Hốt hoảng khi thấy con vài tuổi đã lớn ngực, mọc râu

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 06/06/2020 04:55 AM (GMT+7)
Trẻ mới 4-5 tuổi, thậm chí vài tháng tuổi mà con gái đã có kinh nguyệt, ngực lớn, con trai đã có ria mép, giọng ồm ồm... là những biểu hiện thường thấy ở những đứa trẻ đi khám dậy thì sớm tại Bệnh viện Nhi T.Ư.
Bình luận 0

Hốt hoảng vì con... lớn nhanh

Chị M.H (Hà Đông) đưa con Đ.T (sinh tháng 10 năm 2012) đến Bệnh viện Nhi T.Ư để khám. Chị cho biết, từ sau Tết, chị đã nhận thấy con gái mình có những "dấu hiệu lạ" khi cháu mới hơn 7 tuổi mà đã có dấu hiệu "lớn ngực" ở những thiếu nữ bắt đầu dậy thì. Con nhỏ, thấy đau nhức ngực thì rất sợ hãi, còn chị cũng lo lắng. Tuy nhiên, do e ngại dịch Covid-19 nên đến giờ chị mới đưa con đi khám.

Tại buổi khám bệnh ngày 4/6, qua quan sát, chúng tôi thấy bé T không có dáng vẻ phổng phao mà còn gày gò hơn các bạn cũng lứa. Nhưng trông cháu hơi ỉu xìu, không vui vẻ, vô tư như lứa tuổi cần có.

Hốt hoảng khi thấy con vài tuổi đã lớn ngực, mọc râu - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh tư vấn điều trị cho mẹ con chị M.H. Ảnh Diệu Linh

Sau khi làm các xét nghiệm đo xương, siêu âm tử cung, buồng trứng..., bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, bác cho biết, cháu T có dấu hiệu dậy thì sớm khi cháu mới 7 tuổi 8 tháng nhưng xương đã ở tuổi 11. Tuy nhiên, cháu mới chớm có các dấu hiệu dậy thì khi ngực bắt đầu phát triển chứ chưa có kinh nguyệt, tử cung cũng chưa phát triển. 

 Bác sĩ Khánh đã tư vấn cho chị H về việc nên hay không nên điều trị tiêm hoóc môn kiềm chế giai đoạn dậy thì cho con. "Chúng tôi chỉ chỉ định điều trị đối với các trường hợp dậy thì sớm từ 6 tuổi trở xuống. Còn với trẻ hơn 7 tuổi thì chỉ tư vấn cho bố mẹ lựa chọn. Vì can thiệp hoóc môn ở tuổi này cũng chỉ có thể giúp trẻ cao lên 1-2cm, hiệu quả không nhiều lắm", bác sĩ Khánh cho biết.

Theo bác sĩ Khánh, trường hợp cháu T không phải là quá điển hình và không có biểu hiện rõ ràng về dậy thì sớm. Bà từng khám cho những bệnh nhân bị dậy thì sớm khi rất nhỏ. Bố mẹ đã đưa con đến khám với vẻ mặt hốt hoảng khi phát hiện con mình với 1-2 tuổi, thậm chí vài tháng đã to ngực, có lông mu, có kinh nguyệt (nữ) hay có ria mép, giọng ồm ồm, tinh hoàn phát triển (nam).

Bác sĩ Bùi Phương Thảo – Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền (Bệnh viện Nhi T.Ư), trong khoảng 10 năm gần đây, số ca đến khám vì dậy thì sớm ngày càng gia tăng. Nếu trước đây cả năm chỉ có 10 ca thì nay cao gấp 20-30 lần. 

Cụ thể như năm 2019 có 365 bệnh nhân dậy thì sớm, còn 5 tháng đầu năm 2020 mới có 107 bệnh nhân. Tuy nhiên, số bệnh nhân giảm có thể do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bố mẹ ngại cho con đến nơi đông người, đi bệnh viện, giống như mẹ con chị M.H kể trên.

