Hợp tác xã - nền tảng phát triển sản xuất sản phẩm OCOP

Ths Ngô Tất Thắng - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Điều hành OCOP Quảng Ninh Thứ năm, ngày 10/07/2014 05:06 AM (GMT+7)
Theo đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) Quảng Ninh đến tháng 6.2014 đã có 14 hợp tác xã (HTX) trong tổng số 26 tổ chức kinh tế tham gia sản xuất 43/65 nhóm sản phẩm, dịch vụ OCOP. Các HTX này đều là HTX nông nghiệp, cho thấy vai trò của HTX trong Chương trình OCOP nói riêng và trong phát triển KTXH nói chung là rất quan trọng.
Bình luận 0

Khung pháp lý đầy đủ, thông thoáng

Sau một thời gian mong đợi, ngày 26.5.2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT hướng dẫn đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của HTX, như vậy, cùng với Luật HTX ngày 20.11.2012; Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21.11.2013 quy định chi tiết một số điều của Luật HTX, khung pháp lý cho HTX ra đời và hoạt động theo Luật HTX 2012 đã đầy đủ và “rất” thông thoáng.

Luật HTX 2012 đã đưa ra rất nhiều điểm mới và thông thoáng về HTX. Bên cạnh yếu tố là tổ chức đối nhân (bình đẳng và dân chủ trong quản lý), HTX được coi như doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Các thành viên tham gia và hoạt động của HTX không giới hạn về địa bàn cũng như lĩnh vực hoạt động. Thành viên HTX là cá nhân, hộ gia đình và cả pháp nhân. Luật còn cho phép các pháp nhân (doanh nghiệp) là các sáng lập viên thành lập nên HTX.

Mối quan hệ với Nhà nước, nhất là chính quyền cơ sở được phân định rõ ràng hơn theo hướng không còn phụ thuộc chỉ đạo về nhân sự, về tổ chức sản xuất kinh doanh (Luật HTX trước đây yêu cầu UBND cấp huyện thẩm định về phương án SXKD...). HTX chỉ báo cáo lần/ năm với cơ quan đăng ký thành lập HTX.

Nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với HTX được tập trung vào công việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về HTX, quản lý về đăng ký HTX, xây dựng kế hoạch và thực hiện hỗ trợ HTX phát triển, chỉ đạo điểm và nhân rộng các mô hình HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả,... Đăng ký HTX được luật quy định rõ thực hiện tại phòng tài chính – kế hoạch cấp huyện.

Các HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ngoài được hưởng các chính sách chung còn được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng về đầu tư kết cấu hạ tầng, về đất đai (được giao đất, cho thuê đất), về tín dụng, về giống, vốn khi gặp khó khăn do thiên tai dịch bệnh và chế biến sản phẩm.

HTX - động lực thúc đẩy nền kinh tế cơ sở

Với khung pháp lý đầy đủ và thông thoáng nêu trên, Chương trình OCOP tập trung vào khuyến khích phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP thông qua tổ chức hợp tác xã còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn hiện nay. Thứ nhất, HTX là một tổ chức để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn bằng các mối quan hệ của các thành viên không hạn chế về địa bàn và pháp nhân. Các thành viên là cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn nông thôn dễ dàng mời gọi đối tác là họ hàng, bạn bè, pháp nhân ở ngoài xã, ngoài huyện, ngoài tỉnh góp vốn hợp tác sản xuất kinh doanh, đồng thời dễ thực hiện việc phân phối, lưu thông sản phẩm ra ngoài địa bàn nông thôn.

Thứ hai, HTX là chủ thể thực hiện phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, theo quy hoạch trên cơ sở khai thác tài nguyên đất đai có sẵn của các thành viên là hộ gia đình, cá nhân nằm trong vùng quy hoạch sản xuất tập trung hoặc trên địa bàn nông thôn.

