HS Lưu Công Nhân: "Đời tôi chỉ có 2 loại tranh, nghiêm nghị và lả lơi"

Chủ nhật, ngày 13/08/2017 09:00 AM (GMT+7)
Nhân dịp tưởng niệm mười năm ngày mất của hoạ sĩ Lưu Công Nhân (2007 – 2017), trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) phối hợp cùng Gallery 39 và gia đình cố hoạ sĩ tổ chức triển lãm "Nét" trưng bày khoảng 50 tác phẩm của hoạ sĩ Lưu Công Nhân.
Bình luận 0

Đây là các tác phẩm được giám tuyển Lê Thiết Cương lựa chọn từ khoảng 400 bức thuộc bộ sưu tập tranh Lưu Công Nhân đồ sộ nhất hiện nay của nhà sưu tập Nguyễn Phúc Hưởng và là triển lãm cá nhân lần đầu tiên của ông tính từ năm 1975 cho tới nay.

img

“Xét cho cùng, tất cả mọi thứ trên đời đều có sự ràng buộc vô hình! Đó là nghệ thuật! Đời tôi chỉ có hai loại tranh, chúng trộn lẫn vào nhau, đó là tranh nghiêm nghị và tranh lả lơi” – Lưu Công Nhân. Trong ảnh: những ngày tháng cuối cùng họa sĩ Lưu Công Nhân vẫn vẽ tranh. Ảnh: Lưu Quốc Bình.

Ông được mệnh danh là “bậc thầy thuốc nước”, vì riêng vật liệu này, ông đã vẽ ít nhất 600 tác phẩm. Nó trải rộng qua các đề tài, từ cảnh làng Bắc bộ, cảnh Hội An –Huế – Mỹ Sơn, cảnh biển – vịnh Hạ Long, cảnh lao động, cảnh Tây Bắc…, cho tới khoả thân, tĩnh vật, hoa… Xem lại những sách đã in, các bản thảo và cả các bộ sưu tập, ví dụ của Lưu Quốc Bình, của Lê Thái Sơn, của Ty Audio…, đặc biệt các tranh tĩnh vật, phong cảnh, chân dung trong bộ sưu tập của Apricot, thuốc nước luôn giữ một vị thế đặc biệt, và tiêu biểu.

Năm 1995, ông tâm sự: “Từ tuổi niên thiếu đến nay ngoài 60, thường hay đi rong xóm làng, khi cuốc bộ, khi cưỡi xe đạp, thong thả ngồi vẽ cảnh và người”. Nếu phong cảnh nông thôn Bắc bộ, vịnh Hạ Long, Hội An, Tây Bắc… cho ông những trải nghiệm tinh tế về đời sống, nơi ông miệt mài đi tìm sự tĩnh tại trong bộn bề hiện thực. Ông có niềm tin gần như tuyệt đối vào chủ nghĩa hiện thực, nhưng lại là một hiện thực được tinh giảm đến mức tượng trưng, ẩn dụ, khơi gợi. Thì giai đoạn Đà Lạt đã cho ông sự tươi nguyên, tự tại và u mặc trong cách đối diện với tĩnh vật (đặc biệt là hoa và các vật dụng thường nhật), cũng như phụ nữ khoả thân. Câu nói tưởng như phi lý, nhưng rất hữu lý với ông: “Tôi vẽ tranh sơn dầu như vẽ tranh thuỷ mặc”. Ông đi ra từ hai ngôn ngữ này, sau đó, tìm cách liên kết, xoá nhoà các ranh giới.

“Xét cho cùng, tất cả mọi thứ trên đời đều có sự ràng buộc vô hình! Đó là nghệ thuật! Đời tôi chỉ có hai loại tranh, chúng trộn lẫn vào nhau, đó là tranh nghiêm nghị và tranh lả lơi”- Họa sĩ Lưu Công Nhân

Người thầy đầu tiên và trực tiếp của ông là hoạ sĩ Tô Ngọc Vân – khoá mỹ thuật kháng chiến tại Việt Bắc (1950 – 1953), nhưng thần tượng sâu kín của ông lại là Auguste Renoir (1841 – 1919), người Pháp. Renoir tiên phong về phong cách biểu hiện; luôn đề cao vẻ đẹp tự nhiên, đặc biệt cơ thể phụ nữ. Lưu Công Nhân chịu ảnh hưởng rất rõ về quan niệm này. Ông cũng xem và đọc rất nhiều sách mỹ thuật về thời Phục hưng ở châu Âu, về hội hoạ Trung Hoa (đặc biệt thuỷ mặc), về tranh dân gian Việt Nam. Lưu Công Nhân cho rằng việc một hoạ sĩ Việt Nam chịu ảnh hưởng từ truyền thống, từ bên ngoài là chuyện đương nhiên, còn cái riêng, nếu có, là do khả năng chắt lọc của từng người, đặc biệt, phải bày tỏ được cõi lòng riêng tư của mình. Chính cõi lòng riêng tư làm nên cốt cách, bản sắc của từng hoạ sĩ, từng dân tộc.

“Thường nhật, Lưu Công Nhân sống điều độ và nghiêm túc. Ông làm việc cần mẫn và có chương trình sáng tác cụ thể từng ngày. Trong quan hệ bạn bè cũng như nhu cầu ẩm thực, Nhân chọn lọc rất kỹ. Ông không thích uống rượu, càphê hoặc hút thuốc lá. Thỉnh thoảng ông dùng một chai bia lạnh. Ông ham uống trà, lúc nào cũng có sẵn sàng một hộp chè móc câu Thái Nguyên và một bình nước sôi bên mình. Khi mời khách ông cẩn thận chuyên trà trong những bộ ấm cổ rất quý. Nào Mạnh Thần, nào Thế Đức gan gà hoặc men lam hay bạch định... Lưu Công Nhân cũng là người sưu tập đồ cổ kiểu tài tử”, hoạ sĩ Bùi Quang Ngọc kể.

 So với thế hệ mình, Lưu Công Nhân thuộc số ít hoạ sĩ có tinh thần làm việc xuyên suốt, vẽ được khá nhiều tác phẩm. Những năm cuối đời, khi bị bệnh Parkinson, rồi bệnh phổi, tay chân rất yếu, phải ngồi xe lăn, nhưng ông vẫn vẽ. Với tinh thần tối giản, chỉ vài nét, vài “loang màu” là xong, nhưng những bức tranh ấy, đặc biệt các tĩnh vật, vẫn rất tĩnh tại, đủ văn cảnh. Dường như thời gian và bệnh tật, thậm chí cả cái chết, không suy suyển đến ông. Cũng giống như tay chơi Hy Lạp trong Alexis Zorba của Nikos Kazantzakis, trước khi nhắm mắt vẫn nhìn thấy cô gái "tươi ngon" đi qua cửa, bức tranh cuối đời Lưu Công Nhân vẽ khoả thân.

Hiền Hoà (theo Letter From Apricot) (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem