Hướng đi nào cho lan hồ điệp?

Trần Khánh Thứ sáu, ngày 06/09/2019 19:00 PM (GMT+7)
Các dòng lan nhiệt đới ở TP.HCM đang phát triển mạnh và có khả năng đạt tới ngưỡng bão hòa. Trong khi các dòng ôn đới như lan hồ điệp ngày càng được ưa chuộng, nhưng vẫn còn lệ thuộc vào nhập khẩu.
Bình luận 0

Chuyển đổi xu hướng

Những năm gần đây, nhu cầu tặng hoa lan dịp lễ, tết tăng cao, nhất là hồ điệp. Phong lan hồ điệp là một trong các chi lan đẹp, đa dạng về màu sắc và chủng loại, đồng thời được thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng, nhưng sản xuất trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều cơ sở kinh doanh hoa tươi phải nhập lan hồ điệp từ Đài Loan với số lượng lớn để đáp ứng người tiêu dùng.

Bà Đặng Thị Thanh Thủy - chủ vườn lan Bến Sạn Tây (quận 9, TP.HCM) cho biết, thị trường hoa lan sắp tới sẽ tiếp tục có nhiều biến động do hội nhập và thị hiếu thay đổi. Hiện nay, diện tích và chất lượng lan Mokara tại TP.HCM đã đạt ngưỡng và sắp tới có thể nguồn cung sẽ vượt cầu. Việc xuất khẩu mokara lại gặp khó do vấn đề bản quyền.

img

 Lan hồ điệp được thị trường ưa chuộng do đặc trưng màu sắc đa dạng, hoa bền và có giá trị cao. 
(ảnh: Trần Khánh)

Hồ điệp đang là loại hoa được thị trường ưa chuộng. Ngày thường, hồ điệp có giá 150.000 đồng/cành, nhưng ngày tết có thể lên 250.000 đồng/cành, thậm chí không có hàng để bán. Tuy nhiên, các giống phong lan hồ điệp hiện nay ở Việt Nam đa phần là giống lan ngoại nhập, khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương bị hạn chế.

Trong một công trình nghiên cứu về chọn tạo giống lan, TS Đỗ Khắc Thịnh (Viện Khoa bọc Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam - IAS) đánh giá TP.HCM đã phát triển nhiều dòng, giống lan nhiệt đới như mokara, dendrobium có kết quả tốt. Tuy vậy, lan hồ điệp vẫn chủ yếu nhập khẩu từ nguồn Đài Loan, Trung Quốc.

Các công trình nghiên cứu, chọn tạo giống phong lan hồ điệp của Việt Nam còn quá ít, kinh nghiệm sản xuất hoa lan hồ điệp còn thiếu. Việc đầu tư công nghệ cao còn hạn chế và không đồng bộ. Ở quy mô nhỏ lẻ, sản xuất phong lan hồ điệp không đủ số lượng và chưa đảm bảo chất lượng, dẫn tới giá thành sản xuất hoa cao, chất lượng hoa thấp chưa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chấp nhận thử thách

Theo TS Thịnh, sự khác biệt rõ ảnh hưởng đến việc ra hoa của lan hồ điệp là chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm. Ở TP.HCM, nhiệt độ trung bình giữa các mùa ít thay đổi so với sự thay đổi nhiệt độ khá lớn giữa ban đêm và ban ngày. Hồ điệp là cây chịu nhiệt, nhưng đòi hỏi có giai đoạn ngắn cần nhiệt độ lạnh vừa phải. Vì vậy, để cây lan hồ điệp phát triển bình thường, cần có những biện pháp thích hợp, lai tạo giống chịu nhiệt độ cao kết hợp với thiết kế nhà lưới. 

Nếu phát triển hoa lan hợp lý, đồng bộ, TP.HCM không chỉ đáp ứng cho nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả cao, mà còn đảm bảo đủ sản phẩm cho tiêu thụ cho thị trường”. 
Ông Nguyễn Hoàng Thành  

Bà Đặng Thị Thanh Thủy thừa nhận, vốn đầu tư ban đầu cho hệ thống nhà trồng cùng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe khiến nhiều nhà vườn ngại đầu tư. Tuy nhiên, trong kế hoạch của vườn lan Bến Sạn Tây, một hệ thống nhà kính trồng hồ điệp khoảng 5 tỷ đồng vẫn sẽ được triển khai.

Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục phát triển mokara cắt cành, bà Thủy sẽ tiếp tục liên kết với các nhà vườn ở Lâm Đồng để xây dựng mô hình trồng lan hồ điệp tại TP.HCM nhằm cung cấp cây trưởng thành, dưỡng cho ra hoa, rồi chuyển ngược trở lại thị trường thành phố.

“Việc này vừa tạo điều kiện liên kết sản xuất và công ăn việc làm cho người lao  động, quan trọng hơn là giảm giá thành và tạo thế mạnh trong sản xuất kinh doanh” - bà Thủy tin tưởng.

Ông Nguyễn Hoàng Thành - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Fosaco cho biết, 7 năm trước, đơn vị từng thực hiện mô hình này. Sau đó, để tiết kiệm chi phí, Fosaco đã đưa cả nhà kính lên Lâm Đồng, chứ không tiếp tục duy trì ở TP.HCM.

Xong ông Thành thừa nhận, sức phát triển lan hồ điệp là rất mạnh. Nếu có điều kiện phát triển mô hình công nghệ như của bà Thủy, đó không chỉ là đam mê của người trẻ có tâm huyết, mà còn là bản lĩnh dám đầu tư tạo chuyển biến mới cho thị trường. Tuy nhiên, việc này cũng cần thêm sự hỗ trợ rất lớn từ các sở ngành liên quan, bên cạnh nỗ lực của nhà vườn.

“Nếu phát triển hoa lan hợp lý, đồng bộ, TP.HCM không chỉ đáp ứng cho nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả cao, mà còn đảm bảo đủ sản phẩm cho tiêu thụ cho thị trường” - ông Thành chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem