Trường cấp một đằng, phòng đòi một nẻo
Em Nguyễn Thị Hồng – sinh viên năm thứ 3 khoa Công nghệ sinh học (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) là con thương binh hạng 3/4¾, được miễn học phí 100%. Từ đầu năm 2011, Hồng phải đóng học phí như các bạn rồi chờ nhận lại từ địa phương. Tuy nhiên, cho tới nay người nhà em vẫn chưa thể lấy được số tiền truy thu vì thủ tục quá phức tạp.
Nhiều sinh viên diện chính sách gặp khó khăn khi chậm được truy thu học phí.
Gần 70 tuổi, bác Nguyễn Văn Quân - bố của Hồng, đã phải đi đi lại lại tới các cơ quan chức năng không biết bao nhiêu lần mới làm đủ thủ tục.
Bác Quân cho biết: “Do hộ khẩu của tôi và em nó ở hai nơi khác nhau, bản thân tôi có hộ khẩu ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhưng vẫn hưởng lương hưu và chế độ trợ cấp thương binh hàng tháng ở quận Ba Đình theo cơ quan đăng ký trước đây. Chính vì thế khi mang hồ sơ tới Phòng LĐTBXH Ba Đình thì họ lại bảo phải về phòng LĐTBXH nơi đăng ký hộ khẩu.
Tuy nhiên khi về Phòng LĐTBXH quận Cầu Giấy thì họ lại bắt về chỗ vẫn lấy tiền trợ cấp! Thật không biết làm thế nào nữa”. Rất nhiều học sinh diện chính sách học tại ĐH Bách khoa như Hồng cũng đang phải dở khóc dở cười vì không làm thế nào cho đủ thủ tục để lấy lại học phí.
Em Nguyễn Thu Thuỷ (Nam Sách, Hải Dương) đang học khoa Ngoại ngữ tại trường này cho biết: “Trường thực hiện đào tạo tín chỉ, thu học phí bằng việc nộp qua tài khoản để sinh viên chủ động trong việc đóng tiền và xếp môn học.
Sau khi nộp tiền qua tài khoản, sinh viên sẽ được nhận giấy xác nhận đã đóng, tuy nhiên khi tới Phòng LĐTBXH huyện Nam Sách để nộp hồ sơ lấy truy thu học phí, phòng lại bắt nộp kèm giấy xác nhận với cả biên lai thu tiền. Không kiếm đâu ra biên lai thu tiền học phí để nộp cho nên tiền học phí năm học trước gần 4 triệu đồng của em hiện vẫn “gửi” ở Phòng LĐTBXH huyện”.
Nộp rồi thì chờ đấy
Sau khi làm đủ thủ tục để được phòng LĐTBXH địa phương chấp nhận hồ sơ, hàng nghìn gia đình thuộc diện chính sách có con em đi học phải chạy vạy vay nóng cho con em đóng học phí và “đợi tiền” học phí năm trước.
Theo Thông tư 29/2010 (của liên Bộ GDĐT, Tài chính, LĐTBXH), phòng LĐTBXH chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện chi trả cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ HS - SV có con đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập. Chậm nhất trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, phòng LĐTBXH có trách nhiệm thanh toán, chi trả tiền cấp bù học phí miễn, giảm cho gia đình người học theo quy định.
Gần hết kỳ I năm thứ 3 nhưng em Nguyễn Thị Nga, khoa Tiếng Anh – Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội vẫn chưa nhận được học phí năm thứ 2. Nga cho biết:
“Gia đình đã hoàn thiện hồ sơ ngay từ đầu năm 2011, lấy chữ ký từ xã nộp lên Phòng LĐTBXH huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình nhưng đến nay vẫn phải chờ, rất nhiều lần lên xã rồi lên huyện nhưng chỉ nhận được câu trả lời: Cứ về nhà đợi, khi nào có sẽ báo lên lấy. Mà chả biết đến khi nào có”.
Để có tiền đóng học phí và chi phí ăn học cho con, gia đình Nga phải bán thóc và vay lãi cao bên ngoài.
Còn Nguyễn Thị Luyên (Hậu Lộc, Thanh Hoá) đã ra trường được 4 tháng vẫn chưa truy thu được học phí năm học cuối tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Luyên cho biết, khi đóng học phí được nhà trường phổ biến là chỉ sau 15 ngày kể từ khi nộp hồ sơ sẽ nhận được học phí. Giờ đã là gần 10 tháng rồi mà vẫn chưa thấy phòng LĐTBXH gọi lấy tiền.
Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nam - cán bộ Phòng LĐTBXH huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An cho biết:
“Hầu như ở phòng nào cũng bị chậm chi trả, nguyên nhân do đây là lần đầu tiên thực hiện, chưa được phổ biến đầy đủ nên khi làm hồ sơ phía gia đình HS-SV không cung cấp đủ giấy tờ cần thiết. Mẫu giấy tờ từ các trường không thống nhất trong khi mẫu hồ sơ chính từ trên cấp không linh hoạt khiến cán bộ phòng nhiều khi không biết làm thế nào. Bên cạnh đó, tiền chi trả đưa xuống địa phương cũng chậm nên địa phương không có nguồn để thực hiện sớm”.
Cũng theo ông Nam, sắp tới huyện Nghĩa Đàn mới bắt đầu chi trả đợt đầu tiên học phí năm học 2010 - 2011 cho các em.
Tùng Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.