Bác sĩ Thảo cho biết, tại Khoa Nội tiết Chuyển hóa và di truyền của bệnh viện đang chỉ định tiêm ức chế dậy thì và theo dõi cho khoảng 500 cháu bị dậy thì sớm trung ương.

Con "khác thường" phải đi khám ngay

Theo bác sĩ Thảo, bệnh dậy thì sớm ở trẻ là bệnh xuất hiện ở trẻ em gái trước 8 tuổi, bé trai 9 tuổi. Bệnh chia làm hai loại: Bệnh dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm trung ương. Trong đó, dậy thì sớm ngoại biên có nghĩa trẻ chưa có sự hoạt động của trục dưới đối-tuyến yên - tuyến sinh dục, trong khi tuyến sinh dục tiết nhiều hormone, tuổi xương tăng cao.

Hốt hoảng khi thấy con vài tuổi đã lớn ngực, mọc râu - Ảnh 2.

Bác sĩ Bùi Phương Thảo: "Khi cha mẹ thấy con có các dấu hiệu dậy thì sớm trước 8 tuổi đối với nữ và 9 tuổi đối với nam cần đưa đi khám ngay"

Dậy thì sớm trung ương có sự kích hoạt của trục vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục, gây tăng tiết hormone hướng sinh dục của tuyến yến, làm hormone sinh dục tiết ra nhiều từ tuyến sinh dục, tuổi xương cũng tăng.

Bác sĩ Thảo nhận định, nguyên nhân của dậy thì sớm ngoại biên hay gặp nhất đó là u buồng trứng, u tinh hoàn, các bệnh lý về tuyến thượng thận như tăng sản thượng thận bẩm sinh, một số bệnh lý di truyền đặc biệt.

Khoảng 40-50% trường hợp dậy thì sớm trung ương ở trẻ em nam là u não, tổn thương não gây ra. Ở nữ bị dậy thì sớm trung ương, u não, tổn thương não chiếm khoảng 10% trong các trường hợp. Còn lại 90 % trường hợp nữ bị dậy thì sớm trung ương là không tìm thấy căn nguyên, kể cả khi làm các xét nghiệm nữ chụp cộng hưởng từ sọ não, chụp cắt lớp sọ não cũng không thấy bất thường.

Bác sĩ Thảo cho biết, khi trẻ gái dưới 8 tuổi có biểu hiện đặc thù như sinh dục phụ phát triển nhanh (tuyến vú to, có lông mu, có kinh nguyệt…), trẻ nam dưới 9 tuổi xuất hiện giọng nói ồm, ria mép, dương vật (có thể cả tinh hoàn) phát triển, có lông mu, cần cho trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra.

Nếu trong trường hợp trẻ dậy thì sớm do các nguyên nhân u não, tăng sản thượng thận bẩm sinh thì sẽ có thể điều trị ngoại khoa, hoặc các điều trị đặc hiệu để giải quyết các nguyên nhân.

Còn với những cháu dậy thì sớm trung ương, bác sĩ sẽ tư vấn cho gia đình để điều trị tiêm thuốc kìm hãm quá trình dậy thì, có thể làm chậm sự phát triển của các đặc tính sinh dục phụ, kéo dài thời gian đóng xương. Tùy vào từng thời điểm của đứa trẻ mà giá trị cải thiện chiều cao khi trưởng thành. Trẻ gái trước 6 tuổi, khi điều trị sẽ cải thiện chiều cao 9 – 10 cm. Bác sĩ thường khuyên các cháu trước 6 tuổi nên điều trị.

"Những đứa trẻ dậy thì sớm thường lùn hơn những đứa trẻ bình thường sau này, bởi vì khi trẻ bị dậy thì sớm, hormone sinh dục được tiết ra nhiều làm cho đóng tuổi xương mạnh mẽ. Trẻ gái bị dậy thì sớm sẽ thấp hơn 12 cm, trẻ trai thấp hơn 20cm so với bạn cùng lứa khi trưởng thành",

Bác sĩ Bùi Phương Thảo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem