Được biết, Củ Chi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ giữa năm 2009 với xã Tân Thông Hội – xã điểm của Trung ương, sau đó là Thái Mỹ - xã điểm của thành phố. Từ 9/19 tiêu chí khi bắt đầu triển khai Chương trình NTM, cuối năm 2011, Tân Thông Hội trở thành xã NTM đầu tiên của cả nước khi hoàn thành 19/19 tiêu chí chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm. Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, đến đầu tháng 3.2015, 20/20 xã của huyện Củ Chi đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí Trong đó, các xã như Tân Thông Hội, Thái Mỹ hoàn thành các tiêu chí với chất lượng cao. “Sáng đầu tuần, chúng tôi đã nghe tin vui là Củ Chi đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện NTM”- ông Phú thông tin.
Đoàn Hội Nông dân TP.HCM tham quan trang trại lan công nghệ cao ở Củ Chi. T.H.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam trong dịp về thăm Củ Chi, thẩm định các tiêu chí NTM của địa phương này hồi cuối tháng 3.2015 cũng cho rằng, việc Củ Chi được công nhận là huyện NTM không chỉ là niềm vui riêng của địa phương này mà còn là sự cổ vũ, động viên chung cho cả TP.HCM trong công cuộc xây dựng NTM.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, trong những năm đầu, huyện Củ Chi tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Từ năm 2013 trở đi, huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các dự án chuyển dịch lao động, phát triển sản xuất góp phần nâng cao thu nhập một cách bền vững. Trong năm 5 qua, Củ Chi đã thu hút hơn 450 doanh nghiệp về đầu tư trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được phục hồi, mang lại thu nhập từ 4,5 – 6 triệu đồng/người/tháng cho lao động địa phương. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất nông nghiệp đã tăng từ 132 triệu đồng/năm (năm 2009) lên mức 258 triệu/năm (năm 2015). Ông Dương Văn Minh – Trưởng trạm Khuyến nông huyện Củ Chi cho biết, bên cạnh những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông dân Củ Chi còn biết tận dụng lợi thế vùng để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khi được hỏi về lợi ích của xây dựng NTM, bà Trần Lê Thị Thanh Huyền – chủ vườn lan Huyền Thoại (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) cho rằng, đã không còn những ngày nông dân “đất thép” phải ăn bo bo, cơm độn qua ngày. Thay vào đó, bên cạnh cái ăn, cái mặc, nông dân Củ Chi nay còn có điều kiện để tận hưởng những giá trị văn hóa, truyền thống cũng như hiện đại.
Hơn 17.445 tỷ đồng xây dựng NTM Củ Chi
17.445,4 tỷ đồng là tổng kinh phí xây dựng NTM ở huyện Củ Chi trong hơn 5 năm qua, trong đó, nguồn vốn từ cộng đồng chiếm đến 91,9%, đạt khoảng 16.038 tỷ đồng. Số vốn từ nguồn ngân sách thành phố chiếm khoảng 7,3%, đạt 1.289,7 tỷ đồng và vốn từ Trung ương hơn 10 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.