Tự nguyện hiến tặng
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2011/images/2011-06-01/1436321525-010611-mac.jpg)
|
Vợ chồng ông Trần Điền và bà Lê Thị Tâm kể chuyện mình đăng ký hiến giác mạc. |
Gia đình ông Trần Điền (67 tuổi) và vợ là bà Lê Thị Tâm (68 tuổi) mưu sinh bằng nghề đánh cá ven biển, cuộc sống túng quẫn quanh năm. Nghèo khó là vậy, nhưng năm 2009, khi Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế kêu gọi người dân hiến tặng giác mạc cho người mù, vợ chồng ông Điền lập tức đăng ký. "Lúc đầu, việc làm của vợ chồng tui khiến con cái bất ngờ, nhưng rồi đứa mô cũng hết sức ủng hộ cha mẹ"- ông Điền kể.
Ở gần đó, ông Hoàng Lộc (84 tuổi) và vợ cũng tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc. Ông Lộc bảo, vợ chồng ông làm việc thiện không phải để lấy tiếng hay được khen thưởng này nọ mà là để giúp đỡ những người mù lòa tìm lại ánh sáng. Dù đã ký giấy hiến tặng giác mạc nhưng vợ chồng ông Lộc vẫn cẩn thận chuẩn bị lập di chúc nói rõ việc hiến tặng của mình để sau này con cháu không ngăn cản việc lấy giác mạc của ngành chức năng.
Không chỉ người cao tuổi đăng ký hiến tặng giác mạc mà nhiều người tuổi còn trẻ cũng đăng ký làm việc thiện này. Đơn cử như các anh Lê Công Khoa, Huỳnh Ngọc Hùng… đang ở tuổi trung niên nhưng đã đăng ký hiến tặng giác mạc.
Ông Nguyễn Thanh Thiều - Trưởng thôn Bình An 1, cho biết: Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 80 người dân trong thôn đăng ký hiến giác mạc. Đối tượng hiến tặng gồm cả già và trẻ, nhiều gia đình có đến 5-6 người cùng tham gia hiến tặng.
Thương người như thể thương thân
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2011/images/2011-06-01/1436321525-leftquote.png)
Không chỉ đi đầu trong phong trào hiến tặng giác mạc, thôn Bình An 1 còn là thôn xung kích trong phong trào hiến máu nhân đạo hàng năm. Tinh thần nhân đạo của người dân thôn Bình An 1 rất lớn, hiếm nơi nào có được.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2011/images/2011-06-01/1436321525-rightquote.png)
Ông Bùi Ngọc Ga
Bà Huỳnh Thị Thạnh - người dân trong thôn kể rằng, cuộc sống gia đình bà khó khăn nên không có điều kiện làm từ thiện. Hiến giác mạc cũng là một cách làm từ thiện nên bà cũng như người dân trong thôn đồng loạt tham gia. "Hiến giác mạc là làm theo lời Bác Hồ dạy "thương người như thể thương thân", nên ai đăng ký hiến tặng cũng phấn khởi"- bà Thạnh nói.
Ông Hoàng Tuyến cũng là người đăng ký hiến giác mạc chia sẻ: Qua báo đài, tôi biết hiện nước ta có 300.000 người mù lòa, mỗi năm tăng thêm 15.000 người thuộc diện này nhưng chỉ có 150 người hiến giác mạc.
"Một người hiến giác mạc có thể giúp 4 người mù lòa được sáng mắt, tại sao chúng ta không hiến"- ông Tuyến nói. Quan điểm nhân văn của ông Tuyến đã khiến con cháu trong gia đình và hàng xóm thay đổi cách nghĩ, và thôn Bình An 1 ngày càng có nhiều người đăng ký hiến tặng giác mạc.
Là người còn trẻ tuổi nhưng đã đăng ký hiến giác mạc, anh Lê Công Khoa tâm sự rằng, lúc đầu anh tưởng hiến giác mạc là hiến nguyên con mắt nên rất sợ. Khi hiểu ra hiến giác mạc chỉ là hiến một màng mỏng của mắt nên anh không sợ nữa. "Người ta còn nói nếu hiến giác mạc là khi chết xuống âm phủ sẽ không thấy đường đi. Nhưng tui bỏ qua quan niệm duy tâm này để cứu giúp những người mù lòa"- anh Khoa bộc bạch.
Ông Bùi Ngọc Ga - Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn xã đã có hơn 250 người đăng ký hiến tặng giác mạc. Trong đó, Bình An 1 là thôn có số người hiến giác mạc nhiều nhất. Thành tích của thôn Bình An 1 đã giúp xã Lộc Vĩnh trở thành xã đạt kỷ lục về số người đăng ký hiến tặng giác mạc ở huyện Phú Lộc cũng như tỉnh Thừa Thiên - Huế.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.