Hôn nhân đổ vỡ, người mẹ ngược xuôi tranh quyền nuôi con
Hôn nhân đổ vỡ, người mẹ ngược xuôi tranh quyền nuôi con
Chinh Hoàng
Chủ nhật, ngày 09/07/2023 14:55 PM (GMT+7)
Bà H.Đ.N. (29 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) đã gửi đơn cầu cứu đến Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 7 và các đơn vị liên quan, về việc bà bị tước đoạt quyền nuôi con sau 2 phiên xét xử lần lượt diễn ra tại TAND quận 7 và TAND TP.HCM.
Mở đầu câu chuyện với phóng viên Dân Việt, bà H.Đ.N. xác nhận đã nộp đơn đến TAND Cấp cao TP.HCM, đề nghị giám đốc thẩm vụ án tranh chấp ly hôn, nuôi con chung giữa bà và chồng cũ, là ông Nguyễn Hữu Tài (32 tuổi, quê Đồng Tháp).
Theo bà N., phiên tòa phúc thẩm diễn ra tại TAND TP.HCM vào ngày 28/3/2023, có nhiều điểm chưa thấu tình, đạt lý, khiến bà không thể nuôi con, ảnh hưởng đến tương lai của con bà là bé N.T.T. (5 tuổi).
Âm thầm “bắt cóc” con, không cho gặp
Theo nội dung bản án, bà N. và ông Tài sau một thời gian quen nhau, cả hai tiến đến hôn nhân vào năm 2018. Giấy chứng nhận kết hôn được UBND phường Tân Hưng (quận 7) cấp ngày 2/4/2018. Quá trình chung sống, hai người có con chung là bé N.T.T.
Trước khi xảy ra mâu thuẫn, hai người sống chung cùng với ba mẹ bà N. tại căn nhà trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7, (TP.HCM). Sau 4 năm kết hôn, bà N. và ông Tài có nhiều bất đồng, do khác biệt về tính cách và quan niệm sống, dẫn đến ly thân vào tháng 3/2022. Đỉnh điểm của mâu thuẫn, bà N. nộp đơn ly hôn đến TAND quận 7 vào tháng 7/2022.
Khi biết vợ nộp đơn ly hôn, ông Tài đã âm thầm đến trường mầm non tại quận 7 đưa con gái về nhà người thân ở Tiền Giang sống, không cho bà N. biết địa chỉ cũng như gặp con gái. Nhiều lần bà N. yêu cầu Tài cho biết địa chỉ nhưng không được chấp nhận.
Một thời gian sau, Tài tiếp tục đưa con gái về nhà mẹ ruột ở Đồng Tháp sống. Lúc này, N. mới được đến thăm con gái nhưng vô cùng khó khăn vì bị cản trở, và chỉ được gặp trong vòng 1 tiếng đồng hồ.
Tại phiên sơ thẩm ngày 3/11/2022, TAND quận 7 xét thấy khi N. nộp đơn ly hôn, ông Tài đơn phương dẫn con về Đồng Tháp sống mà không thông báo cho bà N., Việc học và chăm sóc sức khỏe của bé T. tại TP.HCM vì thế mà bị gián đoạn.
Không những thế, bà N. bị Tài cản trở đến thăm con gái, điều này đã được Văn phòng Thừa phát lại Đồng Tháp lập vi bằng chứng minh.
Bên cạnh đó, bà N. có công việc ổn định, chứng minh được thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng. Trước khi về Đồng Tháp, bé T. có thời gian 5 năm sống tại nhà ông bà ngoại trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7) rất đầy đủ, thuận tiện cho việc chăm sóc. Mặc khác, bé T. là con gái nên việc giao cho mẹ chăm sóc sẽ thuận lợi hơn…
Từ những yếu tố trên, TAND quận 7 đã quyết định bé T. sẽ được mẹ là bà H.Đ.N. nuôi dưỡng (không cần ông Tài chu cấp theo nguyện vọng của bà N.).
Bản án sơ thẩm bị “lật ngược”
Cũng theo bà N., tại phiên xét xử sơ thẩm tại TAND quận 7, bà đã được tòa tuyên có quyền nuôi con. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm ở TAND TP.HCM, bà N. cho rằng bản án không công minh, bị “lật ngược”.