Hiện nay, UBND tỉnh đã thông qua 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung cấp tỉnh, cấp huyện đã hoàn thành 100% quy hoạch nông thôn mới, trong đó có quy hoạch sản xuất của từng xã. Một số HTX đăng ký tham gia Chương trình OCOP đã lập xong quy hoạch chi tiết vùng (cấp xã, vùng sản xuất tập trung) như HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, HTX Dược liệu xanh Đông Triều, HTX Nông trang Quảng La – Hoành Bồ, HTX Song Lan - Móng Cái... Theo kế hoạch, hội đồng nhân dân tỉnh sẽ thông qua đề xuất của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển vùng sản xuất tại kỳ họp tháng 7.2014. Đây sẽ là chính sách động lực quan trọng cho sản xuất hàng hóa tiến đến sản xuất sản phẩm OCOP đáp ứng về số lượng và chất lượng. Thực hiện tốt nội dung này, các địa phương sẽ giảm được công sức kêu gọi, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thứ ba, HTX tại các địa bàn nông thôn sẽ thu hút và giải quyết được lực lượng lao động tại chỗ thông qua việc tổ chức sản xuất sản phẩm, dịch vụ OCOP cụ thể đã được Chương trình chấp thuận bằng sự hợp tác sản xuất của chính các thành viên là cá nhân, nhất là hộ gia đình trong HTX.

Thứ tư, HTX trở thành chủ nhân công nghệ, sở hữu nhãn hiệu hàng hóa và tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị.

Sau khi được hệ thống OCOP cấp tỉnh phê duyệt danh mục sản phẩm, hướng dẫn lập dự án sản xuất kinh doanh, cấp huyện phê duyệt dự án, các HTX thực hiện ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong sản xuất thông qua việc hỗ trợ ứng dụng KHCN. Quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư cho KHCN theo Quyết định 1562/QĐ-UBND ngày 26.5.2012 đã được UBND tỉnh chỉ đạo cho phép sử dụng nguồn vốn nông thôn mới cho Chương trình OCOP từ ngày 1.2.2014.

Sản phẩm được các HTX tham gia Chương trình OCOP, ngoài được bảo hộ bởi biểu tượng của OCOP sẽ được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và được bảo hộ cùng với tên, biểu tượng của HTX theo Luật HTX 2012 quy định.

Chương trình OCOP tập trung khuyến khích và hỗ trợ các HTX từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ theo hệ thống phân phối của OCOP theo chuỗi giá trị, làm cho các HTX thu lợi ở tất cả các khâu sản xuất, phân phối sản phẩm, tăng thu nhập cho các thành viên HTX...

Việc thực hiện thành lập và hỗ trợ HTX phát triển hết sức có ý nghĩa trong chương trình OCOP nói riêng và phát triển KTXH nói chung, nhất là phát triển kinh tế vùng nông thôn. Với các bước đi theo chu trình đã đề ra, phát triển sản phẩm từ ý tưởng, đến hỗ trợ thành lập HTX và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cho các HTX, Chương trình OCOP đã từng bước xây dựng, hình thành nên các HTX, các dự án và đang thực hiện sản xuất sản phẩm đưa Chương trình OCOP phát triển thành nội dung trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh.

  5 nhóm sản phẩm tham gia OCOP

Trong 6 tháng đầu năm 2014, Ban Điều hành Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với các địa phương trong tỉnh lựa chọn sản phẩm OCOP để chỉ đạo trong năm 2014. Qua sàng lọc, đến nay, các địa phương đã đăng ký thực hiện phát triển 65 sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ, phân loại theo các nhóm: Thực phẩm  - ẩm thực (30 sản phẩm); đồ uống (4 sản phẩm); thảo dược: (16 sản phẩm); trang trí nội thất, lưu niệm: (5 nhóm sản phẩm); dịch vụ (10 mô hình dịch vụ du lịch, lễ hội gắn với truyền thống văn hóa nông nghiệp, nông thôn). Năm nhóm sản phẩm trên cơ bản đủ điều kiện về phát triển thành hàng hóa với sản lượng lớn, các đơn vị sản xuất tập trung vào các doanh nghiệp và HTX. Đến nay đã có 10 doanh nghiệp, 9 HTX, 1 đơn vị sự nghiệp đăng ký tham gia OCOP... Lam Giang

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem