết hợp lưu trú (officetel, condotel, shophouse) nên chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận.
Sớm gỡ vướng để chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất
Liên quan đến nghĩa vụ tài chính, lãnh đạo hai địa phương đều kiến nghị TP sớm gỡ vướng mắc để tạo điều kiện cho chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất làm cơ sở cấp giấy chứng nhận cho người dân. Chỉ tính riêng hai huyện này đã có 17 dự án nằm trong diện này. Nội dung này không chỉ là vướng mắc tại quận 7, huyện Nhà Bè mà còn là vướng mắc chung của rất nhiều dự án trên địa bàn TP.
Lãnh đạo 2 địa phương kiến nghị Hội đồng thẩm định giá đất sớm phê duyệt phương án giá đất để làm cơ sở xác định nghĩa vụ tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư dự án. Đồng thời, TP có biện pháp xử lý, chế tài đối với các chủ đầu tư dự án chậm nộp tiền sử dụng đất, xây dựng chưa đúng với thiết kế được duyệt, chậm thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân mua nhà trong dự án.
Trước thực tế tồn đọng của 2 địa phương trên, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá việc nhiều dự án thương mại chưa được cấp sổ hồng làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân và gây không ít bức xúc.
Chủ tịch HĐND TP đã có những chỉ đạo chung về các vướng mắc tồn đọng trong công tác cấp giấy chứng nhận. Cụ thể, liên quan đến vướng mắc nổi cộm nhất là về việc xác định nghĩa vụ tài chính của 17 dự án, lãnh đạo HĐND TP cho rằng cần phải làm rõ vì sao đến giờ này các ngành chức năng vẫn chưa tham mưu trình UBND TP phê duyệt giá đất để các chủ đầu tư có cơ sở thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Đối với các dự án chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận do xây dựng sai thiết kế, theo bà Lệ, trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư. Bên cạnh đó, cần phải xem lại trách nhiệm của Sở Xây dựng trong quá trình kiểm tra, thanh tra và xử phạt đối với các sai phạm này.
"Đề nghị Thanh tra Sở Xây dựng phải tham mưu cho lãnh đạo sở trong việc xử lý và giải quyết dứt điểm. Sau khi Sở Xây dựng giải quyết xong, Sở TN&MT phải thẩm định, tham mưu phê duyệt giá đất để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính" - bà Lệ chỉ đạo.
Đối với những dự án đang hoặc chưa thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận, bà Lệ cũng đề nghị quận 7 tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư thực hiện quy định của pháp luật, đồng thời đôn đốc Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chủ đầu tư trong việc cấp giấy chứng nhận. Liên quan dự án chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc giao đất cho chủ đầu tư, bà Lệ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm, đeo bám để giải quyết kịp thời.
Thống kê từ năm 2016 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 794 hồ sơ thẩm định giá đất theo giá thị trường để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó, 282 hồ sơ đã trình UBND TP hoặc đã được Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM thông qua.
Sở này cho biết, nếu tính gộp số lượng sổ hồng được cấp trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng số căn hộ đủ điều kiện được cấp sổ hồng là 34.989/37.421 căn, đạt tỷ lệ 93,5%. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thẩm định các dự án đủ điều kiện cấp sổ hồng và hướng dẫn chủ đầu tư để nộp hồ sơ thực hiện. Dự kiến, trong năm 2023, Sở này sẽ nhận hồ sơ gần 23.000 căn nữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.