Người mang nghề làm két bạc về cho làng Đại Tự là ông Đỗ Văn Bản, một người con của làng. Ông Bản năm nay gần 70 tuổi. Ông lên Hà Nội lập nghiệp từ những năm 90 của thế kỷ trước và đã học được nghề này.
"Cõng nghề" về làng
Trước khi đem nghề về quê dạy cho bà con, ông Bản đã có nhiều năm mở xưởng làm nghề ở đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) với thương hiệu Két bạc Hà Nội. Ông Bản cho hay, trước kia, nghề làm két bạc "đói" do ít người sử dụng, hiện nay kinh tế phát triển, trộm cắp, cướp giật xảy ra nhiều nên không chỉ các doanh nghiệp mà hầu như nhà nào cũng sắm két sắt để cất giữ, bảo vệ tài sản.
|
Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất két bạc, tủ đựng hồ sơ của anh Nguyễn Bá Chính. |
Năm 1998, ông quyết định đưa nghề về quê, nhận người làng vào làm, rồi dạy nghề cho họ. Từ đó đến nay, ông đã dạy nghề làm két bạc cho hàng trăm người dân thôn Đại Tự, theo cách vừa học, vừa làm. Khi học nghề ở xưởng của ông, họ được trả từ 1 - 2 triệu đồng/tháng tùy theo công việc. Sau khi thạo nghề, ai tiếp tục làm tại xưởng sẽ được trả lương cao hơn, còn có điều kiện thì họ tách ra mở xưởng riêng.
“Nếu dạy nghề cho nhiều người, xưởng sẽ bị giảm lượng khách hàng?” - tôi thắc mắc. Ông Bản cười: "Buôn có bạn, bán có phường. Tôi không sợ mất khách, mà sợ nhất là tay nghề của thợ non làm mất uy tín. Làm tốt thì thương hiệu két bạc thôn Đại Tự càng nổi tiếng, vả lại mình dạy nghề cho bà con chứ ai đâu mà thiệt".
Giàu nhờ… két bạc
Ông Cấn Nhật Tân- Trưởng thôn Đại Tự cho hay, thôn có khoảng 400 khẩu, thì hiện hơn 50 hộ mở xưởng sản xuất két bạc, tủ hồ sơ thu hút gần 2.000 lao động tại thôn và các vùng lân cận, với thu nhập 2-4 triệu đồng/người/tháng. Ở đây, mỗi ngày có hàng nghìn két bạc, tủ hồ sơ được hoàn thiện xuất bán ra thị trường miền Bắc và miền Trung, tổng doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Ông Tân tự hào: "Hầu hết két sắt, tủ đựng hồ sơ bán trên thị trường có xuất xứ ở làng tôi đấy. Từ khi có nghề, làng giàu lên trông thấy, con trẻ được học hành tử tế và không còn tệ nạn xã hội".
Ông Đinh Doãn Lởi - Giám đốc Công ty TNHH TM Việt Đức cho hay: "Tôi sản xuất két bạc đã 9 năm, hiện công ty có gần 100 công nhân, với thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng cơ sở của tôi xuất khoảng 2.000 két, tủ đựng hồ sơ, doanh thu khoảng 6 tỷ đồng mỗi năm".
Từ khi có nghề, làng giàu lên trông thấy, con cái được học hành tử tế và không còn tệ nạn xã hội.
Ông Cấn Nhật Tân - Trưởng thôn Đại Tự
Anh Nguyễn Bá Chính - chủ xưởng Két bạc Hà Nội cho hay, để làm ra một cái két phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cắt tôn, tạo khuôn, hàn ghép, đổ bê tông và khâu cuối cùng là phun sơn.
Theo anh Chính, làm két bạc không khó, tuy nhiên để làm được két tốt, đảm bảo an toàn, ngoài khâu hàn khung thì khâu đổ bê tông cát rất quan trọng. Hiện xưởng anh đang tạo việc làm cho hơn 30 công nhân, trừ chi phí mỗi năm anh lãi gần 1 tỷ đồng.
Năm 2007, làng két bạc Đại Tự đã được công nhận làng nghề. Để có vốn đẩy mạnh sản xuất, Hội ND xã đã giúp nhiều hộ vay vốn và nhiều hộ đã giàu lên nhờ những đồng vốn này. Bây giờ, thôn Đại Tự nhà cao tầng mọc lên san sát, nhiều hộ mua xe hơi, xe tải để chở hàng; 80% đường thôn đã bê tông, nhà văn hóa khang trang...
Theo ông Tân, khó khăn lớn nhất của làng nghề hiện nay là chưa có điểm sản xuất tập trung, thiếu mặt bằng, nên việc mở rộng quy mô sản xuất không thuận lợi và ô nhiễm tiếng ồn là không tránh khỏi. Người dân đang rất mong chính quyền địa phương sớm quy hoạch khu làng nghề để giải quyết những khó khăn này.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.