Hợp tác xã giúp nông dân, nông nghiệp vượt qua khủng hoảng

Khương Lực Chủ nhật, ngày 21/02/2021 11:18 AM (GMT+7)
Trao đổi với DANVIET.VN, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, trong lúc khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, đã có hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động và rời bỏ thị trường nhưng hợp tác xã thì không, thậm chí nó lại hoạt động mạnh hơn.
Bình luận 0

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT nhận định, hợp tác xã (HTX) là mô hình kinh tế - xã hội, gắn liền với sứ mệnh của kinh tế hộ. Kinh tế hộ tăng thì HTX mới phát triển được, ngược lại phải có HTX thì kinh tế hộ mới phát triển được.

Hợp tác xã giúp nông dân, nông nghiệp vượt qua khủng hoảng - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT: Chưa có hợp tác xã nào tuyên bố giải thể khi có dịch Covid-19, thậm chí nó lại hoạt động mạnh hơn.

Trong khủng hoảng, HTX hoạt động mạnh hơn

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, rồi các khủng khoảng phi truyền thống diễn ra ngày càng nhiều như: dịch bệnh tả lợn Châu Phi, dịch Covid-19, biến đổi khí hậu..., HTX chính là lựa chọn để giúp cho hộ nông dân, kinh tế địa phương, nông nghiệp vượt qua khủng hoảng.

Trong hai báo cáo gần đây của Liên minh HTX quốc tế, rồi ngay ở Bộ NNPTNT, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT đã có phản ánh, những khủng hoảng phi truyền thống như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, HTX rất quan trọng.  

"Trong lúc khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, chúng ta có hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động hoặc rời bỏ thị trường, nhưng HTX thì không. Chưa có HTX nào tuyên bố giải thể khi có dịch Covid-19, thậm chí nó lại hoạt động mạnh hơn" – ông Thịnh đặt vấn đề.

Trong 3 năm (2017-2020), mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng số lượng HTX ngày càng phát triển, tăng nhanh về quy mô, lợi nhuận. Tính đến hết năm 2020, cả nước có 17.462 HTX so với 11.668 HTX năm 2017, trong đó có 14.635 HTX hoạt động có hiệu quả.

Đáng chú ý, quy mô doanh thu các HTX tăng mạnh, từ mức trung bình 1,6 tỷ đồng/HTX năm 2017 lên 2,4 tỷ đồng năm 2020. Đặc biệt, có HTX có quy mô rất lớn như HTX rau Anh Đào (Lâm Đồng) năm 2020 có doanh thu 210 tỷ đồng. Lợi nhuận trung bình của HTX trước đây vào khoảng 200 triệu đồng, năm 2020 tăng lên 382 triệu/HTX.

Cùng với doanh thu, lợi nhuận tăng, các HTX còn có đóng góp tích cực trong việc liên kết chuỗi giá trị. Số lượng HTX tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng lên 25%. Đây đều là sản phẩm ngon, nổi tiếng. Đến hết 2020, có gần 4.000 HTX tham gia chuỗi giá trị và có 843 HTX sở hữu sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Ông Thịnh cho biết: "Trong giai đoạn dịch Covid-19 xảy ra, đa số hàng hóa lương thực, thực phẩm trên các kệ hàng hay chợ đầu mối… đều do các HTX và tổ nhóm cung cấp ra thị trường. Đi đâu trong dịp Tết, hay mua sắm cũng toàn gặp hàng của HTX".

Xuất hiện nhiều mô hình HTX "uyển chuyển, linh hoạt"

Trong kết quả phát triển của HTX trong những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều dạng mô hình HTX như: mô hình HTX tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mô hình HTX tham gia vào nhiều khâu của chuỗi, hay HTX sở hữu những sàn giao dịch nông sản, HTX ứng phó với biến đổi khí hậu...

Hợp tác xã giúp nông dân, nông nghiệp vượt qua khủng hoảng - Ảnh 2.

Mô hình “Máy cấy 3 trong 1” tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa truyền thống. Ảnh: M. Nhân

"Trong mô hình HTX ứng phó với biến đổi khí hậu, HTX triển khai chỉ đạo, bố trí mùa vụ để né hạn, mặn; ứng dụng công nghệ quan trắc để xuống giống; hay ứng dụng giống cây trồng chống ngập mặn, hạn hán, rồi sử dụng phân vi sinh để hạn chế tác động của thời tiết cực đoan, thoái hóa đất..." – ông Thịnh nêu ví dụ.

Về mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay cả nước đã có 1.718 HTX – vượt hơn 200 HTX so với mục tiêu đến năm 2020 có 1.500 HTX. Cùng với nhà kính, nhà màng, nhiều HTX quan tâm đến công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác theo các tiêu chuẩn cao nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý, HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) đã giúp thành viên nâng cao thu nhập, giảm giá thành sản xuất do áp dụng cơ giới hóa theo hướng tự động hóa 100% trên đồng từ bơm nước, làm đất cho đến thu hoạch trên diện tích hơn 500ha.

Cùng với đó, nhiều HTX đã thành lập doanh nghiệp hoặc liên kết thành lập doanh nghiệp. Trước năm 2016, cả nước có 316 HTX thành lập doanh nghiệp thì đến hết năm 2020 cả nước có 2.312 HTX thành lập doanh nghiệp hoặc liên kết thành lập doanh nghiệp. Đây là con số khá ấn tượng dù khung pháp lý khuyến khích mô hình này chưa rõ ràng, nhất là về vấn đề góp vốn, hình thức liên kết, liên doanh với HTX.

HTX tiếp cận được kinh phí hỗ trợ còn thấp

Thực hiện Quyết định 461/QĐ-TTG ngày 27/4/2018 phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, mức kinh phí đầu tư cho HTX trong 3 năm (2017-2020) đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó 1.800 tỷ đồng hỗ trợ cho các hạ tầng nông thôn.

Kinh phí hỗ trợ này đã có mức tăng mạnh so với giai đoạn 5 năm (2012-2017), cả nước hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp có 1.247 tỷ đồng. Đây là một tín hiệu rất mừng, nhưng tỷ lệ so với các HTX tiếp cận được chính sách thấp. Ví dụ như hỗ trợ hạ tầng 1.800 tỷ đồng, tính ra có trên 700 HTX tiếp cận được. Đây là con số rất nhỏ so với tổng số 17.462 HTX nông nghiệp hiện nay.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem