Muôn cách "hốt bạc" của nhà nông từ rau sạch, mắm ngon tới đãi cả ao cá lóc bay

Anh Đức (TH) Thứ tư, ngày 22/08/2018 20:06 PM (GMT+7)
Việc nông dân làm vườn kết hợp du lịch sinh thái là một trong những hướng đi không mới nhưng đem lại hiệu quả vô cùng. Có không ít những nông dân chân đất "hốt bạc" từ những dịch vụ tưởng chừng vô cùng gian đơn như: dịch vụ câu cá, đãi rau sạch, mắm ngon, xem cá lóc bay,..
Bình luận 0

Kiếm tiền cục từ dịch vụ câu cá và nấu ăn ngon

Đến với mô hình dịch vụ câu cá giải trí và ẩm thực của chàng trai dân tộc Thái tên Hoàng Văn Hặc ở bản Mé, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành, thoáng mát hòa quyện cùng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp được vẽ nên từ những cánh đồng lúa trù phú mênh mông bát ngát, nước non hữa tình, thu hút nhiều du khách đến tham quan tạo ra khí thế mới cho phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương.

img

Anh Hặc ôm một con cá trắm cỏ nặng khoảng 7kg ở giữa ao để chế biến món ăn theo yêu cầu du khách. (Ảnh: Dân Việt)

Đến câu cá tại trang trại của anh Hặc, các du khách có thể thưởng thức các món ăn dân tộc làm từ thành quả mình câu được như: cá pỉngtop, cá gỏi, cá nướng trên gác bếp, thịt bò hun khói của dân tộc Thái từ lâu đã được nhiều người biết đến. Chỉ cần khách hàng có nhu cầu đặt vấn đề chế biến món ăn gì, món ăn như thế nào, ga đình anh Hặc sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu đó của du khách.

img

Du khách nước ngoài chụp ảnh kỉ niệm với các cô gái Thái mặc bộ váy cóm sặc sỡ. (Ảnh: Dân Việt)

Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, lượng du khách đến câu cá và ăn nghỉ tại trang trại gia đình anh Hặc rất đông đúc nên đầu năm 2016 anh bàn bạc với vợ quyết định mua thêm đất và mở rộng thêm diện tích ao thả cá.

Hiện nay tổng diện tích trang trại của anh Hặc là 1,5 ha, gồm 6 ao nuôi các loại cá như: trắm cỏ, rô phi, chép, trôi…Mỗi năm gia đình anh thu nhập từ dịch vụ câu cá và ẩm thực hơn 500 triệu đồng.

img

Các món ăn đặc sản dân tộc Thái đặt trên  mâm cơm của du khách. (Ảnh: Dân Việt)

Thông tin trên Dân Việt, ông Đỗ Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ, xã Mường Bon được thiên nhiên ban tặng tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Trong thời gian qua gia đình anh Hặc là một trong những hộ đã mạnh dạn đầu tư dịch vụ câu cá dịch vụ và nghỉ dưỡng được nhiều người biết đến.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con phát huy tiềm năng và lợi thế về khí hậu đất đai của xã góp phần vào phát triển kinh tế. Mong muốn UBND tỉnh, huyện và các doanh nghiệp đầu tư quan tâm, xây dựng khu du lịch cộng đồng để kinh tế xã ngày càng phát triển hơn”, ông Tuấn cho biết thêm.

"Hai Lúa" làm du lịch": "Đãi" cả ao cá lóc bay, rau sạch, mắm ngon

Du khách đến miền Tây là đến với con người miền sông nước, vườn cây, ruộng lúa. Trên nền văn hóa sông nước đặc trưng của ĐBSCL- cũng là miệt vườn cây ăn trái, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, đời sống người dân hiền hòa gắn bó với thiên nhiên… nhưng những người nông dân ở mỗi miệt vườn đã làm nên khác biệt cho từng điểm đến.

Từ khi nông dân Lê Trung Tín điều khiển được đàn “cá lóc bay”, góp phần tạo thêm sức hút cho du lịch cộng đồng miệt vườn cồn Sơn (quận Bình Thủy- TP Cần Thơ).

img

Ông Tín làm lại vài lần cho du khách coi, lần nào cũng bay lên đớp mồi như những vũ công chuyên nghiệp trong tiếng ồ, ố, a… thích thú của du khách. (Ảnh: Báo Vĩnh Long)

Vừa dẫn đoàn khách vào nhà mời uống nước, ăn trái cây, đoàn khách mới vào đòi coi “cá lóc bay” liền được ông Tín vui vẻ dẫn ra mương vườn.

Đứng bên vèo cá lóc độ 2 tháng tuổi, ông làm tín hiệu cho cá chuẩn bị và du khách sẵn sàng máy ảnh, chú ý rồi quăng thức ăn, bỗng nhiên hàng trăm con cá bay lên mặt nước đớp mồi, đều tăm tắp, vô cùng đẹp mắt.

Tận dụng cơ hội này, từ 4.000m2 mương vườn, ông Tín mạnh dạn thuê thêm 2.000m2 đất mở rộng vườn cây ăn trái, nuôi cá, trồng thêm ao sen, bắc cây cầu khỉ… “cho khách tham quan, chụp hình”. Theo ông Tín, những ngày cuối tuần, nghỉ lễ, vườn của ông đón cả trăm lượt khách ghé qua coi “cá lóc bay”.

img

Ông Tín hướng dẫn du khách cách móc mồi câu cá. (Ảnh: Báo Vĩnh Long)

Trong đó một số đoàn khách có nhu cầu ăn uống thì gia đình ông cũng phục vụ luôn, vừa bán được sản phẩm tại vườn (cá thịt, trái cây) vừa có thêm việc làm tăng thu nhập.

