TS. Lê Đức Thịnh: Nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng giúp trẻ không bị còi cọc, suy dinh dưỡng

Khương Lực Thứ hai, ngày 31/08/2020 16:46 PM (GMT+7)
TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) khẳng định, Việt Nam đã có thành tựu lớn về giảm nghèo và có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp rất đa dạng nên chúng ta cần đẩy lên một bước nữa về nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng. Đây là chương trình nhân văn, được các địa phương rất quan tâm triển khai.
Bình luận 0

PV Dân Việt đã phỏng vấn ông Lê Đức Thịnh về kết quả trong việc triển khai, thực hiện chương trình này?

Thưa ông, qua việc triển khai các dự án điểm về nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tại các địa phương, ông có thể nói rõ về mong muốn và những định hướng triển khai cụ thể?

- Theo Quyết định 712/QĐ-TTg ngày 12/6/2018 về ban hành chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025, các năm từ 2018 đến 2020 là giai đoạn 1 của chương trình. Giai đoạn này tập trung vào 4 vấn đề: Thứ nhất, rà soát lại các cơ chế, chính sách; thứ hai, xây dựng các tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện, đào tạo cán bộ triển khai; thứ ba, xây dựng các mô hình trên cơ sở đó khuyến cáo trong giai đoạn mở rộng về sau; thứ tư là truyền thông.

Nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng giúp trẻ không bị còi cọc, suy dinh dưỡng - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) cho biết: "Việc giảm nghèo ở Việt Nam đã đến giai đoạn đẩy lên thành an ninh dinh dưỡng, phát triển và lan tỏa các mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng".

Nói có 4 nhiệm vụ, nhưng nó được phản ánh đầy đủ trong 3 mô hình điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng được triển khai ở Lào Cai, Quảng Ngãi, Trà Vinh trong năm 2019. Đây là mô hình đầu tiên được triển khai ở 3 vùng và trên thực tế các mô hình này cũng để truyền thông. 

Bên cạnh đó, các tổ chức phi Chính phủ (NGO) như: Trung tâm nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT), Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD)… cũng có những dự án về nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng.

Nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng giúp trẻ không bị còi cọc, suy dinh dưỡng - Ảnh 2.

Cán bộ hướng dẫn người dân triển khai mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tại thôn Pa Láu, xã Pa Láu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái

Từ 3 mô hình ban đầu và thành tựu lớn về giảm nghèo, chúng tôi cho rằng, việc giảm nghèo ở Việt Nam đã đến giai đoạn đẩy lên thành an ninh dinh dưỡng. Rõ ràng chúng ta đã làm giảm nghèo tốt rồi, lại là một nước có tiềm năng về nông nghiệp rất đa dạng, không có cớ gì chúng ta không đẩy nó lên một bước nữa về nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, nhất là cho trẻ em từ lúc có thai cho đến dưới 2 năm tuổi. Đây là giai đoạn quyết định, đặt nền móng ban đầu về thể trạng, trí tuệ.

Như ông vừa nói, Việt Nam cần thúc đẩy lên một bước nữa về an ninh dinh dưỡng, cụ thể là nhân rộng các mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng?

- Phát triển nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng là một yêu cầu chính đáng, Việt Nam có tiềm năng và có thể làm được. Tại sao làm được? Thứ nhất, chúng ta có một hệ thống an sinh xã hội, nhất là các chính sách về giảm nghèo khá quan tâm đến khu vực này.

Thứ hai, tiềm năng của nông nghiệp rất lớn. Bên cạnh sản xuất hàng hóa rất lớn với hơn 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, an ninh lúa gạo đảm bảo vững chắc, chúng ta không có cớ gì lại không phát triển an ninh dinh dưỡng cho chính người dân mình.

Việt Nam vẫn có thể phát triển song hành 2 con đường: Một là các sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới, thậm chí trở thành nước xuất khẩu lớn, có thứ hạng; thứ hai, phát triển những sản phẩm vùng miền, sản phẩm địa phương để phục vụ cho nhu cầu tại chỗ. Những sản phẩm rất tốt như: trứng gà, thậm chí trứng gà 2 lòng, các loại rau, các sản phẩm giàu vitamin…

Việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho sức khỏe cũng như sự phát triển thể chất và nhận thức chỉ có thể thực hiện tối ưu trong thời gian ngắn, đó chính là giai đoạn 1.000 ngày đầu tiên kể từ khi bắt đầu mang thai cho đến 2 tuổi. Do đó, nếu không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng trong giai đoạn này, những tác động đến sự phát triển thể chất, trí não và hình thành vốn nhân lực trên cơ thể trẻ sẽ khó có thể khắc phục.

Thứ ba, chúng ta cần quan tâm đến việc hướng dẫn sử dụng thực phẩm một cách hợp lý. Đây là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Người Việt mình, ai cũng quan tâm đến thế hệ tương lai, câu chuyện của người ta là anh hướng dẫn và cách làm nó như thế nào.

Các địa phương nói đến chuyện làm thế nào để giúp các cháu không bị còi cọc, không bị suy dinh dưỡng, họ nhiệt tình lắm. Người Việt mình, nếu nói vì tương lai con trẻ thì họ rất quan tâm đến bà mẹ, trẻ em, nhất là trẻ dưới 2 tuổi.

Thực tế, Việt Nam đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, mỗi năm xuất khẩu từ 5-7 tấn gạo và giảm nghèo đã đạt được thành tựu lớn. Vậy, mô hình điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng ở đây có thể hiểu là nhằm mục đích giải quyết tình trạng đói về dinh dưỡng đang diễn ra ở một số địa phương?

- Nói đến dinh dưỡng, nó có ba khía cạnh, một là thiếu – người ta hay nói đến tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi; hai là không cân đối, thậm chí là thừa, gây ra béo phì; và ba là an toàn dinh dưỡng.

Nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng giúp trẻ không bị còi cọc, suy dinh dưỡng - Ảnh 4.

Chúng ta cần quan tâm đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em ở thời điểm rất ngắn - từ lúc bà mẹ mang thai cho đến lúc trẻ qua 2 tuổi.

Bây giờ, người dân cơ bản đã ăn đủ no, ít có chuyện đứt bữa. Nhưng chúng ta cần quan tâm đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em ở thời điểm rất ngắn - từ lúc bà mẹ mang thai cho đến lúc trẻ qua 2 tuổi - thì xác suất vượt qua khỏi thể trạng thấp còi, nhiễm độc sẽ cơ bản được giải quyết, chứ không đeo đẳng theo cả chu kỳ như trước kia.

Những đưa trẻ ngày xưa bị suy dinh dưỡng từ bé, đến lúc 11-12 tuổi vẫn thò lò mũi, bị cam. Nhưng nếu đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em qua giai đoạn 2 tuổi thì xác suất để lại những ảnh hưởng trên là rất bé. 

Hiện nay, các nước rất quan tâm tới hệ thống thực phẩm (food system) được đảm bảo bởi 4 yếu tố: sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu dùng. Từ xưa đến nay, chúng ta quan tâm nhiều nhất đến khâu sản xuất và vì thế khả năng cung của ngành nông nghiệp vô cùng tốt, nhưng rất tiếc 3 nhóm bên cạnh là: chế biến, phân phối và tiêu dùng thì chưa được quan tâm nhiều.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT)

Rõ ràng, đây là chương trình rất nhân văn, nó quan tâm ngay từ thể trạng - nền móng ban đầu của con người. Đi theo đó, nếu giải quyết được cái đấy, sau này một loạt vấn đề không phải xử lý như trẻ em bệnh tật, chữa bệnh của bà mẹ và bớt đi gánh nặng về mặt kinh tế - xã hội.

Về an toàn dinh dưỡng, đương nhiên trẻ em mẫn cảm hơn thì chúng ta phải quan tâm nhiều hơn và xã hội mình cũng đang quan tâm đến sản xuất, tiêu dùng an toàn. Từ năm 2011 đến nay, năm nào Bộ NNPTNT cũng lấy an toàn vệ sinh thực phẩm là cái đích cho người dân. Trong chương trình không còn nạn đói, mục tiêu đặt ra là tất cả người dân đều có thể tiếp cận được sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Như ông có nói, giai đoạn 1 triển khai từ năm 2018 đến 2020, vậy trong năm 2020 sẽ có bao nhiêu dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng được triển khai tại các địa phương?

- Năm nay có 19 mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng đang được triển khai tại 11 tỉnh. Với mỗi mô hình, chúng tôi chọn làm ở thôn, bản với mức đầu tư từ 350-500 triệu/dự án. Hoạt động chủ yếu tại các mô hình này là hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho một nhóm hộ nhỏ và thông qua các mô hình điểm này sẽ triển khai đào tạo, tập huấn và truyền thông để cán bộ, người dân địa phương hiểu và biết cách triển khai mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng.

Khi triển khai dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, các địa phương rất quan tâm. Dự kiến, kết thúc giai đoạn 1 vào cuối năm 2020, chúng tôi sẽ rà soát xong các cơ chế, chính sách; ra bộ hướng dẫn và hình thành ở các địa phương về khung cán bộ thực hiện. Vào đầu năm 2021 Chính phủ sẽ họp đánh giá, tổng kết giai đoạn 1 và triển khai giao nhiệm vụ mở rộng ra 28 địa phương trong giai đoạn 2 (2021-2025).

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem