Hơn 48.000 tấn chất thải rắn phát sinh mỗi ngày, làm gì để biến rác thành "tài nguyên quý", giảm tác động đến môi trường?

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 12/07/2024 13:27 PM (GMT+7)
Năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh tại các đô thị khoảng 26.100 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 22.400 tấn/ngày. Trong khi đó, ở khu vực thành thị 5-10% chất thải rắn sinh hoạt không được thu gom và ở các vùng nông thôn 30-45%.
Bình luận 0

Thông tin này được ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chính sách, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết tại Hội thảo "Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Chính sách và thực thi", tổ chức tại Quảng Ninh, sáng 12/7.

Hơn 48.000 tấn chất thải rắn phát sinh mỗi ngày

Theo ông Dung, quản lý chất thải rắn hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại.

Theo thống kê, giai đoạn 2016-2021, ước tính lượng CTRSH phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10 - 16 % mỗi năm. Năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 26.100 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 22.400 tấn/ngày. Trong khi đó, ở khu vực thành thị, vẫn còn khoảng 5-10% chất thải rắn sinh hoạt không được thu gom, và ở các vùng nông thôn, tỷ lệ này khoảng 30-45%. Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng 10% lượng chất thải nguy hại hiện vẫn chưa được thu gom, xử lý.

Hơn 48.000 tấn chất thải rắn phát sinh mỗi ngày, làm gì để biến rác thành "tài nguyên quý", giảm tác động đến môi trường?- Ảnh 1.

Ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện chính sách, Tài nguyên và Môi trường cho biết, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 26.100 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 22.400 tấn/ngày.

Đồng thời, việc xử lý chất thải rắn hiện nay vẫn còn khá nhiều hạn chế; việc áp dụng các công nghệ xử lý tiên tiến, đặc biệt là công nghệ biến chất thải thành năng lượng, vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ông Dung cho hay, kể từ năm 2020, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Điều 142) và trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020. Các quy định pháp luật này đã thể chế hóa các yếu tố kinh tế tuần hoàn đối với quản lý chất thải như: Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phân loại chất thải rắn sinh hoạt, định giá thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo lượng; quy định trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì...

Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ, sau khi được phê duyệt, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ tiến hành triển khai thực hiện tại các địa phương trên cả nước. Điều này sẽ giúp cho công tác thực thi bảo vệ môi trường được tốt hơn cũng như thúc đẩy các ngành kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Hơn 48.000 tấn chất thải rắn phát sinh mỗi ngày, làm gì để biến rác thành "tài nguyên quý", giảm tác động đến môi trường?- Ảnh 2.

Mô hình “Gửi rác - Rút tiền” được Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh triển khai hiệu quả từ tháng 4/2022 đến nay.

"Thay vì tiêu hủy có thể xử lý CTRSH theo hướng tuần hoàn"

Để quản lý chất thải rắn trong quá trình chuyển đổi tuần hoàn, ông Lê Anh Vũ, Cán bộ Quản lý chương trình Hanns Seidel Foundation (HSF) Việt Nam cho rằng, thay vì tiêu hủy, xử lý chất thải thì có thể áp dụng những phương pháp mang tính tuần hoàn, các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải được coi là những biện pháp hữu hiệu để giảm khối lượng rác thải phải chôn lấp, từ đó tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, giảm các nguy cơ về môi trường.

Theo ông Vũ, việc sử dụng tầm quan trọng của tính tuần hoàn để thúc đẩy sự đổi mới trong công nghệ quản lý chất thải rắn. Với các biện pháp khuyến khích phù hợp, đầu tư vào các giải pháp xử lý rác thải bền vững và tăng cường khả năng kỹ thuật số cũng như cung cấp hỗ trợ cho các nhà khoa học. Điều này sẽ cần sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân, học thuật cũng như các cấp địa phương.

Hơn 48.000 tấn chất thải rắn phát sinh mỗi ngày, làm gì để biến rác thành "tài nguyên quý", giảm tác động đến môi trường?- Ảnh 3.

Theo ông Lê Anh Vũ, Cán bộ Quản lý chương trình Hanns Seidel Foundation (HSF) Việt Nam cho rằng, thay vì tiêu hủy, xử lý chất thải thì có thể áp dụng những phương pháp mang tính tuần hoàn.

Còn theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, các mô hình kinh tế tuần hoàn xử lý rác thải sinh hoạt tại Hà Nội và Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc phát hiện những vấn đề liên quan đến RTNGT.

Qua các mô hình này, bà Lý cho biết, việc phân loại, thu gom rác tái chế tại nguồn đã làm thay đổi một thói quen, một hành vi cố hữu, hình thành nếp văn hóa mới đối với rác thải. Điều này không đơn giản là tự nguyện, tuyên truyền mà đòi hỏi các yếu tố kỹ thuật tạo ra các nền tảng mang tính hạ tầng toàn diện. Phân loại, thu gom tại nguồn là một khâu trọng yếu trong cả một chuỗi mắt xích, vì vậy chuỗi mắt xích phải được xây dựng trước. 

Tuy nhiên, rào cản về nhận thức còn tồn tại rất lớn như nhận thức về phí quản lý rác thải và tuân thủ Luật BVMT của người dân có nhiều khác biệt và hạn chế. Thói quen của các hộ gia đình là tất cả các thứ không dùng được, thải bỏ trong vòng 24h đều cho vào một túi rác. Các túi này thường là túi ni lông thải bỏ hoặc túi rác bán sẵn, đến giờ đổ rác, các hộ mang ra nơi quy định.

Bên cạnh đó, người dân mặc định dịch vụ thu gom các túi rác và làm đường phố sạch đẹp là công việc của công nhân vệ sinh môi trường. Phí thu gom rác thải 15 nghìn đồng/nhân khẩu/tháng, được coi là nguồn chính để đảm bảo ngân sách cho quản lý rác thải sinh hoạt. Đa phần người dân, các hộ gia đình, sau khi đóng phí cố định này thì mặc định sẽ coi là mình đã hoàn thành trách nhiệm và không quan tâm đến các công việc liên quan tiếp theo của rác thải, họ cho rằng việc quản lý và xử lý rác thải là công việc của các cơ quan nhà nước.

Hơn 48.000 tấn chất thải rắn phát sinh mỗi ngày, làm gì để biến rác thành "tài nguyên quý", giảm tác động đến môi trường?- Ảnh 4.

Ông Đào Duy Vinh, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội thảo.

Ông Đào Duy Vinh, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều loại khoáng sản có giá trị công nghiệp, quan trọng nhất là than đá chiếm trên 90% trữ lượng của cả nước. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, Nghị quyết số 10 ngày 22/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định mục tiêu: Tỉnh Quảng Ninh sẽ trở thành điển hình trong thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về tiêu chí tài nguyên, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu và Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

‘Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Quảng Ninh xác định đó là cần ưu tiên thực hiện là sớm xây dựng được cơ chế, chính sách thuận lợi để: đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động thu gom, phân loại chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải; coi chất thải là tài nguyên, thực hiện quản lý chặt chẽ và khơi thông biến rác thải thành nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh’, ông Vinh cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem