Hot nhất miền Tây: Nơi cá bay cả đàn là ở Cồn Sơn

Chủ nhật, ngày 02/02/2020 20:05 PM (GMT+7)
Được bồi đắp phù sa trên dòng sông Hậu hiền hoà, Cồn Sơn có cây trái xanh mát, sum suê và những người dân chân phương, mộc mạc luôn niềm nở chào đón khách tới thăm.
Bình luận 0

Dù không xa đất liền, nhưng vừa đặt chân đến Cồn Sơn, du khách như đến một vùng đất mới, bình yên và trong lành đến lạ, bởi bao quanh là sông nước, tách biệt với cuộc sống ồn ào, náo nhiệt nơi thị thành. 

Thời gian gần đây, Cồn Sơn là cái tên được nhiều người biết đến trên bản đồ du lịch miền Tây với loại hình du lịch cộng đồng. Nằm giữa sông Hậu, cách đất liền khoảng 600 m và cách bến Ninh Kiều khoảng 6 km, Cồn Sơn thuộc quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ. Từ bến đò Cô Bắc, chỉ mất từ 5-10 phút ngồi đò là du khách có thể đặt chân lên Cồn Sơn.

img

 img

Trải nghiệm cảm giác đi qua cầu khỉ, bơi xuồng giữa không gian xanh mát.img

Du khách thích thú khi được tự tay làm ra những chiếc bánh kẹp, bánh lá truyền thống.

Với diện tích nổi khoảng 70 ha, từ bao đời nay, cư dân Cồn Sơn sinh sống bằng lợi tức thu được từ những vườn cây ăn trái. Đất Cồn Sơn trù phú, người Cồn Sơn đôn hậu. Đó chính là những điều kiện thuận lợi để nơi đây phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Mô hình du lịch cộng đồng trên Cồn Sơn chỉ mới phát triển từ năm 2015 do Đoàn thanh niên phường Bùi Hữu Nghĩa đứng ra phát động tổ chức. Đến nay, mô hình này đang được quận Bình Thuỷ hỗ trợ phát triển. Hiện tại, khoảng 20 hộ trong số 79 hộ dân trên cồn tham gia làm du lịch cộng đồng, kết hợp phát huy nét văn hoá và lối sống tình làng nghĩa xóm, theo kiểu mỗi nhà góp một sản phẩm. Các hộ gia đình đều được tạo điều kiện tối đa để hoạt động, được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng đón tiếp khách, được phổ biến các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm... Từ đó nắm bắt, tuân thủ các quy định chung, cùng nhau làm du lịch cộng đồng khá bài bản và chuyên nghiệp. Đội ngũ hướng dẫn viên là người bản địa, chủ yếu là các bạn đoàn viên, thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Hoa.

img

Đến Cồn Sơn, du khách được tận mắt xem "tuyệt chiêu" cá lóc bay.

Khi đến đây, ấn tượng đầu tiên là những con đường bê tông nhỏ, chỉ vừa cho người đi bộ và xe đạp, nên hầu như không có tiếng còi xe và khói bụi. Đường sá sạch đẹp, vườn cây rợp bóng, cảnh vật nhiều nơi vẫn giữ nét đẹp mộc mạc của nhà vườn xưa. Du khách đến Cồn Sơn không chỉ trải nghiệm cuộc sống với nông dân như tát mương bắt cá, bơi xuồng, hái trái cây, thưởng thức nhiều loại trái ngon, học làm nhiều món ăn và các loại bánh dân gian mà còn như được trở về không gian cộng đồng làng xóm Nam Bộ truyền thống.

img

Vườn vú sữa bơ hồng hơn 15 năm tuổi của cô Sáu mang hương vị ngọt ngào trên đất Cồn Sơn.

Tuỳ sở thích, du khách có thể lựa chọn bất kỳ dịch vụ nào, vì thế người làm du lịch ở đây luôn chú trọng đầu tư và ngày càng hoàn thiện dịch vụ. Trong đó có thể kể đến một số hộ tiêu biểu như nhà vườn Thành Tâm có cá lóc bay, vườn ổi, tát đìa bắt cá; Nhà vườn Công Minh có bà Bảy Muôn với nghề làm bánh dân gian; Nhà vườn chôm chôm Song Khánh; Vườn nhãn da bò của ông Năm Minh.

Khách còn thăm, ngắm vườn vú sữa bơ hồng của bà Sáu; Bè cá với nhiều loài quý hiếm của ông Bảy Bon; Thưởng thức món gà xé bưởi của bà Sáu Cảnh… Mỗi nhà mỗi sản phẩm đặc trưng cùng hợp tác mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm riêng có ở nơi này.

Một Cồn Sơn dân dã ngay sát đất Tây Đô, khách đến đây được người dân tiếp đón tự nhiên mà nồng hậu. Ở đây, mỗi hộ gia đình sẽ đăng ký làm một hoặc hai món bánh dân gian, món ăn phục vụ du khách, tuỳ thời gian, số lượng và yêu cầu của từng đoàn khách, hướng dẫn viên du lịch sẽ bố trí khách đến sau khi thông báo trước cho từng nhà chuẩn bị.

Như vậy, khách sẽ có cơ hội đến với nhiều nhà, tìm hiểu nhiều loại hình trong cùng một chuyến đi, không thấy đơn điệu và trùng lắp. Khách dùng bữa tại một nhà, các nhà khác sẽ mang món chuyên đến góp sau khi nhận được yêu cầu của người hướng dẫn.

Điều du khách có thể dễ dàng cảm nhận được khi đến với Cồn Sơn là ở đây không có sự cạnh tranh. Hôm nào nhà này đông khách, không đủ người phục vụ thì các nhà khác qua phụ theo kiểu “vần công”. Sự thân tình, chân chất ấy chính là phần hồn riêng có, góp phần tạo nên thương hiệu cho du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn, gìn giữ giá trị truyền thống, bản sắc văn hoá - văn minh miệt vườn sông nước./.

Mơ Trịnh (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem