Có cây cầu xây 7 năm không xong, Quảng Nam lập 5 tổ công tác gỡ khó cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Có cây cầu xây 7 năm không xong, Quảng Nam lập 5 tổ công tác gỡ khó cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Trương Hồng
Thứ sáu, ngày 12/07/2024 10:21 AM (GMT+7)
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhấn mạnh, đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, qua các lần chất vấn đã nói rất nhiều, nhưng quan trọng nhất là giải pháp để tập trung tháo gỡ khó khăn. Việc này không thể nói chung chung, phải cụ thể từng việc.
Ngày 12/7, ghi nhận xung quanh nguồn vốn về tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 ở Quảng Nam, tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã có báo cáo về nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu gồm, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, theo đó tổng nguồn vốn thực hiện 3 chương trình này trong năm 2024 là 3.521 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2024, giải ngân "thấp tèo" chỉ đạt 13,07%
Đến nay, tỉnh đã phân bổ cho các đơn vị, địa phương khoảng 2.830 tỷ đồng. Đến ngày 30/6 đã giải ngân 460 tỷ đồng, đạt 13,07%.
Đối với việc tồn tại vướng mắc chung của 3 chương trình, ông Nguyễn Quang Thử cho biết: "Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân của các chương trình trong những tháng đầu năm vẫn còn rất thấp mới chỉ đạt 13,07% tổng kế hoạch vốn, trong đó nguồn vốn sự nghiệp giải ngân quá chậm, chỉ mới đạt 7% kế hoạch.
Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã phân bổ cho các đơn vị, địa phương khoảng 2.830 tỷ đồng. Đến ngày 30/6 đã giải ngân 460 tỷ đồng, đạt 13,07%. Ảnh: T.H
Nguyên nhân chủ yếu là do, các đơn vị vẫn còn chậm trễ trong hoàn chỉnh thủ tục, nên đến nay vẫn chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao; đa số các địa phương chưa thực hiện việc tăng cường nhân sự từ các phòng, ban chức năng khác thuộc huyện để hỗ trợ cho cơ quan chủ trì thẩm định dự án trong việc thẩm định, trình phê duyệt các dự án đầu tư đảm bảo kịp thời.
Giai đoạn từ năm 2022 đến cuối năm 2023, các địa phương gần như chưa xây dựng tiến độ, kế hoạch chi tiết thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư đối với từng dự án. Đến đầu năm 2024 các địa phương mới triển khai thực hiện và đã phát huy hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành.
Một số đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các nội dung thuộc nhiệm vụ chi của nguồn vốn sự nghiệp còn có nhiều cách hiểu khác về các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh nên dẫn đấn việc chậm triển khai.
Bên cạnh đó, một số địa phương còn vướng trong công tác GPMB. Ngoài ra, đối với các địa phương miền núi thường có hiện tượng sáng nắng chiều mưa dông nên cũng ảnh hướng đến công tác thi công".
Cũng theo ông Nguyễn Quang Thử, ngoài ra, khó khăn nữa là từ ngày 1/1/2024, Luật Đấu thầu mới có hiệu lực thi hành, theo điểm m khoản 1 Điều 23 quy định "Gói thầu thuộc dự toán mua sắp có gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng mới được chỉ định thầu, còn trên 100 triệu đồng trở lên phải đấu thầu".
Do đó, một số nhiệm vụ thuộc nguồn vốn sự nghiệp triển khai năm 2024 có giá trị trên 100 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu theo quy định, đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện của các đơn vị.
Để đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của chương trình, nhằm sớm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra và đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn trong năm 2024, phát huy hiệu quả đầu tư các nguồn vốn.
Ông Nguyễn Quang Thử nhấn mạnh, đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư để phân bổ dứt kế hoạch vốn còn lại trong tháng 7/2024; tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín để thực hiện các nhiệm vụ của dự án, tránh tình trạng phải bổ sung, điều chỉnh dự án nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn và chất lượng dự án. Sớm tổ chức đấu thầu, triển khai GPMB, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ và thi công.
"Tăng cường nhân sự từ các phòng, ban chức năng khác thuộc huyện để hỗ trợ cho cơ quan chủ trì thẩm định dự án trong việc thẩm định, trình phê duyệt các dự án đầu tư đảm bảo kịp thời.
Các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý và chủ đầu tư tăng cường trách nhiệm, tích cực hơn nữa trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện; chủ động xây dựng, đăng ký và cam kết kế hoạch triển khai về tiến độ thi công, giải ngân, nghiệm thu thanh quyết toán của từng chương trình, nhiệm vụ, từng dự án, tiểu dự án theo từng mốc thời gian.
Đẩy nhanh tiến độ thẩm tra, phê duyệt quyết toán các dự án hoàn thành theo quy định; thực hiện thu hồi hoàn ứng kế hoạch vốn đúng thời gian quy định. Trong trường hợp quá hạn thu hồi ứng kế hoạch vốn hoặc không thể thu hồi, chỉ đạo cắt giảm kế hoạch vốn đã giao cho các đơn vị, địa phương tương ứng với số tiền chưa thực hiện hoàn ứng", ông Thử cho biết.
Thành lập 5 tổ công tác để tháo gỡ khó khăn về việc giải ngân các nguồn vốn
Trong khi đó, ông Trần Xuân Vinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho rằng, đến nay cả tỉnh chỉ mới giải ngân khoảng 13%, nằm trong nhóm thấp của cả nước.
"Cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, trong đó có nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, tôi đề nghị chủ đầu tư, sở ban ngành, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem xét trách nhiệm của mình trong việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu đã được thông qua", ông Vinh nhấn mạnh.
Xung quanh việc giải ngân các nguồn vốn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, hiện nay việc giải ngân vốn đầu tư cơ bản rất chậm, đây là một vấn đề lớn, nếu mà không tập trung giải ngân vốn đầu tư xây dựng hết thì xem như xã hội không thể phát triển.
Chính vì vậy, cho nên phải có nhiều biện pháp tập trung quyết liệt. Sắp đến UBND tỉnh sẽ thành lập 5 tổ công tác cho Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trù trì và trực tiếp xuống kiểm tra cụ thể để rồi có giải pháp cho từng công trình cụ thể.
"Bên cạnh đó, cần phải vào cuộc một cách mạnh mẽ thì mới được chứ thế này thì không được. Hiện nay, có nhiều công trình làm rất lâu, có cây cầu làm đến 7 năm không xong, vậy làm sao giải ngân được, đây là một thực tế đang đặt ra.
Riêng đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, qua nhiều lần chất vấn đã nói rất nhiều, nhưng quan trọng nhất là giải pháp nào để tập trung tháo gỡ khó khăn này để quyết liệt hơn trong tương lai.
Trong nay mai, UBND tỉnh sẽ chủ trì một cuộc họp chuyên đề để bàn riêng vấn đề này, sẽ mời tất cả các Bí thư, Chủ tịch các huyện liên quan về chương trình 3 mục tiêu bàn cùng với các sở, ngành để xem lại trách nhiệm thuộc ở đâu để rồi tháo gỡ ở đó.
Việc này mà nói chung chung là không bao giờ được, phải cụ thể từng việc…", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.