Trở lại câu chuyện với bà N., trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm ở TAND quận 7, ông Tài không chấp nhận bản án, và tiếp tục đề nghị giành quyền nuôi con. Tại phiên phúc thẩm do TAND TP.HCM xét xử vào ngày 28/3/2023, bà N. đã bị HĐXX bác quyền nuôi con, mà theo bà có nhiều tình tiết không thấu tình, đạt lý.
Cụ thể, HĐXX cho rằng trong khoảng thời gian từ ngày 8/7/2022 đến ngày 22/7/2022 (thời gian Tài âm thầm “bắt cóc” con về Đồng Tháp), bà N. trải qua một thời gian không chăm con, nên phần nào sẽ không nắm bắt được tâm lý, cũng như giờ giấc sinh hoạt của con.
Việc N. bị Tài cản trở thăm con là do những lần thăm con, N. đều dẫn theo những người lạ mặt. Tài đã chuyển công việc về Đồng Tháp nên thuận lợi chăm sóc con và có nơi ở ổn định… Từ những yếu tố trên, HĐXX TAND TP.HCM đã sửa bản án sơ thẩm và tuyên ông Tài là người được quyền nuôi con.
Mẹ bé T. cho hay từ thời điểm sinh và nuôi con đến gần 5 tuổi, cả gia đình sống ở nhà cha mẹ ruột của bà tại căn nhà trên đường Trần Xuân Soạn. Mọi việc chăm, nuôi con được bà và ông bà ngoại đảm nhận, nên TAND TP.HCM không thể nhận định mẹ không nắm được tâm lý của con.
Trước việc ngăn cản của Tài không cho gặp con gái tại Đồng Tháp, bà N. xác nhận với phóng viên bà phải đi cùng luật sư để được ghi nhận và đảm bảo quyền lợi, chứ không phải người lạ mặt. Luật sư đi cùng có chứng minh được các giấy tờ pháp ý để chứng minh.
Bà N. cho rằng bản án tại phiên tòa phúc thẩm đã tước đoạt nghĩa vụ thiêng liêng là được chăm sóc con của bà. Bà thổ lộ: “Tôi đang bị Tài gây ra rất nhiều trở ngại trong việc thăm con gái. Ông ta chỉ cho tôi gặp con mỗi lần là 1 giờ. Thời gian qua tôi rất nhớ con…”.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, luật sư Huỳnh Thị Hoa, (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho rằng về điều kiện kinh tế để bảo đảm việc nuôi con, cả hai đều chứng minh được điều kiện và thu nhập để chăm sóc cháu N.T.T.
Tuy nhiên, việc giao cháu T. cho mẹ nuôi theo bản án sơ thẩm của TAND quận 7 phù hợp hơn về mọi mặt, bảo đảm điều kiện phát triển tự nhiên và tốt nhất cho cháu. Chị H.Đ.N. hiện đang chứng minh được mức thu nhập thực tế là 40 triệu đồng/tháng, và đang là nhân viên một ngân hàng ở TP.HCM.
Theo luật sư Hoa, bà N. đang cư trú ở quận 7, TP.HCM trong khi cha của cháu T. đang ở tại quê nhà Đồng Tháp, điều kiện về môi trường xã hội, y tế, giáo dục của chị N. về mọi mặt vượt trội hơn so với cha của cháu; đặc thù công việc hiện nay của chị N. có thời gian đưa đón, chăm sóc và gần gũi cháu tốt hơn.
Ngoài ra, cháu T. là bé gái, vài năm sau khi đến tuổi dậy thì, nhu cầu chia sẻ, hướng dẫn, dạy bảo về giới tính sẽ trở nên cấp thiết và sự cận kề của người mẹ là hết sức cần thiết. Luật sư Hoa cho rằng tòa phúc thẩm đã chưa đánh giá toàn diện về mọi mặt trong quá trình nhận định và xét xử vụ án khi bỏ qua yếu tố quan trọng này.
“Hiện nay, bà H.Đ.N. đã gửi đơn yêu cầu xem xét lại vụ án theo trình tự, thủ tục giám đốc thẩm, mong rằng TAND cấp cao sẽ có sự đánh giá toàn diện hơn, khách quan hơn trong quá trình xem xét lại vụ án theo trình tự, thủ tục giám đốc thẩm”, luật sư Hoa nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.