Không thể thiếu rừngTheo các cụ cao niên, ngày xưa rú Trằm có rất nhiều loại cây gỗ quý như lim, gõ, gụ... nhưng nhiều nhất vẫn là dẻ. Ông Trần Đức Vĩnh - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Cây Si, làng Thượng Hòa, cho biết, trước đây rú Trằm là nơi đóng quân của bộ đội ta, người dân dùng cây to để làm hầm trú ẩn cho bộ đội, làm đài quan sát...
Những người dân tham gia bảo vệ rừng ở rú Trằm.
Năm 1972, Mỹ ném bom B52 để phá trận địa pháo của bộ đội ta, rú Trằm tan hoang, không một bóng cây, chẳng khác gì sa mạc. Trước đây, có rú Trằm, mùa nắng hay mùa khô, làng Thượng Hòa chưa bao giờ thiếu nước. Vậy nhưng, sau khi rú mất, liên tục 3 năm giếng nước làng Thượng Hòa khô khốc, phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn nước mới, đi làng khác lấy nước về sinh hoạt. Không có cây, đồi cát rú Trằm bắt đầu có hiện tượng cát bay, cát nhảy, lấp đất, lấp ruộng lúa của người dân... Nhận ra tầm quan trọng của rú Trằm, HTX Thượng Hòa đã huy động nhân lực, kêu gọi đoàn thể cùng nhau chăm sóc, bảo vệ.
Hơn 35 năm nay, sau khi rú Trằm được phục hồi, cuộc sống người dân Thượng Hòa mới êm ấm trở lại. Hiện nay, rú Trằm Thượng Hòa rộng trên 80ha, chủ yếu là cây dẻ, ngoài ra có những loại như tràm bù, gõ, nếp, đài lòn, nhiều cây làm thuốc, là nơi cư trú của nhiều loài chim, thú... Rú Trằm bảo vệ nguồn nước ngầm cung cấp cho 100ha đất sản xuất và nước sinh hoạt cho 580 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu của năm thôn thuộc làng Thượng Hòa .
Giữ rừng bằng hương ước“Để giữ được cánh rừng rộng gần trăm hécta quả thật không đơn giản” - Chủ nhiệm HTX Thượng Hòa Trần Văn Sự nói với tôi như thế. Năm 1975, sau khi có quyết định sẽ tổ chức chăm sóc, bảo vệ rú Trằm, HTX Thượng Hòa đã họp dân, làm một bộ hương ước rõ ràng để xử phạt những người có hành vi xâm hại rú Trằm.
Một trong những điều khoản quan trọng là cứ mỗi lần vi phạm sẽ bị phạt từ 30 -50kg thóc, có thể tăng gấp đôi, gấp ba tùy theo mức độ nặng nhẹ. HTX thu phạt xong sẽ báo cáo minh bạch trước toàn bộ xã viên để xung vào công quỹ. HTX giao cho Hội Cựu chiến binh có trách nhiệm bảo vệ rú Trằm và trả “lương” 1,2 tấn lúa mỗi năm. Ông Sự cho biết, chủ yếu là dựa vào tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình của các bác cựu chiến binh chứ với 1-2 tấn lúa mỗi năm thì thấm vào đâu. Người dân trong làng thì chẳng phải lo, chỉ sợ kẻ xấu bên ngoài quấy phá rú Trằm...
Trước kia, khi hương ước của làng mới lập ra, vẫn có nhiều người chưa biết sợ, vào rú chặt phá nhiều lần, sau khi bị xử phạt gấp đôi, gấp ba, đưa ra giữa làng để giáo dục, dần dần không ai dám đụng đến rú nữa. Khi cần làm cán cuốc, cán rựa, cày, bừa... thì phải xin phép HTX mới được người giữ rừng cho chặt, nhưng cũng chỉ một đôi cành chứ không được nhiều.
Bác Vĩnh cho hay, mỗi ngày chúng tôi cắt cử 2 người trong hội đi giữ rú. Có nhiều người trên 80 tuổi, lại là nữ cựu chiến binh nhưng vẫn hăng hái đi giữ rú. Nhờ nguồn nước ngầm rú Trằm cung cấp nên ở Thượng Hòa có nhiều hộ dân phát triển chăn nuôi, đặc biệt là lập trại cá, cung cấp nguồn cá giống cho nhiều địa phương trong tỉnh, kinh tế nhờ đó đi lên.
Ngọc Vũ (Ngọc Vũ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.