Hôm nay (19/10), 7 tỉnh, thành khu vực Nam sông Hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang và TP Cần Thơ tổ chức họp trực tuyến tập trung phần lớn bàn về các giải pháp giải quyết việc làm cho lao động về quê từ TP.HCM, Bình Dương.
Tại cuộc họp, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, Kiên Giang đón khoảng 50.000 lao động về quê (tổng số lao động của tỉnh Kiên Giang đi làm ăn xa hơn 100.000 người).
Lực lượng này có hoàn cảnh khó khăn, nếu sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát không trở lại TP.HCM, Bình Dương làm việc thì tỉnh Cà Mau phải hỗ trợ tìm việc làm cho người dân.
Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho hay, các tỉnh, thành phố khác trong khu vực Nam sông Hậu có lượng người dân trở về từ TP.HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ rất lớn, đây là nguồn lao động dồi dào, cơ bản đã qua đào tạo và có kinh nghiệm.
Để tạo việc làm cho người dân, theo ông Thiều, các địa phương cần sự hợp tác trong thu hút lao động. Trước mắt là tạo thuận tiện cho người dân đi lại, sau đó là liên kết vùng trong lao động.
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm tại các địa phương, tổ chức thường xuyên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến trong khu vực để kịp thời cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Tại Cà Mau, từ ngày 1/10 đến nay, đã tiếp nhận trên 31.000 lao động về quê. Để giải quyết việc làm cho người dân trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau đang thu nhập thông tin những người có nhu cầu lao động tại địa phương để tư vấn, giới thiệu việc làm cho phù hợp. Đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp uy tín, tham gia các hoạt động tuyển dụng.
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thì cho hay, theo Cục việc làm (Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội) thống kê, nhu cầu tuyển dụng lao động của 7 địa phương Nam sông Hậu từ nay đến cuối năm có đến 45.000 lao động.
Cũng theo ông Trường, hiện nay, các doanh nghiệp ngành may công nghiệp và may mặc cần ngay 10.000 lao động, đây cũng là cơ hội cho các tỉnh Nam sông Hậu.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), từ 1/10, khi TP.HCM gỡ bỏ giãn cách, người lao động từ các TP.HCM và Bình Dương đã quay trở về miền Tây rất nhiều.
Tổng số lao động trở về quê trong những ngày qua hơn 350.000 người, trong đó các tỉnh nhiều như Sóc Trăng hơn 50.000, An Giang 37.100, Đồng Tháp 25.000… Trong số đó, tỷ lệ chưa tiêm vaccine chiếm 40%.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, các địa phương cần chính sách hỗ trợ từ trung ương về đào tạo cho người lao động quay trở về địa phương. Số lao động này sẽ là gánh nặng nếu như không có việc làm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.