Làm du lịch chơn chất như nông dân Cồn Sơn

Gia đình ông Hải làm du lịch hơn năm nay, bà con chòm xóm chung tay làm. Nhà làm món bồ câu, nhà món cá, nhà bánh dân gian, nhà nấu cháo gà. Riêng nhà ông Hải có nuôi ếch nên chuyên làm các món về ếch.

Ông Hải cũng cho biết các hộ làm du lịch đang bàn bạc với nhau thành lập CLB du lịch Cồn Sơn để liên kết cho chặt hơn, hiện đã được 13 hộ đăng ký tham gia.

img

Trong khi đó, dù trời mưa tầm tã, nhưng bà Lê Thị Mỹ Hòa- chủ vườn Chín Nhỏ- vẫn đội nón lá đạp xe gửi món ăn ở các nhà vườn khác. “Vì trời mưa khách không xuống vườn tui mà ghé vườn Song Khánh cho gần, ở đó làm món cháo gà. (Ảnh: Báo Vĩnh Long)

Khách kêu món tép xào lục bình, cá lóc nướng trui vườn tui làm, lẩu mắm Vườn Bưởi làm… tụi tui làm rồi đem tới Song Khánh gửi món”- bà Mỹ Hòa nói vui- “ngày nào khách đông, hết chạy lên đầu cồn rồi chạy vô trong vườn… muốn hụt hơi, vậy mà vui”.

Các vườn thỏa thuận với nhau, khách vào vườn nào vườn đó phục vụ món riêng của mình, nếu kêu thêm các món khác thì điện thoại các vườn chuyên món đó chế biến và gửi món cho nhà vườn có khách phục vụ.

“Ngày đông khách, 4 giờ sáng tui đã rọi đèn pin ra hái rau vườn”- bà Mỹ Hòa khoe với chúng tôi và còn dự định khi trời ngớt mưa sẽ trồng thêm các loại rau cải, bí rợ “ăn hoài hổng hết, siêng siêng là có ăn hà”- bà Mỹ Hòa thiệt tình.

Còn ông Hải tự tin ở đây “vườn tự có” rất nhiều, nguồn cá, gà, rau vườn… nên không lo thiếu “mồi” đãi khách. Như hiện nay vườn bưởi của ông còn nhỏ, khách thích thì “mượn” vườn nhà kế bên cho khách vô tham quan.

Mô hình du lịch cộng đồng này vẫn đang trong giai đoạn hình thành, nhưng nhiều nhà vườn mong muốn phát triển ngày càng bền chặt hơn, thêm thắm tình làng nghĩa xóm. Vì các nhà vườn không chỉ chia sẻ, bổ sung cho nhau những cái còn thiếu, mà còn giúp họ nâng cao thu nhập kinh tế vườn, cải thiện cuộc sống.

Làm nông thôn mới kết hợp du lịch sinh thái, thu tiền tỷ

Ông Huỳnh Văn Huệ - đại diện Tổ cây ăn trái Trung An, huyện Củ Chi, TPHCM cho biết hàng năm có khoảng 25.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ mát tại các vườn trong tổ. Doanh thu từ vé và các dịch vụ khác đạt khoảng 1,8 tỷ đồng/năm.

Thời gian qua, với chủ trương và chính sách hỗ trợ của thành phố, vùng nông nghiệp không chỉ chuyển dịch theo hướng lựa chọn cây con có giá trị cao mà còn bắt đầu xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ nông nghiệp mới.

img

ản phẩm cây ăn trái của các vườn chủ yếu bán cho du khách (chiếm 75%), thu nhập bình quân 65 – 70 triệu đồng/ha/năm. Trong khi các vườn không tổ chức đón khách tổng thu nhập hàng năm chỉ đạt 20 – 23 triệu đồng/ha/năm. (Ảnh: Dân Việt)

Tương tự như vậy, các vườn rau, hoa lan, làng nghề bánh tráng tại các HTX cũng đang rất “mặn mà” với chương trình làm nông thôn mới kết hợp với du lịch sinh thái.

Trả lời PV Dân Việt, Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thỏ Việt (xã Phạm Văn Cội) cho biết các vườn rau của HTX chị là nơi thường xuyên được các đoàn học sinh tiểu học trong thành phố đến tham quan, học trồng rau, trải nghiệm làm nhà nông 1 ngày.

Số lượng tham quan ngày càng nhiều nên chị quyết định đầu tư hẳn thành tour du lịch nông nghiệp, với việc xây dựng thêm nhà nghỉ, nhà ăn, nhà vệ sinh và có hướng dẫn viên đầy đủ, bài bản.

“Giờ đây không chỉ có học sinh các trường cấp 1 mà còn có cả học sinh cấp 2 và 3 với lượng học sinh mỗi đợt có khi lên đến 300 - 500 em đến tham gia tour trải nghiệm làm nhà nông của HTX...” – chị Ngọc vui vẻ kể.

Trong đó điểm nhấn là tour du lịch nông nghiệp cho khách sau khi tham quan địa đạo Củ Chi sẽ đến các vườn cây ăn trái Trung An, tham quan làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông và kết thúc bằng buổi học làm nhà nông ở các vườn trồng rau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem