Hơn 400 cỗ máy xuất hiện, người dân một huyện của tỉnh Thái Bình có động lực tích tụ đất, không bỏ ruộng hoang
Hơn 400 cỗ máy xuất hiện, người dân một huyện của tỉnh Thái Bình có động lực tích tụ đất, không bỏ ruộng hoang
Chủ nhật, ngày 14/07/2024 14:51 PM (GMT+7)
Để bảo đảm tiến độ sản xuất vụ lúa mùa diễn ra đúng khung lịch thời vụ, ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, huyện Kiến Xương (Thái Bình) đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền người dân khẩn trương tiến hành làm đất, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho sản xuất vụ mùa.
Ông Vũ Quang Thế, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Vũ An cho biết: Ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, HTX đã tuyên truyền người dân làm đất, vệ sinh đồng ruộng, giao cho các thôn hợp đồng cụ thể với các chủ máy làm đất.
Ngay sau đó tiến hành tập huấn cho gần 300 nông dân của 5 thôn về việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh và sử dụng phân bón hữu cơ “3 trong 1” để diệt ốc bươu vàng, cải tạo đất và xử lý cỏ dại, hạn chế tối đa hiện tượng lúa bị ngộ độc nghẹt rễ sau cấy. Chủ động điều tiết nước để phục vụ công đoạn làm đất, cứ làm đất xong đến đâu tuyên truyền bà con cấy đến đó cho kịp thời vụ.
Do đó, từ ngày 8/7 người dân trong xã đã bắt đầu cấy, đến hết ngày 11/7 đã cấy được khoảng 65/205ha. Điểm mới của năm nay là giá thóc tăng cao nên người dân tích cực ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, giảm ruộng bỏ hoang. Ngoài 30% diện tích được cấy bằng máy, bà con nông dân đã tranh thủ cấy vào chiều tối và đêm để tránh thời tiết nắng nóng.
Tại cánh đồng thôn Đô Lương, ông Phạm Thanh Hải trao đổi: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi cấy 25 mẫu, chủ yếu giống Đài thơm. Để hoàn thành diện tích này, ngay sau khi thu hoạch xong vụ lúa xuân tôi đã sớm thuê máy làm đất và thuê máy cấy từ ngày 12/7 để phấn đấu cấy xong trước ngày 20/7. Mặc dù cấy nhiều nhưng gần như tôi không phải làm gì, thuê khoán khâu làm đất với giá 125.000 đồng/sào, mạ khay cấy máy với giá 230.000 đồng/sào nên chỉ việc ra nhận ruộng và chờ tới ngày chăm sóc lúa.
Ông Nguyễn Văn Trứ, thôn Đô Lương cho biết: Từ năm 2020, tôi đã mua máy cấy nhỏ để cấy trên 1 mẫu ruộng của nhà và cấy thuê khoảng 45 mẫu/vụ. Để bảo đảm đủ diện tích này tôi đã gieo 5.000 khay mạ vừa để cấy vừa để bán mạ. Cứ có ruộng đến đâu tôi đưa máy xuống cấy tới đó, bình quân mỗi ngày tôi cấy được 3 mẫu, phấn đấu tới ngày 20/7 sẽ cấy xong toàn bộ diện tích cho bà con.
Vụ mùa năm nay, xã Vũ Ninh gieo cấy gần 290ha chủ yếu là các giống lúa BC15, BC20, Đài thơm, nếp các loại. Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Vũ Ninh khẳng định: Điểm mới của vụ mùa năm nay là có 30% diện tích được cấy bằng máy, tăng 20% so với vụ mùa năm ngoái. Lý do tăng là do người dân vận dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh để mua máy mới đồng thời thấy được tác dụng của việc cấy máy góp phần tiết kiệm chi phí, ngày công, giảm diện tích gieo vãi.
Theo tính toán, nếu cấy tay người dân phải thuê với giá 300.000 đồng/sào lại chưa có mạ còn cấy máy đã gồm cả mạ và công cấy chi phí chỉ hết từ 270 - 285.000 đồng/sào. Vì thế, ngoài 5 máy cấy trong xã, người dân còn thuê thêm máy cấy ở xã khác cho kịp thời vụ.
Bà Vũ Thị Tuyết, thôn Nam Sơn chia sẻ: Do nhà không có người làm ruộng nên trước đây chúng tôi thường gieo sạ dẫn đến tình trạng lúa cỏ, gieo xong lúa ngập úng chết, phải gieo lại nhiều lần vừa tốn công vừa tốn chi phí. Chính những bài học đó nên vụ mùa này tôi đã chuyển hẳn sang cấy máy, phấn đấu xong trước ngày 13/7.
Tại cánh đồng thôn Đại Đồng, ông Vũ Đình Thoại cho biết: Năm nay là năm đầu tiên tôi đầu tư mua máy cấy to nên ngoài 20 mẫu ruộng của nhà, tôi còn cấy thuê trên 40 mẫu cho bà con. Từ ngày 7/7 tôi bắt đầu đưa máy xuống đồng, làm liên tục từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối. Cứ 6 người thay nhau ngồi máy, chuyển mạ bình quân mỗi ngày nhà tôi cấy được 15 mẫu. Cấy xong từ 2 - 3 ngày sẽ bón đạm, sau đó từ 7 - 10 ngày bón thúc để lúa có đà sinh trưởng, phát triển tốt.
Đến thời điểm này, các địa phương trong huyện đang bước vào thời kỳ cao điểm gieo cấy vụ lúa mùa. Điểm nổi bật là số lượng máy móc phục vụ sản xuất vụ mùa tăng nhanh, trong đó máy cấy đã xuất hiện ở tất cả các xã trên địa bàn huyện. Toàn huyện có hơn gần 1.000 máy làm đất, trên 430 máy cấy nên khâu làm đất đã được cơ giới hóa 100%, hơn 40% diện tích được cấy bằng máy. Kết quả đó không chỉ đẩy nhanh tiến độ sản xuất mùa vụ mà còn giảm diện tích ruộng bỏ hoang, tăng diện tích ruộng đất tích tụ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.