Hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng bởi COVID-19: Tết có nên mâm cao cỗ đầy?

Quỳnh An Thứ năm, ngày 11/02/2021 09:55 AM (GMT+7)
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, khiến mức thu nhập của không ít người lao động giảm sút. Vì thế, Tết năm nay trở thành mối lo toan đối với nhiều gia đình.
Bình luận 0

Tết nên giảm thiểu sự phô trương, bày vẽ

Khác với tâm trạng háo hức khi Tết đến Xuân về, năm nay, nhiều gia đình đối diện với muôn vàn nỗi lo vì kinh tế hạn hẹp, không đủ tiền chi tiêu dịp Tết.

img

Mâm cỗ trong ngày Tết chỉ cần thành tâm chứ không cứ phải mâm cao cỗ đầy.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho biết: Mấy năm trở lại đây, xu hướng, bệnh hình thức phô trương của người Việt trong những ngày Tết Nguyên đán quá nhiều.

“Theo tôi, chúng ta nên giảm thiểu sự phô trương bày vẽ, mua sắm mâm cao cỗ đầy, ăn uống linh đình, thừa bứa trong dịp Tết. Giờ thời gian được nghỉ Tết cũng dài ngày nên chúng ta có thể chuyển phần ăn uống cỗ bàn, nhậu nhẹt sang hoạt động khác như: thăm nom bạn bè, người thân”, TS Bình nói.

TS Bình cũng phân tích, trong bối cảnh 31,8 triệu dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì điều đó người dân càng nên tiết kiệm.

“Việc tiêu xài là của mỗi người. Nhưng xét về phương diện đạo lý, chúng ta không nên quá ầm ĩ, phô trương, ăn uống linh đình trong dịp Tết khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều người đang rất khó khăn vì dịch bệnh”, TS Bình chia sẻ.

Ngoài ra, TS Bình cũng cho hay, năm nay dịch COVID-19 lại đang bùng phát, người dân nên hạn chế tụ tập đông người, ăn uống, cỗ bàn để chung tay chống dịch.

Vượt qua nỗi buồn để chung tay đẩy lùi dịch bệnh

Còn PGS.TS Đinh Hồng Hải, giảng viên bộ môn Nhân học Văn hóa, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, dịch COVID-19 ở Việt Nam đang rất nguy hiểm, mức độ lây nhiễm rất nhanh. Trên thực tế các cơ quan quản lý đang làm hết sức để chống dịch, nhưng nếu như không có sự hợp tác của người dân thì không dập được dịch bệnh.

Tháng 10/2020, Tổng cục thống kê cho biết, trong 9 tháng đầu năm, dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường việc làm cả nước. Có 31,8 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (mất việc, phải giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập).

Theo TS Hải, để giúp cho tuyến đầu hoàn thành công việc thì tất cả người dân phải có ý thức, những việc thiết yếu, quan trọng trong ngày Tết thì làm, còn không cần thiết thì nên bỏ qua. Tết đến xuân về, người dân có mâm cỗ, quây quần bên gia đình là truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam.Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh đang bùng phát, mọi người không nên tụ tập ăn uống, mâm cao cỗ đầy để gây hại cho bản thân, gia đình và xã hội.

“Tết năm nay, chúng ta hãy chịu khó vượt qua nỗi buồn vì thiếu đi không khí Tết, thiếu đi sắc xuân để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Chỉ cần 1 vài người thiếu ý thức chắc chắc dịch sẽ bùng phát mạnh hơn nữa, đến mức các cơ quan thực thi nhiệm vụ chống dịch quá tải, quá sức của họ thì chúng ta đành bất lực”, TS Hải nói.

Ông Dương Trung Quốc – Đại biểu Quốc hội (Đồng Nai) cho hay, Tết là sum vầy là đoàn viên nhưng năm nay dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên người dân phải biết hy sinh hôm nay để có một cuộc sống tốt đẹp, lâu dài hơn.

Người dân quan niệm Tết là phải mâm cao cỗ đầy, ông Quốc cho rằng, mâm cao cỗ đầy hay không là một cách nhận thức của mỗi người. Dịch COVID-19 không chỉ đe doạ, phá vỡ đời sống bình thường mà còn tác động vào sinh mạng người dân.

Theo ông Quốc, trong bối cảnh dịch COVID-19 làm cho nền kinh tế khó khăn hơn, mức thu nhập của người dân sẽ eo hẹp hơn, từ đó người ta sẽ căn cơ hơn trong việc chi tiêu nên mình cũng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy trong những ngày Tết, mình có thể tối giản hơn. Một trong những biểu hiện cụ thể là thành tâm chứ không cứ phải mâm cao cỗ đầy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem