Nắng chiều đã tắt trên cánh đồng Mường Tấc nhưng bên thửa ruộng nơi góc bản Tường Quang, chị Đinh Thị Linh - ND xã Quang Huy vẫn như chưa muốn chấm dứt một ngày lao động.
|
Những chân ruộng chín sớm được nông dân Phù Yên tranh thủ làm đất trồng rau màu vụ 3. |
Ai cũng cố gắng làm giàu
Với sự nhịp nhàng từ đôi bàn tay chị Linh, những nắm phân đạm vãi lên theo hình dẻ quạt, xào xạc trên lá lúa rồi rớt xuống mặt ruộng nghe lõm tõm.
Chị bảo: “Kinh nghiệm sản xuất nhiều năm cho tôi thấy bón phân hoá học vào những ngày trời râm mát là tốt nhất vì phân ít bị hao hụt bởi nắng trời lại không bị mưa làm trôi mất chất. Lúa đang chuẩn bị làm đòng nên đợt bón thúc này quan trọng lắm. Nếu cây lúa kém ăn, năng suất thấp thì vừa mất thu hoạch, vừa xấu hổ với bà con trong bản. Làm nông nghiệp vất vả lắm, ruộng lại kề ruộng nên cái hơn, cái được so với nhà khác lộ rõ ngay.
Cũng theo chị Linh, từ nhiều năm nay, phong trào thi đua sản xuất giỏi ở Phù Yên đang phát triển rất mạnh trong ND, "Vì thi đua là mang lại lợi ích cho chính mình nên ai cũng tự giác cả thôi. Cánh đồng Mường Tấc này trước đây nhiều hộ chỉ cấy lúa 1 vụ, nay thì ai cũng làm 2 vụ lúa 1 vụ màu. Những hộ có kinh nghiệm làm rau thì chuyển hẳn sang trồng rau, màu hàng hoá. Vì thế thu nhập trên 1ha đất ở đây đã tăng lên gấp đôi, gấp 3 so với mấy năm trước.
Lương thực dư dả, vốn liếng được tích trữ thêm nên ngoài làm ruộng, nhà nào cũng phát triển thêm đàn gia súc, gia cầm, tận dụng nông sản, phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi nên đời sống bà con nông dân khá giả hẳn.
Nhân rộng điển hình
Đến với những xã đặc biệt khó khăn trong huyện như: Mường Do, Mường Bang, Nam Phong, Đá Đỏ, Kim Bon… chúng tôi thật vui khi được biết các xã này cũng có rất nhiều hộ ND SXKD giỏi, hầu hết là bà con dân tộc thiểu số.
Ông Cầm Văn Thiết- Chủ tịch Hội ND huyện Phù Yên, cho biết: Trong tổng số gần 3.400 ND SXKD giỏi của huyện tới gần 3.200 hộ là đồng bào người dân tộc; gần 1.000 hộ có thu nhập từ 50 đến trên 300 triệu đồng/năm. Đây là lợi thế để chúng tôi nhân điển hình, mở rộng thi đua theo vùng, ngành nghề, thuận lợi cho bà con tham quan, học tập kinh nghiệm.
Trong tổng số gần 3.400 ND SXKD giỏi của huyện có tới gần 3.200 hộ là bà con người dân tộc; gần 1.000 hộ có thu nhập từ 50 đến hơn 300 triệu đồng/năm.
Ông Cầm Văn Thiết - Chủ tịch Hội ND huyện Phù Yên
Trên con đường về bản Dằn A, xã Kim Bon, chúng tôi gặp lão nông Giàng A Thái - dân tộc Mông đang vung vẩy cái roi tay tre, lùa đàn trâu, bò về chuồng. Ông Thái bảo: "Nghe nói sắp có đợt gió lạnh kèm theo mưa đến nên mình đưa gia súc về chuồng tránh rét. Cán bộ khuyến nông nói nhiều rồi, đầu tư phát triển đàn gia súc là quý nhưng phải biết chăm sóc, bảo vệ nó; không để nó chết vì giá rét, bệnh tật thì mới sinh lời, sinh lãi nhiều".
Hỏi ông về quyết tâm làm giàu, ông cười: Cũng là học tập lẫn nhau thôi mà. Nghe cái đài, nghe cán bộ nói, rồi nhìn thấy nhà khác làm thì làm theo thôi. Mình mới nuôi được có mấy chục con trâu, bò chưa phải là nhiều đâu, hộ ông Sồng A Dua, Lường Văn Vương… nuôi tới gần trăm con bò đấy. Ai không có đồng cỏ, có vốn ít thì nuôi con lợn, con gà, con dê… Thiếu kinh nghiệm thì cứ đến cán bộ xã, bản mà hỏi, họ sẽ bảo cách làm hay. Còn vốn thì ra Ngân hàng Chính sách xã hội, Nhà nước khuyến khích hộ nghèo vay vốn làm ăn mà. Không đủ ăn, thiếu đói thì không thành gia đình văn hoá được đâu. Nhà mình mấy năm nay đều đạt Gia đình văn hoá, lại là ND giỏi cấp tỉnh đấy”.
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.