Huyện Cao Phong (Hòa Bình) phản hồi về đường bê tông hơn 80 tỷ chưa làm xong đã nứt

Phóng viên Tây Bắc Thứ bảy, ngày 04/11/2023 07:36 AM (GMT+7)
Liên quan đến tuyến đường bê tông hơn 80 tỷ đồng ở xã Hợp Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) xuất hiện nhiều vết nứt trong quá trình thi công, UBND huyện Cao Phong đã có phản hồi với Báo Dân Việt.
Bình luận 0


Ghi nhận của phóng viên Dân Việt tại tuyến đường bê tông hơn 80 tỷ đồng chưa làm xong đã xuất hiện nhiều vết nứt ở xã Hợp Phong, huyện Cao Phong. Thực hiện: Văn phòng Tây Bắc.

UBND huyện Cao Phong đã có chỉ đạo ngay sau bài phản ánh của Dân Việt

Ngày 23/10/2023, Báo Dân Việt đã có bài "Hòa Bình: Đường bê tông hơn 80 tỷ đồng chưa làm xong đã nhiều vết nứt", phản ánh về tuyến đường bê tông có tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng ở xã Hợp Phong, huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) chưa làm xong đã có dấu hiệu xuống cấp, mặt đường xuất hiện rất nhiều vết nứt…

Liên quan đến tuyến đường trên, PV Dân Việt đã có buổi trao đổi với ông Đinh Văn Duẩn, Chánh Văn phòng UBND huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Ông Duẩn cho biết, sau khi báo phản ánh, UBND huyện Cao Phong đã chỉ đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất giám sát, kiểm tra lại hồ sơ, xem đoạn bị nứt đã được nghiệm thu hay chưa. 

Theo ông Duẩn, tuyến đường đang thi công, chưa được nghiệm thu và bàn giao cho huyện. Hiện chỉ đang nghiệm thu khối lượng.

Huyện Cao Phong (Hòa Bình) phản hồi về đường bê tông hơn 80 tỷ chưa làm xong đã nứt - Ảnh 2.

.

Huyện Cao Phong (Hòa Bình) phản hồi về đường bê tông hơn 80 tỷ chưa làm xong đã nứt - Ảnh 3.

Tuyến đường Hợp Phong (xã Hợp Phong) do UBND huyện Cao Phong làm chủ đầu tư, dù chưa làm xong đã có dấu hiệu xuống cấp, mặt đường xuất hiện rất nhiều vết nứt. Ảnh: Phóng viên Tây Bắc.

Trước đó, PV Dân Việt đã liên hệ qua điện thoại với ông Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong về hướng xử lý của huyện đối với những vị trí bị nứt trên tuyến đường Hợp Phong mà Báo Dân Việt đã phản ánh. Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cũng khẳng định đã nhận được thông tin Báo Dân Việt phản ánh.

Ai phải chịu trách nhiệm về chất lượng tuyến đường bê tông 80 tỷ ở Cao Phong?

Dự án đường Hợp Phong dù chưa hoàn thành nhưng đã xuất hiện nhiều vết nứt trên bề mặt của công trình khiến người dân nghi ngại về chất lượng của công trình cũng như quá trình thi công liệu có đảm bảo kỹ thuật hay không, và ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho vấn đề này?

Huyện Cao Phong (Hòa Bình) phản hồi về đường bê tông hơn 80 tỷ chưa làm xong đã nứt - Ảnh 4.

Chủ đầu tư dự án đường Hợp Phong là UBND huyện Cao Phong. Đơn vị thi công liên danh Công ty TNHH MTV xây dựng Đức Cường - Công ty TNHH xây dựng Đức Nhanh. Tuyến đường khởi công ngày 22/12/2021 và sẽ được hoàn thành ngày 22/5/2024. Ảnh: Phóng viên Tây Bắc.

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật thông tin: Theo Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì quản lý thi công xây dựng công trình là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia các hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật để việc thi công xây dựng công trình đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ, hiệu quả và nhằm đáp ứng yêu cầu của thiết kế và mục tiêu đề ra.

Theo Điều 7 Nghị định 06/2021/NĐ-CP phân định trách nhiệm giữa các chủ thể trong quản lý xây dựng công trình thì các chủ thể có liên quan trực tiếp bao gồm: chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư; nhà thầu thi công xây dựng; nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng; nhà thầu tư vấn.

Điều 7 Nghị định 06/2021/NĐ-CP nêu rõ, Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức quản lý xây dựng công trình phù hợp với hình thức đầu tư, hình thức quản lý dự án, hình thức giao thầu, quy mô và nguồn vốn đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình; tổ chức quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này; tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình, nghiệm thu công việc xây dựng, bộ phận, hạng mục công trình, công trình xây dựng; tổ chức bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. Chủ đầu tư được quyền tự thực hiện các hoạt động xây dựng nếu đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật. Việc nghiệm thu của chủ đầu tư không thay thế, không làm giảm trách nhiệm của nhà thầu tham gia xây dựng công trình đối với phần công việc do nhà thầu thực hiện.

Trường hợp chủ đầu tư thành lập ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hoặc giao nhiệm vụ cho ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực:

Chủ đầu tư được ủy quyền hoặc giao nhiệm vụ cho ban quản lý dự án thực hiện một hoặc một số công việc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý thi công xây dựng công trình theo quy định của Nghị định này và phải được thể hiện bằng văn bản. Chủ đầu tư phải chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm về các công việc đã ủy quyền hoặc giao nhiệm vụ cho ban quản lý dự án thực hiện;

Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về việc thực hiện các công việc được ủy quyền hoặc được giao nêu tại điểm a khoản này.

Cũng theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì chủ đầu tư được quyền giao nhà thầu này thực hiện một hoặc một số công việc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý công trình. Chủ đầu tư được quyền tự thực hiện việc giám sát thi công xây dựng công trình nếu đủ điều kiện năng lực hoặc thuê tổ chức tư vấn đủ điều kiện năng lực theo quy định.

Huyện Cao Phong (Hòa Bình) phản hồi về đường bê tông hơn 80 tỷ chưa làm xong đã nứt - Ảnh 6.

Một vế nứt to tại tuyến đường Hợp Phong, xã Hợp Phong. Ảnh: Phóng viên Tây Bắc.

Căn cứ theo Điều 19 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về "giám sát thi công xây dựng công trình" thì công trình cần phải được giám sát trong quá trình thi công, cụ thể như sau:

Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình;

Kiểm tra biện pháp thi công xây dựng của nhà thầu so với thiết kế biện pháp thi công đã được phê duyệt. Chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn, các biện pháp đảm bảo an toàn chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao trong thi công xây dựng công trình;

Xem xét và chấp thuận các nội dung được quy định do nhà thầu trình và yêu cầu nhà thầu thi công chỉnh sửa các nội dung này trong quá trình thi công xây dựng công trình cho phù hợp với thực tế và quy định của hợp đồng.

Kiểm tra và chấp thuận vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình;

Kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công xây dựng công trình và các nhà thầu khác thực hiện công việc xây dựng tại hiện trường theo yêu cầu của thiết kế xây dựng và tiến độ thi công của công trình;

Giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình; giám sát các biện pháp đảm bảo an toàn đối với công trình lân cận, công tác quan trắc công trình;

Đề nghị chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh thiết kế khi phát hiện sai sót, bất hợp lý về thiết kế;

Yêu cầu nhà thầu tạm dừng thi công khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn, vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động làm xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; chủ trì, phối hợp với các bên liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình và phối hợp xử lý, khắc phục sự cố.

Kiểm tra, đánh giá kết quả thí nghiệm kiểm tra vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng trong quá trình thi công xây dựng và các tài liệu khác có liên quan phục vụ nghiệm thu; kiểm tra và xác nhận bản vẽ hoàn công;

Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 19 Nghị định 06/2021/NĐ-CP có quy định về nội dung thực hiện giám sát thi công, do đó, chủ đầu tư cần kiểm tra năng lực của nhà thầu thi công công trình; kiểm tra biện pháp thi công; đồng thời cần kiểm tra và chấp thuận vật liệu, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình; đôn đốc nhà thầu thi công xây dựng công trình; giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn trong quá trình thi công; yêu cầu nhà thầu tạm dừng thi công khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Như vậy, chủ đầu tư có thể tự mình giám sát thi công xây dựng công trình hoặc thuê đơn vị giám sát, nếu thuê đơn vị giám sát thì trong quá trình thi công công trình thì cả hai sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng của công trình.

Phóng viên Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem