Hướng về cơ sở, tháo gỡ khó khăn cho nông dân

Minh Huyền-Mạnh Cường Thứ sáu, ngày 27/12/2019 05:00 AM (GMT+7)
Trong năm 2019, Hội Nông dân (ND) tỉnh Yên Bái đã chú trọng đổi mới nội dung phương pháp thực hiện, tập trung hướng mạnh về cơ sở, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, trao đổi thông tin và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hội viên để thực hiện hoàn thành thắng lợi 8/8 chỉ tiêu, nhiệm vụ được Tỉnh ủy giao theo Chương trình hành động 144.
Bình luận 0

Đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị

Chủ trì xây dựng 5 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp theo chính sách của T.Ư và của tỉnh được đánh giá là một nhiệm vụ khó trong 8 nhiệm vụ Chương trình hành động 144 của Tỉnh ủy Yên Bái, để thực hiện được mục tiêu này, Hội ND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra đi cơ sở, nắm bắt tiềm năng, thế mạnh trong phát triển và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, đặc sản của từng địa phương.

img

 Nông dân xã Phù Nham, huyện Văn Chấn (Yên Bái) phấn khởi tham gia Tổ hợp tác để yên tâm trồng chanh leo.  Ảnh: Văn Tuấn

Thực hiện Chương trình hành động 144 của Tỉnh ủy, Hội ND tỉnh đã xây dựng được 6 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp thông qua THT và HTX của nông dân.

Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, kịp thời trao đổi với người nông dân, vận động họ cùng nhau liên kết sản xuất thông qua việc tham gia tổ hợp tác (THT), Hợp tác xã (HTX) và mời gọi các doanh nghiệp có uy tín đến khảo sát và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Mô hình trồng chanh leo tại xã Phù Nham, huyện Văn Chấn được đánh giá là một mô hình hiệu quả trong thực hiện kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp dưới sự tư vấn, hỗ trợ của Hội ND tỉnh.

Ông Quách Văn Nguyện - thành viên THT Chanh leo xã Phù Nham cho biết: "Thực hiện mô hình liên kết sản xuất, THT Chanh leo đã có 48 hộ dân tham gia với việc góp đất và được hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc được trên 10ha chanh leo. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc nên diện tích chanh leo phát triển khá tốt. Cây chanh leo cho thu hoạch một năm 4 lứa với năng suất bình quân đạt 300kg/ha/lứa.

Như vậy, với 10ha vào năm thứ nhất THT có thể thu hái được trên 10 tấn/ha và tăng lên 20 - 30 tấn vào năm thứ 2 và thứ 3. Năng suất cao cũng như đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm do doanh nghiệp Nafood Tây Bắc tại tỉnh Sơn La cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người nông dân. Hiệu quả kinh tế từ cây chanh leo cao gấp từ 2 đến 3 lần so với cây lúa.

Từ thành công của mô hình chanh leo ở xã Phù Nham, Hội ND tỉnh Yên Bái đã mở rộng thêm mô hình tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn làm tăng thu nhập cho người nông dân. Đến nay, thực hiện Chương trình hành động 144 của Tỉnh ủy, Hội ND tỉnh đã xây dựng được 6 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp thông qua THT và HTX của nông dân như: Chuỗi nuôi thỏ thịt ở xã Yên Hợp, huyện Văn Yên; chuỗi nuôi gà đen ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải; chuỗi sản xuất phân nén hữu cơ, trồng rau an toàn ở thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải; chuỗi sản xuất chè hữu cơ ở xã Minh Bảo, TP.Yên Bái… Qua đánh giá, các chuỗi giá trị đều được thực hiện đảm bảo chất lượng đầu vào; cây, con giống, vật tư được cung cấp bởi các đơn vị uy tín, có địa chỉ cụ thể; có hợp đồng liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp đảm bảo đầu ra ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động.

Thành công nhờ… chương trình 144

Chủ tịch Hội ND tỉnh Giàng A Câu cho biết: "Ngay sau khi có Chương trình hành động 144 của Tỉnh ủy, Hội ND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá địa bàn tổ chức; giao chỉ tiêu cụ thể thực hiện cho từng đơn vị, thường xuyên tiến hành kiểm tra, đôn đốc và kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn.

Đến nay, 8/8 chỉ tiêu nhiệm vụ được Tỉnh ủy giao theo Chương trình 144 đều được Hội ND các cấp trong tỉnh hoàn thành đạt và vượt kế hoạch”. Cụ thể: Hội đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ xây dựng 53 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trên lĩnh vực nông nghiệp gắn với HTX, THT. Trong đó có 45 mô hình tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019.

Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ xây dựng 182 THT và thành lập mới 14 HTX (vượt 82 THT và 4 HTX theo chỉ tiêu giao) và củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của 11 HTX đã có; thu hút được 5 doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân như: Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại FFF ở 2 huyện Trấn Yên, Yên Bình; Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Green liên kết chăm sóc và tiêu thụ bưởi ở xã Hán Đà, huyện Yên Bình; Tổng Công ty Y dược Tây Bắc thực hiện thí điểm đưa cây sâm hoàng Shin cô vào trồng tại thôn Sáng Páo, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu...

Đặc biệt, các cấp Hội ND trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ giúp đỡ được 197 hộ thoát nghèo. Cùng với đó, các cấp Hội đã tích cực tuyên tuyền, vận động; tăng cường xây dựng các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về giống vốn, kỹ thuật… cho hội viên; xây dựng được 45 mô hình sản xuất kinh doanh gắn với THT, HTX, 163 hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho hội viên nông dân; phối hợp xây dựng mô hình "Hội Nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn” tại xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn; mô hình "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ sản xuất cà chua thương phẩm chất lượng cao, theo hướng VietGAP” tại huyện Văn Chấn…

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem