Huyện Củ Chi phát triển đàn bò bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường

Quang Sung Thứ năm, ngày 29/09/2022 19:50 PM (GMT+7)
Chương trình “Phát triển đàn bò bền vững trên địa bàn huyện Củ Chi” triển khai trong giai đoạn từ năm 2018-2022. Mục tiêu chung của chương trình là phát triển đàn bò phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường.
Bình luận 0

Chương trình “Phát triển đàn bò bền vững trên địa bàn huyện Củ Chi giai đoạn 2028-2022” nhằm phát triển đàn bò phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường. Từ đó hình thành ngành chăn nuôi bò có tính bền vững trên địa bàn huyện Củ Chi, trong giai đoạn 2018-2022 và những năm tiếp theo.

Huyện Củ Chi phát triển đàn bò bền vững, hướng đến bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Chăn nuôi bò sữa được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, trong ngành chăn nuôi tại huyện Củ Chi. Ảnh: QS

Ông Lê Đình Đức - Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, ngành chăn nuôi bò sữa đang nằm trong kế hoạch thực hiện phát triển đàn bò bền vững. “Chúng tôi định hướng giảm đàn bò sữa, duy trì và phát triển đàn bò thịt, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương”, ông Đức cho hay.

Cũng theo ông Đức, đàn bò sữa ở huyện Củ Chi năm 2019 là 66.000 con, nhưng từ khi có đề án phát triển đàn bò bền vững, đến nay giảm còn 35.000 con. “Chúng tôi tổ chức tuyên truyền, vận động bà con. Bên cạnh đó đẩy mạnh nhiều công tác hỗ trợ về vốn, tập huấn cho bà con để thực hiện hiệu quả đề án”, ông Đức nói

Chương trình “Phát triển đàn bò bền vững trên địa bàn huyện Củ Chi giai đoạn 2028-2022” gồm có 7 nội dung, định hướng phát triển cả đàn bò sữa và đàn bò thịt. Trong đó nội dung thứ 4 “Xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa hiệu quả, bền vững và đảm bảo vệ sinh môi trường”, đề cao yếu tố bảo vệ môi trường trong phát triển ngành chăn nuôi bò sữa.

Huyện Củ Chi phát triển đàn bò bền vững, hướng đến bảo vệ môi trường - Ảnh 3.

Trang trại chăn nuôi bò sữa tại Củ Chi thu hoạch sữa với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. Ảnh: QS

Theo đó, huyện tiến hành xây dựng 2 mô hình chăn nuôi bò sữa hiệu quả, bền vững và đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong đó 1 mô hình với 20 hộ có quy mô 20 - 30 con và 1 mô hình với 10 hộ có quy mô 40 - 50 con. Huyện chọn 2 xã có mật độ chăn nuôi bò sữa lớn là An Nhơn Tây và An Phú để tham gia chương trình. Theo đó, các hộ tham gia mô hình phải có đất đề trồng cỏ, có khả năng tài chính đề đối ứng với dự án.

Đối với tiêu chí về vệ sinh môi trường, huyện Củ Chi yêu cầu các hộ phải đảm bảo xử lý chất thải và an toàn sinh học. Các hộ chăn nuôi tiến hành xây dựng các hố chứa và xử lý chất thải, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý chất thải. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh khu vực xung quanh trại. Làm hố sát trùng khi vào trại. 

Huyện Củ Chi phát triển đàn bò bền vững, hướng đến bảo vệ môi trường - Ảnh 4.

Khách du lịch thích thủ trải nghiệm hoạt động vắt sữa bò tại Củ Chi. Ảnh: QS

Phòng kinh tế huyện Củ Chi, chịu trách nhiệm đánh giá tác động của mô hình. Theo dõi số liệu đầu vào và đầu ra của mô hình, đánh giá tác động của các giải pháp kỹ thuật đến hiệu quả kinh tế và môi trường. 

Đến nay, chương trình “Phát triển đàn bò bền vững trên địa bàn huyện Củ Chi giai đoạn 2028-2022” đã bước vào giai đoạn cuối, huyện đã có những đánh giá sơ bộ. Ông Lê Đình Đức - Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết: “Mặc dù giảm số lượng đàn bò, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng sữa. Trước kia 66.000 con sản lượng sữa là 300 tấn/ngày. Đến nay khi giảm xuống 35.000 con, sản lượng và chất lượng sữa vẫn đảm bảo duy trì tương đương”.

Theo ông Đức, đây là một kết quả rất khả quan cho thấy hiệu quả đề án đem lại. Qua đó giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ mảng xanh của TP.HCM nói chung và huyện Củ Chi nói riêng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem